Chiến lược "Make in Vietnam" - Cơ hội cho doanh nghiệp

12/08/2021 15:13

Đối với "Make in Vietnam", các doanh nghiệp cần chuyển dịch mạnh mẽ, từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, chủ động sản xuất tại Việt Nam.

"Make in Vietnam"  là cụm từ được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nhắc đến tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cách đây 2 năm. Đây là một cách chơi chữ so với cụm từ Made in Vietnam, nhằm nhấn mạnh vào sự chủ động sáng tạo, thiết kế các sản phẩm công nghệ cao của người Việt. "Make in Vietnam" là thiết kế tại Việt Nam, làm ra sản phẩm tại Việt Nam. Kêu gọi chuyển từ lắp ráp, gia công sang sản xuất sản phẩm Việt Nam.

Với Made in Vietnam, doanh nghiệp không quan tâm đó là công nghệ nhập khẩu, lắp ráp hay sản xuất, chỉ quan tâm làm sao các giá trị được tạo ra ở Việt Nam càng lớn càng tốt. Nhưng đối với "Make in Vietnam", các doanh nghiệp cần chuyển dịch mạnh mẽ, từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, chủ động sản xuất tại Việt Nam.

Đây là một chiến lược truyền tải sự chuyển dịch về hướng phát triển của doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung, các địa phương nói riêng. Khi thực thi chiến lược này, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế sẽ phải sáng tạo nhiều hơn, thiết kế nhiều hơn. Qua đó từng bước cải thiện chất lượng tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế tự chủ và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu ở những nấc thang cao hơn, thay vì mãi ở những công đoạn như gia công lắp ráp.

Cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ICT đã và đang tìm kiếm cơ hội phát triển mới từ "Make in Vietnam". Dưới đây là một số cơ hội được nhận định sẽ tiếp thêm đà phát triển cho nhóm doanh nghiệp này.

Tạo thị trường phát triển công nghệ

Với chiến lược "Make in Vietnam", doanh nghiệp công nghệ sẽ nhận được sự hậu thuẫn quan trọng từ phía Chính phủ, các bộ ngành, địa phương. Việt Nam sẽ tự sáng tạo, thiết kế và sản xuất ra các sản phẩm công nghệ. Chính phủ sẽ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia diễn ra nhanh trên phạm vi toàn quốc, trong mọi lĩnh vực, từ doanh nghiệp tới Chính phủ, từ nền kinh tế số tới một xã hội số. 

Định hướng đầu tư, mua sắm có xu hướng tập trung hơn vào các sản phẩm công nghệ. Điều này sẽ tạo ra một thị trường rộng lớn cho phát triển công nghệ của các doanh nghiệp. Mục tiêu trong thời gian tới, cả nước sẽ có hàng trăm nghìn doanh nghiệp công nghệ, đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia có công nghệ thông tin phát triển mạnh.

Phát triển mô hình thuê xưởng khu công nghiệp

Trên tinh thần "Make in Vietnam", doanh nghiệp công nghệ sẽ được khuyến khích, hỗ trợ khởi nghiệp về mọi mặt. Những doanh nghiệp này theo đó rất cần những “đặc khu công nghệ” hoặc “đặc khu sáng tạo” để tập trung phát triển. Đây sẽ trở thành những mô hình kinh doanh mới, là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho doanh nghiệp công nghệ. Đồng thời cũng là cơ hội cho các địa phương thu hút dự án công nghệ cao. Chính vì vậy, tập trung vào đầu tư thuê xưởng khu công nghiệp đối với ICT cần được chú trọng. 

LÊ TRẦN (tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chiến lược "Make in Vietnam" - Cơ hội cho doanh nghiệp