Vừa bước sang hàng xóm tôi đã thấy tiếng ông Hào phàn nàn với bà Thoa, vợ ông.
Chuyện cũng không có gì ngoài việc bà thương cháu còn nhỏ, cứ thấy cháu thích cái gì, đòi ăn gì là mua, là lấy cho ngay.
- Bà cho uống quá nhiều sữa, lại ăn vặt suốt ngày, lúc thì bim bim, kẹo, lúc lại hoa quả thế kia thì làm sao mà cháu nó chẳng lười ăn cơm?
Bà Thoa cãi:
- Cái nhà ông này, ông đọc báo, xem truyền hình nhiều cũng thấy rồi đấy. Ăn hoa quả rất tốt. Nhiều nhà còn chẳng có cho con, cho cháu ăn đâu. Nhà mình có điều kiện thì phải cho cháu nó ăn uống đầy đủ chứ.
Ông Hào chẳng để yên, liền nói một hồi:
- Biết là hoa quả tốt thật nhưng bà cũng không nên cho cháu ăn quá nhiều như thế. Tôi thấy lúc thì bà cho ăn thanh long, lúc lại mấy quả quýt, khi quả xoài... Thấy cháu nó đòi là bà vội vã cho ngay. Thứ nhất, ăn không có điều độ sẽ không tốt cho sức khỏe, sau lại còn làm cháu mình có tính tham lam, chỉ thích đòi hỏi người khác. Bà phải nuôi nấng cháu mình bình thường như con nhà người ta, cho cháu vận động nhiều thì mới khỏe được. Bà xem ở làng mình, con nhà anh Tạo, nhà bác Lành vừa chăm làm lại học giỏi. Tôi thấy các cháu đi học đại học trên Hà Nội xa nhà mà biết đi dạy thêm để trang trải chi phí học hành, giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ. Những đứa như vậy vứt vào đâu cũng sống được. Mục tiêu của giáo dục là phải tạo nên những con người cứng cáp, biết tự lập và sống tốt trong mọi hoàn cảnh.
- Ừ. Ông nói vậy cũng có lý. Tôi thấy thằng cháu mình lên 5 rồi mà tôi vẫn phải thay quần áo cho nó, rồi cả việc đánh cái răng cũng chưa thạo. Lắm hôm tôi thấy cũng mệt ghê.
Ðúng lúc đó, cô Thảo, con gái út của ông bà nói chen vào:
- Con thấy bố nói đúng đấy mẹ ạ. Ngày xưa bố mẹ đã dạy bảo chúng con là nhà mình vốn làm nông nghiệp, dù bận học nhưng mấy tuổi bố mẹ cũng cho anh em tụi con ra đồng. Từ đó, anh em con biết trồng rau, cấy lúa, biết chăm con gà, con lợn. Mấy năm trước ra trường chưa xin được việc, con vẫn ra đồng phụ giúp bố mẹ được đấy thôi!
- Cái Thảo nói đúng đấy. Bà thấy ở xóm mình không, nhà anh Tâm, chị Huệ có cậu con trai tốt nghiệp đại học ra trường đã mấy năm không xin được việc. Khổ nỗi cu cậu từ bé không phải động chân, động tay việc gì. Ði làm công nhân thời vụ mấy chỗ được vài buổi thì nghỉ vì lóng ngóng, chậm chạp, sức khỏe yếu đấy.
Chị Thảo bổ sung thêm:
- Quen được nuông chiều mà không biết làm việc thì sẽ rất vất vả để làm quen với cuộc sống. Từ bây giờ, mẹ cho cháu nó ăn uống bình thường và dạy cháu làm những việc đơn giản là vừa.
Bà Thoa nghe ra, gật gù:
- Ông với con Thảo nói chí phải. Từ mai tôi sẽ không cho cháu ăn vặt suốt ngày nữa. Tôi sẽ dạy cháu quét cái nhà, cái sân, tự tắm giặt, thay quần áo và vệ sinh cá nhân... kẻo lớn lên lại khổ.
PHẠM LƯƠNG THIỆN