Hàng ngàn gia đình bị Chính phủ của Thủ tướng Mark Rutte cáo buộc 'lừa đảo' tiền trợ cấp chăm sóc trẻ em đã bị truy thu thuế.
Trong thông báo tối 15.1 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Rutte cho biết ông đã nộp đơn từ chức của toàn bộ nội các lên Quốc vương Willem-Alexander. Động thái diễn ra khi chỉ còn 2 tháng nữa là đến ngày tổng tuyển cử ở Hà Lan.
Theo Hãng tin Reuters, việc Chính phủ của ông Rutte sụp đổ là kết quả của một cuộc điều tra do Quốc hội Hà Lan tiến hành hồi cuối tháng trước. Cuộc điều tra cho thấy cơ quan thuế của chính quyền Rutte đã cáo buộc sai hàng ngàn người "lừa đảo tiền trợ cấp chăm sóc trẻ em".
Có khoảng 10.000 gia đình đối mặt với cáo buộc lừa đảo, điều mà các nhà điều tra của Quốc hội khẳng định là sai lầm. Họ bị buộc phải trả lại hàng chục ngàn euro trợ cấp và bị từ chối kháng cáo kể từ năm 2012 đến nay. Báo cáo điều tra của Quốc hội đã gọi đây là "sự bất công chưa từng có tiền lệ".
Nhiều gia đình đã rơi vào cảnh khánh kiệt, lao động chính bị thất nghiệp và nợ nần chồng chất, vợ chồng ly dị vì cáo buộc sai của chính quyền. Truyền thông Hà Lan ước tính có khoảng 26.000 người bị ảnh hưởng trong bê bối.
Theo Hãng tin AFP, sự việc có dấu hiệu phân biệt chủng tộc khi nhiều gia đình bị cơ quan thuế nhắm tới là người nhập cư hoặc người có hai quốc tịch. Khoảng 11.000 gia đình có hai quốc tịch đã bị cơ quan thuế của chính quyền Rutte đặt vào diện "giám sát đặc biệt".
Nạn phân biệt chủng tộc từ lâu đã là vấn đề nhức nhối ở Hà Lan nhưng không thể giải quyết dứt điểm. Ông Orlando Kadir, luật sư đại diện cho 600 gia đình, cho biết nhiều thân chủ của ông tin rằng các quan chức thuế chỉ chọn ra những người "có tên giống người nước ngoài" để điều tra.
Chính phủ của ông Rutte đã xin lỗi các gia đình bị cáo buộc sai và chi 500 triệu euro bồi thường, trung bình mỗi gia đình nhận được 30.000 euro. Nội các của ông Rutte sẽ tiếp tục làm việc sau khi từ chức nhằm bảo đảm mọi thứ không bị xáo trộn cho đến khi tổng tuyển cử diễn ra.
Chính phủ hiện tại của ông Rutte được thành lập dựa trên liên minh 4 đảng khác nhau. Ông Rutte lên nắm quyền từ năm 2010 và là một trong các lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất ở châu Âu.
Theo Tuổi trẻ