Còn rất nhiều mặt hàng Trung Quốc khi về Việt Nam mang nhãn mác "made in Vietnam" hay những nước khác vẫn được bày bán công khai,lừa đảo người tiêu dùng.
Vụ việc Công ty CP Điện tử Asanzo Việt Nam có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng khi thay đổi xuất xứ hàng hóa, xóa dấu vết “made in China”, gắn xuất xứ Việt Nam lên các sản phẩm đang được dư luận quan tâm. Sau Khaisilk kinh doanh khăn lụa Trung Quốc gắn mác Việt Nam, Asanzo là “ông lớn” thứ hai bị phát giác mua hàng Trung Quốc rồi "hô biến" thành hàng Việt. Đây được coi là những màn “ve sầu thoát xác” tinh vi, không dễ bị phát hiện.
Thực tế cũng cho thấy sản phẩm mang những thương hiệu này từng rất có tiếng tăm và bán chạy. Khách hàng phải bỏ ra số tiền lớn tưởng rằng mua được món hàng đúng giá trị bởi tin vào thương hiệu. Nhiều người chắc hẳn đã nghĩ rằng: Hàng có nguồn gốc xuất xứ Việt Nam rõ ràng, có thương hiệu đấy. Nhưng rồi cuối cùng họ phải ngán ngẩm thốt lên: Biết tin vào ai bây giờ?
Thực tế có khá nhiều sản phẩm Trung Quốc dán mác hàng Việt hay những quốc gia khác dù người tiêu dùng biết nhưng vẫn chọn dùng. Dễ thấy nhất là mặt hàng quần áo. So với Khaisilk, Asanzo thì quần áo Trung Quốc biến hóa thành hàng Việt có độ phủ sóng quá rộng lớn, với nhiều đối tượng khác nhau. Vào các cửa hàng quần áo đều dễ dàng thấy được hàng Trung Quốc bình dân. Chúng được tiêu thụ rất tốt. Không thể phủ nhận, so với hàng Việt, quần áo Trung Quốc nói riêng và các mặt hàng khác như đồ chơi, rau củ quả... đều có hình thức bắt mắt và giá rẻ hơn, hợp túi tiền với đa số người tiêu dùng.
Tôi nhớ có thời kỳ chúng ta mua quần áo cho con luôn phải nhìn tem mác, nếu là tem Trung Quốc thì chắc chắn không mua vì sợ mặc vào ảnh hưởng đến sức khỏe của con em mình. Nay nhiều người vẫn giữ thói quen ấy, dù biết tem hàng “made in Vietnam” chưa chắc đã chuẩn nhưng họ vẫn mua.
Một thứ hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt khác mà chúng ta phải sử dụng hằng ngày đó là nông sản. Khoai tây Trung Quốc biến hóa thành khoai Đà Lạt chỉ bằng nắm đất đỏ. Cà rốt, cải bắp, su lơ… sau khi lấy ra từ các thùng toàn tiếng Hoa thì được chia ra các túi nilon và quảng cáo là hàng Đà Lạt, Mộc Châu. Những quả táo, cam, lê quảng cáo hàng Việt nhưng thực chất là hàng Tàu được ngâm tẩm thuốc để vài tháng không thối. Biết vậy nhưng nhiều người vẫn chọn dùng, thậm chí còn tặc lưỡi “không ăn cũng chết, ăn cũng chết”.
Còn rất nhiều mặt hàng Trung Quốc khi về Việt Nam mang nhãn mác "made in Vietnam" hay những nước khác vẫn được bày bán công khai. Người tiêu dùng thì không phải là chuyên gia hay cán bộ quản lý thị trường để phân biệt nên việc những chiếc túi xách, đôi giày hàng hiệu có giá vài triệu đồng nhưng thực chất chúng được nhập từ chợ Ninh Hiệp (Hà Nội) với giá chỉ vài chục đến vài trăm nghìn. Thực tế tiền thật - hàng nhái vẫn diễn ra hằng ngày.
“Hãy trở thành nhà tiêu dùng thông thái”, đó là lời khuyên chúng ta thường được nghe. Nhưng giữa quá nhiều mặt hàng đã được phù phép và không phải người tiêu dùng nào cũng thông thái thì câu chuyện hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt tồn tại bấy lâu nay vẫn còn đất sống. Ví dụ, chị em cần sắm 1 chiếc váy đẹp, trong khi túi tiền có hạn, không thể bỏ gần hết tháng lương để mua ở cửa hàng quần áo Việt Nam chính hãng, trong khi hàng Trung Quốc với hình thức bắt mắt mà giá lại rẻ thì nhiều người hẳn đã biết câu trả lời. Thế nên, dù nghi ngờ, hoang mang bị đánh lừa nhưng người tiêu dùng vẫn lựa chọn. Sự lựa chọn đôi khi không phải do tin tưởng mà thực tế đó là thường xuyên, hằng ngày phải dùng đến. Đương nhiên sự lựa chọn đó được đặt trong bối cảnh hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt gần như bị "thả nổi" như hiện nay.
NGÂN HẠNH