Các nước châu Âu như Pháp và Đức đã lên tiếng ủng hộ một Tây Ban Nha thống nhất. Những thể chế tài chính lớn ở Catalonia cũng muốn rời đi vì sợ thất thu.
Lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont - Ảnh: Reuters
Một tuần sau khi tổ chức cuộc trưng cầu về việc Catalonia tách khỏi Tây Ban Nha, căng thẳng đã có dấu hiệu lan rộng. Và sau khi trải qua cảm giác "chiến thắng" với 90% phiếu bầu đòi độc lập, lãnh đạo chóp bu của vùng Catalonia giờ đang cảm thấy áp lực đảo chiều.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cuối tuần trước đã nói chuyện với Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy. Bà nhấn mạnh sự ủng hộ cho một Tây Ban Nha độc lập, nhưng đưa ra lời khuyên về việc chính quyền hãy đối thoại cùng lãnh đạo Carles Puigdemont của Catalonia, Reuters dẫn lời người phát ngôn của bà Merkel cho hay.
Trong khi đó, Pháp cũng cho rằng họ sẽ không công nhận Catalonia nếu vùng này đơn phương tuyên bố độc lập như lời ông Puigdemont nói.
Bộ trưởng phụ trách đối ngoại châu Âu của Pháp, bà Nathalie Loiseau nói nếu sự ly khai này được công nhận, nó sẽ lẫn tới việc Catalonia nghiễm nhiên rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Như vậy sau thời gian ngắn im hơi lặng tiếng, các nhà lãnh đạo châu Âu cho thấy họ không hài lòng về chuyện Catalonia đòi ly khai.
Đó là những tín hiệu cho thấy Catalonia, nếu là một quốc gia độc lập, cũng đối diện khả năng bị cô lập. Và như vậy họ sẽ gặp thiệt hại về tài chính do các công ty lớn ở đây không muốn bỗng dưng bị thu hẹp thị trường.
Reuters ngày 9.10 cho biết đã có thêm ba công ty trụ sở ở Catalonia gia nhập nhóm doanh nghiệp muốn "di cư" khỏi vùng này kể từ ngày 1.10.
Tập đoàn bất động sản Inmobiliaria Colonial và công ty cung cấp hạ tầng Abertis đồng loạt quyết định chuyển văn phòng đến Madrid. Trong khi hãng công nghệ Cellnex cảnh báo cũng sẽ làm như vậy nếu tình hình căng thẳng chính trị ở Catalonia tiếp diễn.
Grupo Planeta, nhà xuất bản ở TP Barcelona, cũng khẳng định sẽ dời văn phòng đến Madrid nếu chính quyền Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập.
Theo Tuổi trẻ