Chính quyền gỡ khó cùng dân

22/08/2017 07:16

Thời gian qua, cán bộ, lãnh đạo chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong tư duy, lề lối, tác phong làm việc.



Tiếp xúc cử tri là một kênh để lãnh đạo các cấp nắm bắt những vấn đề bức xúc từ cơ sở,
từ đó có hướng xử lý, giải quyết kịp thời


Do đó, đã kịp thời nắm bắt nhiều vấn đề bức xúc, phát sinh, đồng thời có giải pháp cụ thể nhằm ổn định tình hình ở địa phương.

Tăng cường đối thoại

Chính quyền các cấp trong tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân như thông qua tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp; tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; giám sát và phản biện xã hội của MTTQ các cấp; tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo…

Ở cấp tỉnh, cấp huyện, bộ máy chính quyền có nhiều đổi mới trong lề lối, tác phong làm việc. Cán bộ, công chức được phân công nhiệm vụ cụ thể theo hướng chuyên môn hóa, tăng cường đi cơ sở. Việc giảm họp, tăng hội nghị lồng ghép, nội dung họp theo phương châm "Ba đúng, hai không, bốn rõ" được các địa phương thực hiện nghiêm túc. “Ba đúng” là: đúng đủ thành phần dự họp, đúng giờ và nội dung, đúng trọng tâm và ngắn gọn; “hai không” là: không nói chuyện và làm việc riêng, không lãng phí thời gian và ngân sách; “bốn rõ” là: kết luận rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm, rõ thời gian và điều kiện thực hiện. Một số huyện tăng cường họp trực tuyến, thông tin điện tử. Nhiều trụ sở cơ quan lắp camera giám sát hoạt động tiếp công dân. Qua đó, lãnh đạo chính quyền nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phát hiện những sai phạm của cán bộ, công chức để chấn chỉnh.

Hiện nay, việc tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân được các địa phương coi là một trong những kênh hiệu quả để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ngoài việc định kỳ tổ chức tiếp xúc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân theo quy định, nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức các cuộc đối thoại theo chuyên đề.

Từ đầu năm đến nay, UBND huyện Cẩm Giàng tổ chức gần 10 cuộc đối thoại theo chuyên đề với nhân dân các xã Ngọc Liên, Lương Điền, Cẩm Hưng. Huyện phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh giải quyết những khó khăn, kiến nghị của người dân liên quan đến một số dự án đang được triển khai như dự án cầu Dốc trên quốc lộ 38, nâng cấp quốc lộ 38 đoạn qua huyện, dự án đường dây 220KV Nhiệt điện Hải Dương - trạm 500KV Phố Nối (Hưng Yên)… Nhiều hộ thuộc diện phải di dời, thu hồi đất để thực hiện các dự án này ban đầu không đồng ý với phương án đền bù, đơn giá đất, xác định nguồn gốc đất. Tại các buổi đối thoại, lãnh đạo UBND huyện giải thích cụ thể các nội dung liên quan đến chính sách, pháp luật, để nhân dân nắm được. Nội dung nào phải xem xét, lãnh đạo UBND huyện đều giao cho các ngành chức năng của huyện xử lý kịp thời. Sau nhiều lần đối thoại, tuyên truyền, vận động, đến nay, đa số các hộ liên quan đều đồng tình để các dự án trên được triển khai.

Theo ông Phạm Văn Mai, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hải Tân (TP Hải Dương), khi thành phố đề ra chủ trương tiếp tục mở rộng đường Bá Liễu giai đoạn 2 dài gần 400m, 69 hộ dọc hai bên đường không đồng tình. Đường được mở rộng 13,5m thì có hộ phải hiến đến gần 140m2 đất, hộ ít cũng hơn 20m2. Lãnh đạo phường nhiều lần tổ chức họp với dân, tích cực tuyên truyền, vận động người dân đồng tình với chủ trương của thành phố. Đồng thời, phường đề nghị thành phố mở rộng mặt đường bằng với tuyến đường thực hiện ở giai đoạn 1 là 9,5m. Đề nghị này đã được TP Hải Dương chấp thuận. Để xúc tiến dự án, phường Hải Tân đã thuê đơn vị tư vấn tổ chức khảo sát, ký hợp đồng giải tỏa đường điện; hướng dẫn các hộ làm thủ tục xin cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi hiến đất mở đường.

Thay đổi tư duy


Ở cấp cơ sở, bộ máy chính quyền xã, thị trấn có nhiều đổi mới trong lề lối, tác phong, chất lượng hoạt động. "Khi có vấn đề xảy ra, người đứng đầu phải trực tiếp xuống cơ sở nắm bắt để có hướng giải quyết kịp thời chứ không cử cán bộ chuyên môn xuống rồi nghe họ báo cáo. Làm vậy vừa mất thời gian, vừa khó nắm bắt vấn đề sâu và đưa ra hướng xử lý hợp lý, kịp thời", ông Vũ Nhật Kha, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Hồng (Bình Giang) nói.

Quan điểm này được lãnh đạo xã Tân Hồng áp dụng trong giải quyết tất cả công việc của xã. Cuối năm 2016, người dân xã Tân Hồng phát hiện một số doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Tân Hồng xả nước thải phát sinh trong quá trình tẩy rửa phế liệu bằng hóa chất trực tiếp ra sông trung thủy nông Sặt - Phủ gây ô nhiễm nghiêm trọng, làm chết một số diện tích lúa của người dân. Ngay sau khi nắm bắt được thông tin, Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã đã trực tiếp xuống hiện trường tìm hiểu tình hình. Lãnh đạo xã kiến nghị UBND huyện và các ngành chức năng của huyện, tỉnh có biện pháp xử lý. Một số doanh nghiệp trong cụm công nghiệp đã bị đình chỉ tạm dừng hoạt động, các doanh nghiệp khác buộc phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Những đổi mới trong tư duy, lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, lãnh đạo chính quyền các cấp được nhân dân hoan nghênh.

HẢI ĐĂNG

(0) Bình luận
Chính quyền gỡ khó cùng dân