Chính phủ Iraq đối mặt với thách thức từ làn sóng biểu tình

07/10/2019 20:10

Hơn một tuần qua, biểu tình bạo lực tại Iraq nhằm phản đối tình trạng tham nhũng trong Chính phủ, tình trạng thất nghiệp cao trong giới trẻ và các dịch vụ công yếu kém diễn biến hết sức phức tạp.

Đám đông biểu tình tại thủ đô Baghdad, Iraq hôm 5.10 Ảnh: Reuters

Đây là làn sóng biểu tình lớn đầu tiên nhằm phản đối Chính phủ của Thủ tướng Adel Abdel Mahdi lên cầm quyền hồi tháng 10.2018 và đặt ra những thách thức không nhỏ đối với chính phủ Iraq.

Biểu tình bạo lực diễn biến phức tạp

Kể từ ngày 1.10 vừa qua, hàng nghìn người Iraq đã xuống đường biểu tình. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành bạo lực gây nhiều thương vong khi các lực lượng an ninh sử dụng đạn thật, vòi rồng và hơi cay để giải tán đám đông biểu tình.

Trước tình trạng này, chính quyền Iraq đã ban hành lệnh giới nghiêm ở thủ đô Baghdad và ngừng cung cấp dịch vụ Internet ở hầu hết các địa phương.

Ngày 5.10, Chính phủ Iraq đã bãi bỏ lệnh giới nghiêm có hiệu lực vào ban ngày ở thủ đô Baghdad, song vẫn phong tỏa những tuyến đường dẫn tới các quảng trường lớn do lo ngại xảy ra thêm các cuộc biểu tình bạo lực.

Nội các của Thủ tướng Iraq Mahdi cũng đã công bố một loạt cải cách sau phiên họp "bất thường" kéo dài trong đêm nhằm đối phó với các cuộc biểu tình phản đối chính phủ đang lan rộng. Sắc lệnh do Chính phủ Iraq vừa ban hành bao gồm nhiều chương trình cải cách theo kế hoạch trong những lĩnh vực như: phân chia đất đai, nghĩa vụ quân sự và tăng thu nhập phúc lợi cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Để đối phó với tình trạng thất nghiệp trầm trọng trong giới thanh niên, Chính phủ Iraq khẳng định sẽ tạo ra những nhóm thị trường liên kết rộng lớn và nâng cao các lợi ích cho những người không có việc làm.

Mặc dù vậy, ngày 6.10, ngày biểu tình thứ 6 liên tiếp, đã có thêm 8 người thiệt mạng trong các vụ biểu tình tại Iraq, bất chấp việc chính phủ vừa công bố một loạt cải cách sau phiên họp "bất thường" nhằm đối phó với các cuộc biểu tình phản đối chính phủ đang lan rộng.

Cùng ngày, truyền thông Trung Đông dẫn nguồn tin cảnh sát Iraq cho biết người biểu tình đã phóng hỏa nhiều trụ sở của lực lượng bán quân sự Hashd al-Shaabi thân Iran tại tỉnh Dhi Qar, miền Nam Iraq. Người biểu tình đã đốt trụ sở của các nhóm vũ trang Asaib Ahl al-Haq, Saraya Khurasan và al-Badir thuộc phong trào bán quân sự Hashd al-Shaabi thân Iran tại tỉnh Dhi Qar. Ngoài ra, người biểu tình cũng phóng hỏa cơ sở của đảng Xã hội Iran, đảng Hồi giáo Dawa, đảng Hikma và một số văn phòng khác trên địa bàn tỉnh này.

Ngày 6.10, tại cuộc họp báo được phát trên sóng truyền hình nhà nước, người phát ngôn Bộ Nội vụ Iraq, Thiếu tướng Saad Maan nêu rõ các nhà chức trách lên án tất cả các vụ tấn công nhằm vào các hãng truyền thông sau khi xuất hiện thông tin rằng các nhóm không xác định tiến hành đột kích nhằm vào văn phòng của một số hãng tin địa phương và quốc tế. Các lực lượng Chính phủ Iraq đã không nổ súng trực tiếp vào người biểu tình trong các cuộc bạo động tại nước này.

Theo Bộ Nội vụ Iraq, tính đến nay, số người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở thủ đô Baghdad và các thành phố ở miền Nam nước này đã lên tới 121 người, trong đó có cả nhân viên an ninh, 6.107 người biểu tình và hơn 1.200 nhân viên an ninh đã bị thương.

