Bằng khao khát “vượt lên chính mình”, nhóm bạn đã ngoài 40 tuổi người Hải Dương đã chinh phục “nóc nhà Đông Dương".
Ở độ tuổi ngoài 40, nhóm bạn ở Hải Dương đã vượt lên chính mình để chinh phục “nóc nhà Đông Dương” bằng đường bộ
Tưởng việc chinh phục “nóc nhà Đông Dương" (đỉnh núi cao nhất trong 3 nước Đông Dương: Việt Nam, Lào, Campuchia) bằng đường bộ chỉ thích hợp với những nhà leo núi chuyên nghiệp hoặc giới trẻ ưa mạo hiểm. Nhưng bằng khao khát “vượt lên chính mình”, nhóm bạn đã ngoài 40 tuổi người Hải Dương đã thành công.
Hành trình chinh phục đỉnh Phan Xi Păng đã diễn ra cách đây 2 năm nhưng mỗi khi nhắc lại, anh Nguyễn Quốc Cường (45 tuổi) hiện là Chủ tịch Công đoàn Giáo dục huyện Tứ Kỳ vẫn vẹn nguyên cảm xúc ngày nào. Anh nhớ lại, vào một ngày cuối tuần, trong lúc ngồi uống cà phê, anh và 7 người bạn của mình đang công tác tại Sở Tài chính, Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương, Bộ Giáo dục và Đào tạo… nảy sinh ý tưởng và rủ nhau chinh phục đỉnh Phan Xi Păng. Hồi ấy, hệ thống cáp treo đang trong quá trình xây dựng nên muốn lên đỉnh Phan Xi Păng chỉ có một cách là leo bộ. Khi biết các anh định vừa lên, vừa xuống núi trong 1 ngày, nhiều người biết chuyện cho rằng mục tiêu đó là không tưởng và có phần điên rồ. Bởi xưa nay, hầu như chỉ có vận động viên leo núi chuyên nghiệp hoặc người nước ngoài mới làm được điều đó. Còn với người Việt Nam, chí ít cũng phải mất 2 ngày, 1 đêm mới hoàn thành được mục tiêu. Mà đó phải là những người có sức khỏe tốt, đằng này hầu như tất cả các thành viên trong nhóm đều đã ngoài 40 tuổi, hằng ngày chỉ quen “đút chân gầm bàn, mắt nhìn máy tính”. Có người chưa bao giờ chơi thể thao, sức khỏe hạn chế. “Thế mà chúng tôi đã làm được cái điều không tưởng đó. Mọi người ai cũng vui mừng, tự hào khi được Ban Quản lý Vườn quốc gia Hoàng Liên trao tặng huy chương và giấy chứng nhận”, anh Cường hồ hởi.
60 ngày khổ luyện"Trong cuộc sống có rất nhiều khó khăn có thể vượt quá giới hạn chịu đựng của mỗi chúng ta. Nhưng nếu ta có hoài bão, chủ động, kiên trì rèn luyện, phấn đấu thì ắt sẽ gặt hái được thành công."
|
|
Để lập nên kỳ tích nói trên các thành viên trong nhóm của anh Cường đã phải khổ luyện trong 60 ngày liên tục. Nhóm đề ra một “giáo án” rèn luyện sức khỏe chung và xây dựng một Group trên mạng xã hội Facebook để quản lý, cập nhật thông tin về tình hình tập luyện của từng thành viên hằng ngày. Nhóm quy định, mỗi ngày dù mưa hay nắng các thành viên phải chạy bộ tối thiểu 10 km, tự leo cầu thang tại nhà từ 50 - 100 lượt để nâng cao thể lực và duy trì sức bền. “Tôi chưa từng chơi một môn thể thao nào, người nặng nề nên giai đoạn đầu tập luyện lúc nào cũng thấy hụt hơi, toàn thân mệt mỏi, đau nhức. Nhưng vì cả nhóm đã cam kết sẽ không ai được bỏ cuộc nên tôi vẫn kiên trì rèn luyện và dần cũng quen”, anh Nguyễn Văn Hóa, một thành viên trong nhóm đang công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương chia sẻ.
Để cơ thể đạt trạng thái sung mãn, dẻo dai, trong thời gian tập luyện, các thành viên trong nhóm còn đặc biệt quan tâm tới chế độ ăn uống, nghỉ ngơi. Mọi người bảo nhau kiêng hẳn bia, rượu, thuốc lá và thực hiện chế độ ăn uống tuân thủ theo đúng tháp dinh dưỡng dành cho vận động viên thể thao chuyên nghiệp.
Tư trang cho cuộc hành trình cũng được nhóm chuẩn bị chu đáo. Vật dụng mà họ mang theo đựng trong 1 ba lô nặng không quá 5 kg, gồm: 5 chai nước, 1 hộp bánh sô cô la, 2 quả trứng luộc, vitamin tổng hợp, đèn pin, dao găm, áo mưa, thuốc hạ sốt, cồn, bông gạc và 1 chiếc gậy dài 1,2 m. Quần áo mặc trên người cũng chọn loại có chất liệu nhẹ, co giãn.
Hành trình gian nan1 ngày trước khi bắt đầu cuộc hành trình chinh phục đỉnh Phan Xi Păng, đoàn đã có mặt tại địa điểm để đăng ký, tìm hiểu thêm thông tin và chuẩn bị tâm thế. Người dẫn đường nhìn một lượt các thành viên rồi khuyên họ nên đi trong 2 ngày, 1 đêm để bảo đảm sức khỏe và tính khả thi. “Anh ấy nói trong năm 2015 đã dẫn đường cho 12 đoàn người trong nước và 2 đoàn người nước ngoài. Nhưng chỉ có 2 đoàn người nước ngoài là hoàn thành được mục tiêu chinh phục Phan Xi Păng trong vòng 1 ngày. Nghe vậy anh em cũng dao động nhưng sau đó vẫn thống nhất sẽ thực hiện mục tiêu như đã đề ra”, anh Nguyễn Tiến Xiển, một thành viên trong nhóm đang công tác ở Phòng Giáo dục và Đào tạo Tứ Kỳ cho biết.
Đường lên đỉnh núi Phan Xi Păng chông chênh, gian nan
6 giờ 30 một ngày đầu tháng 3. Trời không mưa, gió nhẹ, nhiệt độ khoảng 18 độ C. Các thành viên trong đoàn bắt đầu cuộc hành trình chinh phục “nóc nhà Đông Dương”. Mọi người ai cũng hào hứng xen lẫn hồi hộp. Đoạn đường đầu tiên tương đối bằng phẳng, độ dốc vừa phải. Anh em trong đoàn vừa đi, vừa nghe người dẫn đường giới thiệu về hệ thống động thực vật, thiên nhiên kỳ thú của dãy Hoàng Liên Sơn. Chỉ mất 2 tiếng đoàn đã đến độ cao 2.500 m. Nhưng đoạn đường đã qua chỉ là khúc dạo đầu, bởi 643 m đường còn lại mới là thử thách thực sự của cuộc hành trình chinh phục Phan Xi Păng đầy gian nan.
Từ độ cao 2.500 m lên 2.800 m, các thành viên trong đoàn phải vượt qua đoạn đường với những vách núi dựng đứng, vực sâu thăm thẳm, địa hình hiểm trở, gồ ghề, trơn trượt. Đã vậy trời còn đổ mưa, nhiệt độ giảm chỉ còn 8 - 10 độ C. Anh em phải dùng cả tay và chân bám vào thân cây, dây leo để di chuyển. Một số thành viên bắt đầu có dấu hiệu hụt hơi và tách tốp. Nhóm cử những người khỏe hơn đi lại phía sau để hỗ trợ. Đến độ cao 2.700 m, anh Hùng (sinh năm 1978 ở Hà Nội, là người trẻ nhất đoàn) bị chuột rút, căng cơ, không thể tiếp tục, đành phải bỏ cuộc. 7 thành viên còn lại tiếp tục cuộc hành trình. Mọi người nhích đi từng bước và cũng đến được độ cao 2.800 m. Lúc này ai cũng mệt nhoài, toàn thân rã rời, xuống sức nhiều. Họ ăn sô cô la, vitamin và chỉ dám uống 2 - 3 ngụm nước nhỏ để lấy sức. Không dám uống nhiều vì như vậy sẽ bị lỏng cơ, xuống sức rất nhanh.
Hơn 300 m nữa, đoàn sẽ tới đích. Nhưng đoạn đường còn lại không hề đơn giản. Sau khi nhích từng bước để vượt tiếp một đoạn dốc dựng đứng, các thành viên bị kéo xuống một vực sâu thăm thẳm với địa hình hiểm trở. Những luồng gió lạnh xuyên qua khe núi rít lên từng hồi. Mây mù hòa quyện với cây rừng, tưởng chừng như chạm vào mặt mọi người. Nhiệt độ giảm chỉ còn 3 - 4 độ C. Đi hết vực sâu, các thành viên tiếp tục leo lên sườn dốc. Ở đây trúc lùn mọc phủ kín mặt đất. Xen kẽ là bùn sình lầy, những tảng đá trơ trọi, các loại cây họ cói, họ hoa hồng. Các thành viên trong nhóm phải bám vào từng khóm trúc để dịch chuyển. Sức cùng lực kiệt nên cứ đi được khoảng 20 bước chân, họ lại phải dừng lại lấy hơi rồi mới tiếp tục bước tiếp…
“Tới nơi rồi anh em ơi! 12 giờ 30. Chúng ta mất 6 tiếng” - Một người hét lên sung sướng. Trước mắt cả nhóm là một khối tứ diện làm bằng inox khắc tên ngọn núi được đặt trên mấy tảng đá ghép lại - “Nóc nhà Đông Dương” là đây. Các thành viên hòa chung cảm xúc vỡ òa. Bao mỏi mệt dường như tan biến. Họ ngồi tựa bên nhau ngắm mây núi giao thoa, thiên nhiên hùng vĩ và ghi lại những khoảnh khắc để đời. “Đó hẳn là chốn bồng lai tiên cảnh nơi thế gian. Thiên nhiên đẹp tuyệt trần. Sẽ chẳng có nhiều nơi đẹp như thế. Một kỷ niệm sẽ không bao giờ chúng tôi quên”, anh Cường tâm sự.
Đắm mình với thiên nhiên nhưng các thành viên vẫn phải trở lại “mặt đất” để hoàn thành cuộc hành trình. Họ ăn vội mỗi người 1 quả trứng, nhấp vài ngụm nước rồi lại leo xuống. Giờ thì đoàn có lợi thế đã quen đường, đi xuống lại dễ hơn leo lên nhưng ai nấy đều đã kiệt sức. Xuống được 2/3 quãng đường, chân của tất cả thành viên sưng rộp, ngón chân một số người chảy máu ướt cả tất. Trời bắt đầu tối. Mưa rào xuất hiện. Việc di chuyển càng khó khăn hơn. Các thành viên trong đoàn bám sát nhau và dùng đèn pin để di chuyển. 20 giờ 30 cùng ngày họ mới xuống tới cửa rừng, khép lại cuộc hành trình 14 tiếng chinh phục đỉnh Phan Xi Păng đầy quả cảm nhưng cũng không kém phần gian nan.
Chinh phục “nóc nhà Đông Dương” trong 1 ngày là điều mà không nhiều người trong nước làm được. Kỳ tích này lại càng đáng trân trọng khi tất cả các thành viên lên được tới đỉnh núi đều đã ngoại tứ tuần. “Vượt qua được thử thách đó giúp tôi chiêm nghiệm ra một điều là, trong cuộc sống có rất nhiều khó khăn có thể vượt quá giới hạn chịu đựng của mỗi chúng ta. Nhưng nếu ta có hoài bão, chủ động, kiên trì rèn luyện, phấn đấu thì ắt sẽ gặt hái được thành công”, anh Hóa cho hay.
Sau chinh phục đỉnh Phan Xi Păng, sức khỏe của các thành viên trong nhóm được cải thiện rõ rệt, tác động tích cực đến mọi hoạt động hằng ngày. Anh Xiển cho biết vợ và các con anh đã thay đổi nhận thức trong công việc và cuộc sống. Tất cả các thành viên trong gia đình đều tự xác định cho mình được mục tiêu và đề ra giải pháp quyết tâm thực hiện bằng được. 2 con gái anh hằng ngày đều duy trì chạy bộ, rèn luyện sức khỏe. Con gái lớn của anh còn tham gia chương trình chạy xung quanh Hồ Gươm gây quỹ ủng hộ người nghèo do Báo Lao động tổ chức…
Từ tháng 2.2016, hệ thống cáp treo từ Sa Pa lên Phan Xi Phăng khánh thành, việc chinh phục “nóc nhà Đông Dương” trở nên đơn giản đối với mọi người. Thế nhưng họ không bao giờ có được những trải nghiệm và cảm xúc của người leo lên Phan Xi Phăng bằng đường bộ như anh Cường, anh Xiển…
TIẾN MẠNH