Chính nghĩa tất thắng

15/02/2019 11:46

Cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam chống quân Trung Quốc xâm lược tháng 2.1979 đã đi vào lịch sử 40 năm, nhưng âm hưởng của nó vẫn còn vang vọng trong tâm trí của mỗi người.


Các chiến sĩ chuẩn bị khí tài chiến đấu trên mặt trận Hà Tuyên. Ảnh: Minh Lộc/TTXVN

Mộng bá quyền của nước lớn

Trong lịch sử mấy nghìn năm từ buổi đầu dựng nước đến nay, Trung Quốc đã tiến hành 14cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, trong đó có 13 cuộc của các triều đại phong kiến phương Bắc. Tưởng rằng truyền thống xấu xa đó sẽ mất đi trong thời hiện đại, văn minh và đặc biệt trong điều kiện cả hai dân tộc cùng được gọi là nước xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng, những nhà lãnh đạo Trung Quốc thời kỳ đó vẫn ôm mộng bá quyền nước lớn, mặc dù đã giúp đỡ Việt Nam tiến hành chiến tranh chống thực dân, đế quốc, nhưng bên trong vẫn âm thầm lợi dụng thực hiện mục tiêu này.

Cách thức ấy không đạt được mục tiêu khi Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (ngày 30.4.1975), đi lên chủ nghĩa xã hội. Trung Quốc đã nuôi dưỡng, sử dụng Khmer đỏ làm tên lính xung kích tiến hành chiến tranh xâm lấn biên giới Tây Nam Việt Nam. Việt Nam bắt buộc phải bảo vệ Tổ quốc và quân tình nguyện Việt Nam vì nghĩa vụ quốc tế cao cả đã giúp bạn giải phóng dân tộc Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng.

Cuộc chiến đã cận kề chiến thắng hoàn toàn thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc không để yên. Cùng với đó, trong nước lãnh đạo Trung Quốc đang phải tranh chấp với các lực lượng đối lập diễn ra quyết liệt. Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khi ấy tuyên bố: "Phải dạy cho Việt Nam một bài học" và che mắt thế giới rằng "đây là cuộc chiến tranh phản kích tự vệ". Qua đó thực hiện “một mũi tên bắn nhiều mục tiêu” trong chiến lược bá quyền nước lớn của họ. Rạng sáng 17.2.1979, Trung Quốc bất ngờ đưa hơn nửa triệu quân cùng hàng nghìn xe tăng, xe cơ giới tràn qua biên giới Việt Nam, đồng loạt tấn công 6 tỉnh phía Bắc từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) trên chiều dài 1.200 km.

Khi ấy, tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam trên toàn tuyến biên giới chỉ khoảng 50.000 quân, chủ yếu là bộ đội địa phương, công an vũ trang và dân quân tự vệ. Đối đầu với đội quân đông gấp 12 lần và được yểm trợ bởi hỏa lực mạnh, quân dân các dân tộc 6 tỉnh biên giới phía Bắc chủ động tổ chức chiến đấu ngay tại chỗ cầm chân quân Trung Quốc trong khi chờ quân chủ lực. Cùng lúc đó, một cuộc chuyển quân thần tốc của 3 quân đoàn chủ lực Việt Nam trở về bảo vệ biên giới diễn ra bằng đường biển, đường bộ và đường hàng không. Liên Xô lập cầu hàng không tương trợ cho Việt Nam, đưa quân từ mặt trận Campuchia ra thẳng miền Bắc tham chiến. Ngày 5.3.1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký sắc lệnh 29 - LCT ra lệnh tổng động viên trên cả nước. Hàng vạn thanh niên các tỉnh biên giới và toàn quốc nhanh chóng ghi danh nhập ngũ. Lệnh Tổng động viên được ban bố sáng5.3, thì chiều 5.3 Trung Quốc tuyên bố rút quân vì đã "hoàn thành mục tiêu chiến tranh". Tuy nhiên, suốt 10 năm sau đó (1979-1989), chiến sự vẫn tiếp diễn ở biên giới phía Bắc, khốc liệt nhất là mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang). Năm1988, tình hình biên giới dần lắng dịu khi hai bên chủ động rút dần quân. Năm 1991, Việt - Trung tuyên bố bình thường hóa quan hệ.

Cuộc chiến tranh phi nghĩa của Trung Quốc

Với dân tộc Việt Nam, xây dựng hòa bình, hòa hiếu với các nước láng giềng; độc lập tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ là truyền thống lâu đời. Con người Việt Nam căm ghét chiến tranh, không bao giờ đi xâm lược nước khác. Tuy nhiên, người Việt Nam cũng không cúi đầu khuất phục trước bất cứ một thế lực, một đội quân xâm lược nào, mà sẵn sàng tự vệ chính đáng một cách kiên cường, dũng cảm để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, độc lập, chủ quyền dân tộc. Cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược tháng 2.1979 của Việt Nam cũng nằm trong tiến trình logic lịch sử ấy và là chính nghĩa, chính đáng.

Ngược lại, Trung Quốc tiến hành chiến tranh xâm lược vào lãnh thổ Việt Nam tháng 2.1979 nhằm mục tiêu phục vụ mộng bá quyền nước lớn, bắt Việt Nam phải lệ thuộc, phụ thuộc... do đó đây là cuộc chiến phi nghĩa. Trước tòa án lương tâm, lương tri của nhân loại, việc Trung Quốc xâm lược Việt Nam tháng 2.1979 là vô nhân đạo, phản nhân văn. Một nước lớn, cậy đông dân, tiềm lực kinh tế, quân sự lớn gấp nhiều lần, tự xưng là một nước xã hội chủ nghĩa mà tiến hành xâm lược Việt Nam, một nước nhỏ, láng giềng, luôn muốn giữ hòa bình, hòa hiếu thì không ai có thể chấp nhận được. Quân Trung Quốc tiến đến đâu đều phá phách tất cả cơ sở hạ tầng; giết biết bao người dân vô tội, để lại sự hoang tàn ở tất cả các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam. Dù có bao biện, che đậy hay tuyên truyền trên các thông tin đại chúng bằng các cách gọi “dạy cho Việt Nam một bài học; Việt Nam là tiểu bá...” hay vin vào các nguyên cớ này khác thì cũng không thể làm đảo lộn được chân lý thời đại, đổi phi nghĩa thành chính nghĩa.

Việc Trung Quốc xâm lược Việt Nam tháng 2.1979 gây tổn thất rất lớn cho cả hai bên. Sự thất bại trong cuộc chiến này khiến Trung Quốc tự rút ra bài học cho mình. Đối với Việt Nam, bài học lớn là luôn cảnh giác trong bất kỳ trường hợp nào. Bài học này còn có thể cảnh tỉnh đối với các nước trên thế giới, chỉ có con đường hợp tác hòa bình, vì lợi ích chính đáng của các bên, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau mới là con đường bền vững, lâu dài, phù hợp với mong muốn của nhân loại tiến bộ.
Trận chiến kéo dài 30 ngày đã hủy diệt 4/6 thị xã dọc biên giới Việt Nam, hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. 400.000 gia súc bị giết, hoa màu bị tàn phá, một nửa trong số 3,5 triệu dân 6 tỉnh biên giới mất nhà cửa, tài sản.

Phía Trung Quốc bị diệt 62.500 tên, 550 xe quân sự trong đó có 220 xe tăng, xe bọc thép (hơn một nửa số tham chiến) bị bắn cháy, 115 đại bác và súng cối hạng nặng bị phá hủy…

TS NGUYỄN VĂN THANH
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(0) Bình luận
Chính nghĩa tất thắng