Trước tình hình bạo lực diễn biến phức tạp tại Iraq, cộng đồng quốc tế đã bày tỏ quan ngại. Trong một thông điệp phát đi từ New York, Mỹ, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres bày tỏ lo ngại về tình hình bạo lực và thương vong trong các cuộc biểu tình phản đối diễn ra trên khắp các đường phố của Iraq. Ông Guterres kêu gọi các lực lượng an ninh Iraq cần hành động với sự kiềm chế tối đa và phản ứng với các hành vi bạo lực một cách phù hợp.

Người đứng đầu LHQ cũng yêu cầu chính phủ Iraq điều tra "kịp thời, độc lập và minh bạch" về việc hàng chục người đã thiệt mạng khi cảnh sát chống bạo động đã sử dụng vũ lực để giải tán người biểu tình. Đồng thời kêu gọi những người biểu tình thể hiện sự phản đối một cách hòa bình và kiềm chế bạo lực.

Liên đoàn Arab (AL) cũng kêu gọi đối thoại để giải quyết những nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình ở Iraq trong suốt hơn một tuần qua khiến nhiều người thương vong. Trong một tuyên bố, AL nêu rõ: “Chúng tôi mong muốn chứng kiến Chính phủ Iraq tiến hành tất cả các biện pháp để làm dịu tình hình và khởi xướng cuộc đối thoại nghiêm túc và thực chất nhăm giải quyết những nguyên nhân dẫn đến biểu tình”. Ngoài ra, AL cũng nhắc lại sự ủng hộ đối với Iraq “trong việc thực thi mọi biện pháp để chấm dứt tình trạng leo thang hiện nay và khôi phục hòa bình và an ninh ở nước này”.

Trong khi đó, hãng tin Mehr của Iran dẫn lời một chỉ huy lực lượng bảo vệ biên giới của nước này cho biết Tehran đã tạm thời đóng cửa hai cửa khẩu tiến vào Iraq do lo ngại tình hình bất ổn tại quốc gia láng giềng trong bối cảnh các cuộc biểu tình ở nhiều nơi ở Iraq khiến hàng nghìn người thiệt mạng và bị thương.

Bộ Ngoại giao Qatar đã khuyến cáo công dân nước này không tới Iraq do lo ngại tình hình bất ổn tại quốc gia này trong bối cảnh các cuộc biểu tình ở nhiều nơi gây thương vong lớn. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Qatar cũng hối thúc những công dân vẫn còn đang ở Iraq nhanh chóng rời khỏi đất nước này trước tình hình bạo lực leo thang.

Thách thức với chính phủ Iraq

Hồi tháng 9 năm ngoái, các cuộc biểu tình đã diễn ra chủ yếu ở thành phố Basra, miền Nam Iraq, khiến gần 30 người thiệt mạng. Kể từ đó đến nay, các cuộc biểu tình vẫn thỉnh thoảng xảy ra tại Iraq nhưng không có quy mô và gây thương vong lớn như những gì diễn ra trong hơn một tuần qua.

Theo các nhà phân tích, nguyên nhân của các cuộc biểu tình lần này được cho là do người dân Iraq đang tỏ ra chán nản. Làn sóng biểu tình biến thành bạo lực lần này ở Iraq chỉ là "giọt nước tràn ly", khi quốc gia Trung Ðông này đã phải trải qua quá nhiều sóng gió và biến cố. Chiến tranh, xung đột, khủng bố đã đẩy Iraq cuốn vào làn sóng bạo lực triền miên.

Hai năm sau khi đánh bại tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, đa số người dân trong tổng dân số gần 40 triệu người ở Iraq vẫn đang phải sống trong những điều kiện ngày càng trở nên tồi tệ, khó khăn chồng chất bất chấp thực tế Iraq là một quốc gia giàu tài nguyên, đặc biệt là dầu mỏ. Cơ sở hạ tầng vốn đã xuống cấp nghiêm trọng lại không được tái thiết, dịch vụ công yếu kém trong khi nhiều người không có việc làm, đặc biệt là giới trẻ.

Ngoài ra, điều đáng lo ngại là tình trạng tham nhũng trong Chính phủ vẫn tiếp tục tồn tại kể từ thời trước cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Tham nhũng đã "ăn sâu bám rễ" trong chính quyền của các đảng phái chính trị xuất hiện sau khi chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein sụp đổ.

Còn an ninh vẫn là vấn đề bất ổn tại Iraq khi nhiều nhóm vũ trang vẫn duy trì hoạt động trên các đường phố. Thực tế, tình hình an ninh tại Iraq đã được cải thiện đáng kể sau khi các lực lượng an ninh của Iraq đánh bại hoàn toàn IS trên toàn lãnh thổ nước này hồi cuối năm 2017, tuy nhiên kể từ sau đó, tàn quân của IS đã lui về ẩn náu tại các khu vực đô thị, các sa mạc hoặc những vùng đồi núi và thường xuyên tiến hành các vụ tấn công nhỏ lẻ, bất ngờ nhằm vào các lực lượng an ninh và dân thường. Mới đây nhất, ngày 21.9, tổ chức khủng bố IS đã thừa nhận gây ra vụ đánh bom xe buýt tại chốt kiểm tra an ninh chính trên lối vào phía Bắc thành phố Karbala của Iraq khiến 12 người thiệt mạng và 5 người bị thương. Trong các nạn nhân thiệt mạng có cả phụ nữ và trẻ em.

Trong khi đó, Chính phủ Iraq hiện đang lâm vào cảnh rất khó khăn về tài chính do nguồn thu từ dầu mỏ sụt giảm. Nền kinh tế Iraq phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu dầu thô, chiếm hơn 90% tổng thu nhập và 99% kim ngạch xuất khẩu. Các mỏ dầu mang lại nguồn thu lớn cho nước này lại tập trung chủ yếu ở miền Nam. Do vậy, các cuộc biểu tình ở các tỉnh miền Nam Iraq hồi tháng 9 năm ngoái đã khiến cho hoạt động xuất khẩu dầu thô bị đình trệ, và bất kỳ sự đình trệ nào cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Iraq cũng như khiến giá dầu thế giới tăng lên.

Nghiêm trọng hơn là tỷ lệ thất nghiệp tại Iraq ở mức cao - 10,8% - và tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên rất cao. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ thất nghiệp trong giới thanh niên Iraq đã lên tới 25%. Thêm vào đó, chính phủ Iraq cũng phải gánh chịu nhiều chi phí cho các cuộc giao tranh, xung đột triền miên những năm qua. Do ngân sách hạn hẹp, chính quyền Iraq đã không thể thực hiện đầy đủ các kế hoạch phát triển cả ở cấp quốc gia lẫn địa phương và hiện đang phải “giật gấu, vá vai” để cung cấp những dịch vụ công cơ bản, trong đó có điện và nước sạch cho người dân.

Nhằm thể hiện sự bất mãn đối với chính quyền, trong cuộc bầu cử Quốc hội Iraq hồi tháng 5.2018, phần đông người dân nước này đã không đi bỏ phiếu. Phải đến tháng 10.2018, sau những tranh cãi về gian lận trong bầu cử và kiểm phiếu khiến Iraq chưa thể có một chính phủ liên minh mới, thế bế tắc chính trị tại Iraq mới được khai thông khi thỏa thuận chia sẻ quyền lực ở Iraq được chia đều cho 3 nhóm sắc tộc lớn nhất nước này. Theo đó, Thủ tướng thường là người Hồi giáo theo dòng Shi'ite, Chủ tịch Quốc hội là người Hồi giáo theo dòng Sunni và Tổng thống đại diện cho người Kurd.

Dù để giải quyết các cuộc biểu tình phản đối chính phủ đang lan rộng, Chính phủ Iraq đã cam kết tạo thêm nhiều cơ hội việc làm tốt hơn cho người dân Iraq cũng như sẽ có thêm nhiều việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ra trường. Nhiều cam kết tương tự cũng đã được đưa ra nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị cho rằng, nếu giới chức trách Iraq không có biện pháp xử lý kịp thời và giải quyết triệt để những vấn đề cấp bách hiện nay, quốc gia Trung Đông này có thể rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng thực sự như những gì đã diễn ra ở nhiều nước Trung Đông-Bắc Phi cách đây 8 năm.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính phủ Iraq đối mặt với thách thức từ làn sóng biểu tình