Bản Tuyên ngôn Độc lập vượt thời đại

02/09/2018 16:00

Ngay sau khi khởi nghĩa giành chính quyền thành công, Đảng và Bác Hồ đã lập ra chính quyền của mình đó là Chính phủ lâm thời gồm 15 thành viên do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh được giao soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập để công bố vào ngày độc lập. Ngày 28.8.1945, tại gác 2 nhà số 48 phố Hàng Ngang (Thủ đô Hà Nội), Người đã dành thì giờ, tập trung trí tuệ và tình cảm để bắt tay soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Đây là thời điểm trong lòng Bác trào dâng niềm xúc động, bởi lần viết này là một bản Tuyên ngôn của dân tộc độc lập và tự do. Sau khi viết xong, nhằm huy động trí tuệ tập thể, ngày 30.8.1945, Người đã mời một số đồng chí đến đọc và trao đổi, góp ý kiến vào văn kiện lịch sử quan trọng này. Sau đó Bác đã suy ngẫm, trăn trở, ngày 31.8.1945, Người đã quyết định bổ sung thêm một số điểm vào bản thảo Tuyên ngôn, hoàn chỉnh bản khai sinh của nước Việt Nam vừa giành được độc lập. Bản dự thảo Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh thảo ra đã được Ban Thường vụ Trung ương Đảng nhất trí thông qua trước khi công bố trước toàn thể nhân dân Việt Nam và toàn thế giới vào ngày độc lập.

Ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào, với toàn thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, tự do ra đời.

Bản Tuyên ngôn Độc lập mở đầu bằng một chân lý phổ biến và vĩnh cửu: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Lời mở đầu của Bản Tuyên ngôn để khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Chủ tịch Hồ Chí Minh khi viết đã đặt trong dấu ngoặc kép, theo dụng ý đây là một câu được trích trong tuyên ngôn của cách mạng Mỹ năm 1776. Nhưng khi cho câu này trong dấu ngoặc kép Chủ tịch Hồ Chí minh đã rất tinh tế khi viết ở khổ thứ hai của bản Tuyên ngôn rằng: “Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Thực chất lời mở đầu của bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt nam độc lập, tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo đã có sự kế thừa trong bản Tuyên ngôn năm 1776 của Mỹ. Nhưng câu trích đó không còn nguyên bản, vì trong Bản tuyên ngôn của cách mạng Mỹ năm 1776 người ta chỉ cho “tất cả những người đàn ông da trắng” mới được quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, đây là một sự bất bình đẳng, phân biệt chủng tộc và giới tính. Như vậy, Người chỉ lấy cái tinh thần của nó chính là quyền của con người và dân tộc, Người đã bỏ đi cai căn cốt, cải bản chất của cuộc cách mạng chưa triệt để, chưa đến nơi, đến trốn. Và thay vào đó là một mệnh đề “tất cả mọi người”, “tất cả các dân tộc” trên hành tinh này mà không có sự phân biệt màu da, tiếng nói, không phân biệt nam, nữ, đẳng cấp, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, đều được sinh ra và được hưởng các quyền cơ bản đó.

Như vậy bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và tuyên bố trong ngày lễ độc lập 2.9.1945 là một bản tuyên ngôn vượt thời đại. Ngay sau khi viết bản thảo xong, ngoài các đồng chí Thường vụ Trung ương đọc và góp ý, Bác đã đưa cho một người sĩ quan Quân đội Mỹ đọc - thiếu tá Archimedes L.A Patti, chỉ huy quân đội Mỹ của lực lượng đồng minh chống phát xít Nhật có mặt tại Việt Nam cùng với Mặt trận Việt Minh. Sau khi được đọc bản thảo Tuyên ngôn do Bác soạn thảo, ông này đã rất khâm phục và nói với Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: Tuyên ngôn Ngài soạn thảo là bản tuyên ngôn vượt thời đại, vì ngài đã bỏ đi cụm từ “white mans” (những người đàn ông da trắng) và thay vào đó là “every body” (tất cả mọi người).

Tính vượt thời đại trong bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là hướng tới mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột, bất công, bất bình đẳng, tất cả mọi người, mọi dân tộc được sống sung sướng, tự do và hạnh phúc. Gần một thế kỷ qua, sau khi bản Tuyên ngôn Độc lập được công bố, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện những quyền cho tất cả mọi người, thực hiện giải phóng dân tộc, mở đầu cho phong trào giải phóng các dân tộc trên thế giới khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Thế giới không còn sự áp của chủ nghĩa thực dân nhưng chiến tranh cục bộ, sung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo vẫn diễn ra, đang đe dọa và tước đi quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người. Bao đau thương mất mát đã diễn ra, nhân loại cũng đang gồng mình lên để đấu tranh cho một thế giới hòa bình, tự do và phát triển.

Ở Việt Nam, bản Tuyên ngôn Độc lập đã tuyên bố: "Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”. Lời tuyên bố đó đã khẳng định một vấn đề rất quan trọng cho sự ra đời của một quốc gia độc lập, tự do, với sự hiện diện của một chính quyền có chủ quyền và sự thống nhất cao của cộng đồng dân tộc.

Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử có giá trị tư tưởng và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Bản Tuyên ngôn Độc lập là sự phát triển đến đỉnh cao của tư tưởng độc lập, tự do trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trong các văn kiện của Đảng. Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết tinh những quyền lợi cơ bản và những nguyện vọng tha thiết nhất của nhân dân Việt Nam, là biểu hiện hùng hồn khí phách, bản lĩnh kiên cường, ý chí bất khuất của dân tộc ta. Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của nhân dân Việt Nam dù ở thế hệ nào.

Ngày 2.9.1945, ngày Độc lâp mãi mãi ghi tạc vào lịch sử dân tộc Việt Nam một mốc son vĩ đại nhất, vẻ vang nhất, là ngày hội lớn nhất của dân tộc ta. Đó là ngày khép lại quá khứ tủi nhục, đau thương bị nô dịch, mở ra một kỷ nguyên mới; kỷ nguyên nhân dân ta tự mình làm chủ vận mệnh của mình để thực hiện mục tiêu độc lập, tự do, công bằng, hạnh phúc.

Hằng năm, cứ đến mùa thu lịch sử, trong ký ức mỗi người dân đất Việt lại trào dâng niềm cảm xúc mãnh liệt, bởi khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám. Ngày nay tinh thần Cách mạng Tháng Tám đang được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy để thực hiện mục tiêu của Tuyên ngôn Độc lập, được hiện thực hóa trong đường lối Đại hội lần thứ XII của Đảng.

ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN (Trường Chính trị tỉnh Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bản Tuyên ngôn Độc lập vượt thời đại