<br><b>Nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam, chiều tối 13.10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt thân mật Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam và một số doanh nhân tiêu biểu.</b><br>
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Đoàn gồm hơn 100 đại biểu do Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc dẫn đầu.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, ngày 13.10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thư cho giới Công thương Việt Nam. Đây là một cột mốc quan trọng đối với đội ngũ các doanh nhân Việt Nam và bắt đầu từ 2004, ngày 13/10 hàng năm được chọn làm “Ngày Doanh nhân Việt Nam”, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đề cập đến việc ngay trước thềm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, Thủ tướng đã yêu cầu thiết lập đồng thời cơ chế kiểm soát, để ngăn chặn các điều kiện kinh doanh bất hợp lý.
Kỳ vọng văn bản này sẽ đem lại ý nghĩa to lớn như “Khoán 10” năm xưa, ông Lộc cho biết, đây sẽ là niềm động viên, khích lệ to lớn để các doanh nhân yên tâm sản xuất kinh doanh, làm giàu cho xã hội và đất nước.
Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, cả nước hiện có khoảng 500 hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề, hầu hết là thành viên VCCI.
Thời gian qua, các Hiệp hội này đã làm được nhiều việc làm rất có ý nghĩa nhất là tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại, đầu tư, đào tạo và tham gia xây dựng chính sách. Các Hiệp hội cũng đã phát huy vai trò của mình trong các chương trình xóa đói, giảm nghèo theo tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã thay mặt Lãnh đạo các Hiệp hội và doanh nhân cả nước trân trọng tặng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiếc tù và - Đây là mẫu quà tặng đầu tiên dành cho Giải thưởng lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp xuất sắc, tiêu biểu.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn những nỗ lực của Thủ tướng và tập thể Chính phủ trong việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Các ý kiến đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng ngày càng công khai, minh bạch, an toàn hơn, đảm bảo chi phí kinh doanh hợp lý, rủi ro thấp để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Tại buổi gặp mặt, nhấn mạnh Ngày Doanh nhân Việt Nam là niềm vui chung của các doanh nhân và người dân cả nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Chính phủ kiên định phương hướng kiến tạo, phát triển, đồng hành với doanh nghiệp để các doanh nghiệp chung tay cùng người dân cả nước phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế xã hội của cả nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thay mặt Chính phủ, trân trọng chúc mừng các doanh nhân cả nước nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước việc niềm tin của doanh nghiệp vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố.
Thủ tướng chia sẻ, thời gian qua, Thủ tướng và tập thể Chính phủ, chính quyền các cấp đã cố gắng làm hết sức mình để cải thiện một bước môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam và được WB đánh giá là có nhiều tiến bộ, thuộc nhóm đầu ASEAN.
Qua các diễn đàn đối thoại được tổ chức giữa Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, chính quyền các cấp với doanh nghiệp đã đem lại những hiệu quả quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế xã hội của đất nước, Thủ tướng nhận xét.
Dẫn những ví dụ như không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, thương mại; chỉ được thanh tra 1 lần/1 năm đối với doanh nghiệp…đã đem lại những kết quả đáng mừng, Thủ tướng nhìn nhận, thời gian qua, doanh nghiệp cả nước đã lớn mạnh không ngừng về quy mô, chất lượng hoạt động.
Thủ tướng tin tưởng các Hiệp hội doanh nghiệp sẽ phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc tham gia xây dựng chính sách của Chính phủ; tiếp tục đề xuất những cơ chế, chính sách và phản ánh những khó khăn, bất cập để Chính phủ xem xét, giải quyết kịp thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh; đồng thời làm tốt hơn nữa vai trò kênh thông tin quan trọng để Chính phủ tiếp thu, lắng nghe, nắm bắt hiệu quả của chính sách từ đó có những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung phù hợp.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Ngày Doanh nhân Việt Nam, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục tôn vinh, khen thưởng, bảo vệ doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài. Cùng với đó là Chính phủ sẽ nỗ lực giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm lãi suất ngân hàng để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong hội nhập.
Thủ tướng mong muốn các Hiệp hội doanh nghiệp cần làm tốt hơn nữa vai trò duy trì đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp theo tinh thần: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì cùng nhau đi”.
Cùng với đó là đề cao văn hóa doanh nhân để xây dựng đội ngũ doanh nhân có tài, có đức, có trách nhiệm đối với gia đình, xã hội và đất nước. Các doanh nhân cần đẩy mạnh công tác xã hội, quan tâm và chia sẻ nhiều hơn nữa việc giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, Thủ tướng mong muốn.