Chính quyền cơ sở ngày càng chuyên nghiệp

03/01/2018 22:00

Những năm gần đây, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ ở cơ sở ngày càng chuyên nghiệp hóa, phục vụ nhân dân tốt hơn.


Cán bộ thị trấn Lai Cách hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: PV

Hết việc, không hết giờ

Chúng tôi có mặt tại bộ phận "một cửa" của UBND xã Cộng Hòa (Nam Sách) vào lúc 11 giờ 30 một ngày cuối tháng 12. Tuy sắp hết giờ làm việc nhưng các cán bộ, công chức của bộ phận này vẫn đang trực đầy đủ và đang giải quyết thủ tục hành chính cho 2 công dân. "Cách đây mấy năm làm gì có chuyện giờ này cán bộ xã vẫn trực. Nhiều khi khoảng 10 giờ chúng tôi đến, cán bộ xã đã về hết rồi", bà Phạm Thị Chút (ở thôn Cổ Pháp) đang làm thủ tục hành chính tại đây cho biết.

Khoảng 3 năm trước, tình trạng cán bộ xã 8 giờ đi làm, chưa đến 10 giờ tan sở, thậm chí có lúc bỏ trực vẫn diễn ra thường xuyên ở xã Cộng Hòa. Hiện nay, tình trạng trên đã chấm dứt hoàn toàn. Hằng ngày, các cán bộ chủ chốt của xã như Bí thư, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND xã đều đến sớm 15phút, cán bộ văn phòng đến sớm 10 phút, còn lại tất cả các công chức xã đều phải đến đúng giờ. Cuối giờ chỉ khi nào không còn công dân đến giải quyết công việc, cán bộ xã mới về chứ không có chuyện hết giờ không tiếp công dân. "Chúng tôi lắp camera tại phòng làm việc của bộ phận một cửa để nắm bắt tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức. Năm 2016, chúng tôi xếp loại 2 cán bộ hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế một số mặt, trong đó nguyên nhân chính là hay đi làm muộn. Năm 2017, tình trạng đi làm muộn của cán bộ, công chức xã chấm dứt hoàn toàn", ông Mạc Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa nói.

Đưa chúng tôi đi thăm phòng tiếp công dân của UBND xã, ông Trịnh Văn Thuần, Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm (Ninh Giang) cho biết: "Dù phòng này được trang bị đầy đủ bàn ghế, ấm chén uống nước nhưng không mấy khi được sử dụng đến bởi tất cả các vướng mắc, ý kiến, kiến nghị của công dân đều được cán bộ xã giải quyết kịp thời". Ở tất cả các phòng làm việc của UBND xã, hầu hết cán bộ, công chức đều có thái độ làm việc nghiêm túc, đeo thẻ trong khi thực thi công vụ. Cũng theo Chủ tịch UBND xã, tất cả cán bộ, công chức xã trong giờ làm việc muốn ra ngoài đều phải báo cáo, xin phép lãnh đạo xã chứ không có việc tự ý rời khỏi cơ quan. Hằng ngày, trong khi làm việc phải giữ thái độ hòa nhã, tôn trọng, lắng nghe, hướng dẫn, giải thích rõ ràng, cụ thể cho nhân dân. Mấy năm gần đây, vào ngày thứ bảy, xã đều cử cán bộ văn phòng, cán bộ làm công tác lao động, thương binh và xã hội, công an và 1 lãnh đạo UBND xã thường trực tại trụ sở UBND xã để giải quyết công việc đột xuất cho người dân.

Nhiều địa phương trước đây chỉ bố trí trực, làm việc tại trụ sở UBND cấp xã 3 ngày/tuần, thì nay đã làm việc đủ 5 ngày/tuần, có nơi bố trí làm việc cả ngày thứ bảy để giải quyết thủ tục hành chính cho dân.

Mấu chốt là cán bộ

Nhiệm kỳ này, Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện Đề án "Cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tỉnh Hải Dương" từ nhiệm kỳ trước. UBND tỉnh ban hành "Quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước về thực hiện công tác cải cách hành chính" và Kế hoạch cải cách hành chính hằng năm. Tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh, trong đó có UBND cấp xã.

Các địa phương đầu tư mua sắm máy móc, ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Nhiều nơi liên thông giữa bộ phận "một cửa" cấp huyện với bộ phận "một cửa" cấp xã. Việc lưu trữ tài liệu của các xã, phường, thị trấn cũng nền nếp, khoa học hơn trước.

Các xã chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Việc tuyển dụng công chức cấp xã được thực hiện đúng quy trình, bảo đảm các yêu cầu đặt ra. Các xã tạo điều kiện cho cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đến nay, có gần 60% số cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ đại học; 97,5% số cán bộ, công chức có trình độ từ trung cấp trở lên, trong đó có 48,5% có trình độ đại học; khoảng 83% số cán bộ, công chức xã có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên.

UBND cấp xã ban hành quy chế làm việc, trong đó nêu rõ trách nhiệm của từng cán bộ, công chức; yêu cầu họ ăn mặc lịch sự, đeo thẻ trong khi làm nhiệm vụ; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá cán bộ, công chức hằng tháng. Cán bộ, công chức xã được phân công nhiệm vụ cụ thể theo hướng chuyên môn hóa, tăng cường đi cơ sở. Qua thực hiện quy chế tiếp xúc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND cấp xã đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề nghị, kiến nghị chính đáng của người dân để có hướng giải quyết phù hợp. Đồng thời phát hiện những hạn chế của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà người dân phản ánh, từng bước nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đã giúp chính quyền cơ sở ngày càng chuyên nghiệp hơn trong thực thi công vụ.

HOÀNG NGÂN

(0) Bình luận
Chính quyền cơ sở ngày càng chuyên nghiệp