Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp

17/05/2017 08:56

Sáng 17.5, tại trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017.



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hội nghị lần này cần chuyển lời nói thành hành động. Ảnh: Thống Nhất


Tại điểm cầu Hải Dương, các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Anh Cương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan và 20 DN tham dự.

Doanh nghiệp trải lòng

Tại hội nghị, 16 DN đã được trực tiếp kiến nghị những vướng mắc với Thủ tướng Chính phủ. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện cho cộng đồng DN mở đầu bằng khẳng định: “Chính phủ minh bạch, đồng hành, kiến tạo thì sẽ có những doanh nhân tận tâm, dốc sức xây dựng nền kinh tế của quốc gia phát triển”. Ông Lộc cho rằng cộng đồng DN cần một sự thay đổi mạnh mẽ và quyết liệt hơn từ phía Chính phủ. Bởi tình trạng trên nóng, dưới lạnh trong thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về hỗ trợ DN vẫn xảy ra ở nhiều địa phương. Ông Lộc đề nghị Chính phủ cần giới hạn thời gian để các bộ, ngành và địa phương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về triển khai các biện pháp hỗ trợ DN. Bên cạnh đó, Chính phủ cần xem xét nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới trong cải thiện môi trường đầu tư mà một số nơi đã làm được.

Xóa bỏ những chi phí không chính thức, chi phí ngầm cũng là kiến nghị của nhiều DN tham dự hội nghị lần này. Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho biết các chi phí không chính thức trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, tiếp cận vốn ngân hàng, thuế, môi trường, an toàn thực phẩm... vẫn đang khiến nhiều DN bức xúc. Một số cán bộ, công chức, viên chức còn nhũng nhiễu, tiêu cực gây những áp lực không đáng có cho DN để đòi chi phí không chính thức... Theo ông Thân, để khắc phục hiện tượng này phải có sự chung tay, thực tâm từ cả hai phía là cơ quan nhà nước và DN. Chỉ như vậy mới tạo nên một môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn và bền vững.

Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga mong muốn Chính phủ đối xử công bằng giữa DN tư nhân với các DN thuộc thành phần kinh tế khác. "Nhà nước cũng không nên hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Các chính sách mới được ban hành cần phù hợp với thực tế và trên nền tảng tạo điều kiện cho DN tư nhân phát triển", bà Nga nhấn mạnh. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Công ty CP Hợp Lực, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa cho rằng Nhà nước cần trao cơ hội cho các DN tư nhân để họ có thể lớn mạnh và tự tin hội nhập. “Đừng cái dễ thì để DN nhà nước còn khó lại đẩy cho DN tư nhân”, ông Đệ nói.

Nhiều kiến nghị cụ thể cũng đã được các DN nêu ra tại hội nghị như thay đổi chính sách cấp thị thực, visa điện tử; quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch; xây dựng vận hành quỹ quảng bá để phát triển du lịch bền vững; giải pháp triển khai chương trình sữa học đường; hỗ trợ giảm, giãn nợ cho các hộ chăn nuôi, khơi thông thị trường tiêu thụ nông sản; nâng cao năng suất lao động…

Nói đi đôi với làm


Nhấn mạnh chủ đề của hội nghị đối thoại là "Đồng hành cùng doanh nghiệp", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hội nghị lần này cần chuyển lời nói thành hành động. Bởi nếu Chính phủ chỉ "giải thích" mà không "giải quyết" thì càng làm khó cho DN. Chính phủ cam kết sẽ xây dựng một môi trường mà ở đó DN không chỉ được tự do kinh doanh, sáng tạo mà còn được bảo vệ an toàn và đối xử công bằng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tạo mọi điều kiện cho DN được phát triển bền vững.



Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Hải Dương


Để làm được điều này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt chú ý giảm tối đa thời gian đăng ký kinh doanh. Việt Nam cần phấn đấu nằm trong tốp đầu các nước có chỉ số năng lực cạnh tranh tốt nhất khu vực Đông Nam Á. Chính phủ sẽ thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm và tiếp thu những ý kiến đóng góp của cộng đồng DN để xây dựng một thể chế phù hợp, ban hành những chính sách công bằng, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ lớn: Thứ nhất là xây dựng môi trường kinh doanh kiến tạo, công bằng. Bảo đảm môi trường chính trị ổn định, tinh thần thượng tôn pháp luật, không gây nhũng nhiễu, khó khăn cho DN. Chính phủ sẽ trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế, không phân biệt công, tư... Chính phủ sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm giảm bớt các chi phí cho DN. “Năm nay là năm giảm phí cho DN”, Thủ tướng Chính phủ khẳng định. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các địa phương và các bộ, ban, ngành trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này.

Thứ hai, tạo mọi điều kiện để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt Nam bằng cách xây dựng hạ tầng thông minh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… "Muốn đất nước giàu mạnh thì dân phải giàu. Đất nước không thể giàu mạnh nếu DN yếu kém. Do đó, Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để xây dựng môi trường kinh doanh tốt nhất cho DN phát triển". Đây là thông điệp mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi đến cộng đồng DN.

Tại hội nghị, các DN cũng đã được nghe những cam kết về xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả và những chính sách hỗ trợ cho DN phát triển trong thời gian tới của người đứng đầu các Bộ: Công an, Công thương, Tài nguyên và Môi trường; các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp... Ngay sau khi kết thúc đối thoại, Chính phủ sẽ thông qua một chỉ thị quan trọng để hỗ trợ DN.

HẢI MINH


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp