Chiếc thắt lưng của Bác

13/11/2011 07:04

Một chiếc thắt lưng bằng da, bằng dây dù... cũng không đắt hơn một miếng vải là bao. Nhưng điều quý báu trong nhân cách của Bác là đức hy sinh.

Trong một tư liệu lịch sử mới xuất bản của Trung Quốc (Chu Ân Lai và Hội nghị Giơ-ne-vơ, Nhà xuất bản Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc) có một tình tiết mới rất cảm động về chuyện riêng của Bác Hồ mà lâu nay chúng ta chưa biết. Chuyện xoay quanh chiếc thắt lưng.

Thời kỳ đó là tháng 6-1954. Sau chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu, Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tới Giơ-ne-vơ để đàm phán. Hội nghị kéo dài  gần một tháng thì các bên tạm nghỉ để về nước báo cáo Chính phủ.

Phía Trung Quốc mời phái đoàn Việt Nam sang Trung Quốc để trao đổi. Phái đoàn Việt Nam do Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu.

Hôm đó, Bác Hồ nghỉ tạm tại nhà nghỉ Đảng bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Quảng Tây. Sáng Bác đi họp. Ở nhà, một đồng chí của bạn đi kiểm tra phòng Bác xem các đồng chí phục vụ phòng có chu đáo không. Sau khi kiểm tra một lượt, đồng chí này thấy trên sàn nhà một mảnh vải đã cũ, dài khoảng 80cm, rộng khoảng 10cm, màu vàng đã bạc. Đồng chí này cầm lên xem, không hiểu là vật gì. Đoán đây là dây gói tài liệu rơi ra sau khi cầm tài liệu đi, đồng chí này bỏ mảnh vải vào thùng đựng giấy rác.

Bác đi họp về, hỏi: "Thắt lưng của tôi đâu? Tôi thường để sau ghế tựa nên bị rơi xuống đất". Mọi người tìm và đưa lại cho Bác.

Một chiếc thắt lưng bằng da, bằng dây dù... cũng không đắt hơn một miếng vải là bao. Nhưng điều quý báu trong nhân cách của Bác là luôn hy sinh, cái riêng bao giờ cũng là tối thiểu, cái dành cho sự nghiệp chung bao giờ cũng được ưu tiên tối đa. Phẩm chất trong sáng thể hiện thường trực trong những cử chỉ của Bác, dù nhỏ nhất.

Cưa cây phải để hở mạch

Đầu năm 1953, ông Lê Bá Cải cùng nhiều thanh niên quê Thanh Hóa được tuyển chọn điều lên chiến khu Việt Bắc, bổ sung vào Đội Xây dựng thuộc Ban kiểm tra 12 - bí danh của Chủ tịch Phủ - Thủ tướng phủ tại An toàn khu (ATK) Sơn Dương, Tuyên Quang.

Cuối năm đó, một đêm cả vùng bị cơn lốc mạnh làm đổ nhiều cây chắn ngang đường. Đội được lệnh phân làm nhiều tổ đi giải tỏa các con đường mòn khi trời sáng.

Tổ ông Cải có 6 người gồm ông và các ông: Nguyễn Văn Chừng, Nguyễn Văn Quang, Lê Văn Tước, Phạm Văn Chi và Nguyễn Văn Sách. Anh em chia từng cặp, đang chăm chú cưa từng đoạn cây thì bỗng thấy Bác đi ngựa cùng bốn người nữa tới.

Anh em vội đứng lên chào Bác, luống cuống quên cả việc đang làm. Bác xuống ngựa, rồi tiến tới chỗ mọi người đang bối rối. Bác bảo: "Các chú chào Bác xong lại tiếp tục công việc, khẩn trương lên chứ, sao còn đứng đấy". Bấy giờ ai nấy mới vội chạy về vị trí đang làm, cầm cưa. Nhưng luống cuống cưa mắc kẹt, kéo đẩy đều không được. Bác bảo cặp cưa Cải - Quang: "Các chú phải một chân giữ cây, một chân đè lên thân cây hai bên cho nó hở mạch thì cưa mới nhanh được".

Bác nhìn sang cặp Tước - Chi, lưỡi cưa cũng đang mắc kẹt giữa thân cây dài vắt qua đường. Người nói vui, thân mật: "Mấy chú này chắc chưa quen cầm cưa. Cây này dài, đè chân lên mạch càng ngậm chặt, các chú phải kê đỡ dưới mạch hoặc một người nâng mạch cưa lên".

Một người đi cùng Bác cũng đứng hướng dẫn thêm. Anh vừa nói, vừa chỉ tay ra hiệu. Bác đến bên vỗ vai: "Chú nói đúng. Nhưng miệng nói tay làm giúp các chú cho nhanh, càng đúng hơn".
Mọi người cùng cười vui vẻ và Bác cũng giúp một tay dọn dẹp rất nhanh một lối đi nhỏ.

(Nguồn: TT)

(0) Bình luận
Chiếc thắt lưng của Bác