90 năm - Những chặng đường vẻ vang của Đảng: Bài 3: Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc

03/01/2020 10:20

Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại những kẻ thù sừng sỏ nhất của thế kỷ XX mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

>> Bài 1: Đảng ra đời, lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền
>> Bài 2: Đảng lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp


Bộ đội phòng không của tỉnh bắn hạ nhiều máy bay Mỹ

Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta bắt tay vào xây dựng, khôi phục kinh tế-văn hóa, xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH). Trong khi đó ở miền Nam, đế quốc Mỹ phá hoại Hiệp định Genève, hất chân thực dân Pháp, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng.

Tất cả vì miền Nam ruột thịt

Nhiệm vụ của Đảng ta trong giai đoạn này hết sức nặng nề, đó là phải lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược gồm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân nêu cao quyết tâm đánh Mỹ, thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân bằng tầm cao khoa học và nghệ thuật.

Với một đế quốc hùng mạnh bậc nhất thế giới, Đảng ta chủ trương đánh lâu dài; kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và hoạt động binh vận; kết hợp tiến công và nổi dậy, tiến hành đấu tranh trên cả ba vùng (đồng bằng, thành thị và miền núi); kết hợp mặt trận quân sự, chính trị với mặt trận ngoại giao; phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh thời đại.

Bằng đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt và tinh thần đấu tranh anh dũng kiên cường, bất khuất, bất chấp mọi gian khổ hy sinh của nhân dân ta, cùng với sự giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ, giành nhiều thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đây là một trong những trang chói lọi nhất của lịch sử dân tộc, là một sự kiện có tầm quốc tế và có tính thời đại sâu sắc.

Cùng với cả nước, trong kháng chiến chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bác Hồ, Đảng bộ tỉnh Hải Hưng đã đưa quân và dân trong tỉnh vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Con em Hải Dương đã lên đường vào Nam chiến đấu, quân và dân Hải Dương đã phối hợp cùng bộ đội chủ lực tham gia chiến đấu 2.630 trận, bắn rơi 83 máy bay Mỹ, bắt sống hàng chục giặc lái, góp phần tích cực đập tan cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ, cùng cả nước đi tới Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xây dựng hậu phương vững chắc

Song song với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng đã lãnh đạo nhân dân miền Bắc khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế-xã hội, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và đưa miền Bắc quá độ lên CNXH. Sau 21 năm xây dựng CNXH, miền Bắc đã giành được những thành tựu quan trọng, chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật ban đầu cho CNXH; vừa sản xuất, vừa chiến đấu và chi viện sức người, sức của, hoàn thành vai trò hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam; tạo cơ sở vật chất và những kinh nghiệm quý báu trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam sau này.

Tại Hải Dương, sau khi Hiệp định Genève được ký kết năm 1954, từ năm 1955-1957, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, tiếp tục hoàn thành cách mạng dân chủ, đem lại ruộng đất cho nông dân. Thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa, Đảng bộ tỉnh xác định và triển khai phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp một cách nhanh chóng, toàn diện, lấy sản xuất lương thực làm trung tâm, đồng thời coi trọng sản xuất cây công nghiệp và chăn nuôi. Cùng với cải tạo xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực thương nghiệp, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân vào làm ăn tập thể, xây dựng quan hệ sản xuất mới dựa trên 2 hình thức sở hữu toàn dân và tập thể; thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, góp phần xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa thành hậu phương lớn của cách mạng miền Nam giai đoạn 1961-1965.

Từ cuối năm 1965, khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh cục bộ ở miền Nam, liên tiếp dùng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc, Hải Dương là một trong những địa bàn bị giặc Mỹ bắn phá ác liệt nhất bởi nằm ở vị trí quan trọng, có 2 cây cầu lớn trên đường 5A và có đường sắt chạy qua. Quân và dân Hải Dương đã phát huy cao độ chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mạnh của nhân dân để giành thắng lợi hoàn toàn.
Với khẩu hiệu "vừa sản xuất, vừa chiến đấu", trên đồng ruộng, công trường, trong các nhà máy, xí nghiệp, người dân Hải Dương "tay cày, tay súng", "tay búa, tay súng", vượt lên bom đạn của kẻ thù và sự khắc nghiệt của thiên tai, lao động quên mình để làm nên những "cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ". Năm 1975, năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt 6 tấn/ha; đóng góp gần 100.000 tấn thóc, trên 10.000 tấn thực phẩm cho Nhà nước. Tổng sản lượng công nghiệp đạt trên 100 triệu đồng...

Cùng với chú trọng phát triển kinh tế, Đảng bộ tỉnh luôn chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân; củng cố tổ chức đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

 HD(tổng hợp)

---------
Bài 4: Hàn gắn vết thương chiến tranh, thực hiện công cuộc đổi mới

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    90 năm - Những chặng đường vẻ vang của Đảng: Bài 3: Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc