Cuộc đời vốn dĩ luôn xảy ra những điều bất ngờ ngoài mong muốn khiến con người ta bỗng dưng muốn khóc mà cứ phải cười. Năm ấy, Sơn - cậu bạn trai thân thiết của Huệ đã băng qua cuộc vượt thác khá ngoạn mục, chễm chệ ở ngôi á quân của một trường đại học hay tin Huệ bị rớt đài mò đến động viên. Thấy Huệ vẫn cười nói chan chát như ngô nổ, vẫn cứ là Huệ Tít (biệt danh mà lớp đặt cho vì mỗi khi cười, Huệ ta lại tít hết cả mắt lại chẳng còn biết trời đất gì sất), cậu ta khuyên như thể thầy chủ nhiệm: “Thất bại là mẹ thành công. Huệ đừng có nản chí nhé!” “Khô như đá, cũ như mùa nước lũ!”. Câu này mấy ngày nay Huệ nghe như tua băng từ miệng mọi người rồi, chẳng có gì mới mẻ nghe cho sướng tai hơn cả. Huệ cười ha ha hỉ hả bảo: “Ông cứ lo vào trận đi. Còn tôi một là xuất phát lại, hai là chuyển hướng, cổ cày vai bừa chẳng hạn. OK”. Câu chuyện của hai đứa vẫn giữ mức kiểu âm thanh loa "hai phai". Nhưng khi Sơn tạm biệt, còn lại có một mình thì Huệ bỗng ủ rũ. Không có ai ở nhà là cô lại vào nằm đo giường. Nhìn thấu tâm trạng của con gái qua cái vẻ ngoài cố gồng mình lên vượt qua đau khổ, bố Huệ ra lệnh:
- Chưa học thì mai đi trông công trình, trông thợ cho bố. Làm tốt sẽ có lương.
- Có làm có lương mà làm tốt thì có thưởng chứ? - Huệ vặn lại.
- Mà làm thêm sẽ có tiền làm thêm nữa, nếu thợ phụ ít có thể kế chân được đấy. Trộn vữa, bê gạch, thiếu gì việc đâu! - Bố đùa.
- Chuyện nhỏ như con thỏ!
- Đừng có là thỏ đế rồi chạy mất dép là được!
Bố lấy thỏ đế để nói chuyện của Huệ thì quả là cao thủ. Nếu theo lịch Tàu thì Huệ đúng là cầm tinh thỏ thật, nhưng lịch ta thì chú mèo Huệ này còn bản lĩnh hơn cả chúa sơn lâm mà bố cầm tinh nên sao có thể có hai từ “chùn bước” trước cát, sỏi, đá, xi, sắt được. Dù sao chúng không là cá rán dễ ăn nhưng cũng dễ nuốt hơn bài kiểm tra môn hóa. Bắp tay, bắp chân Huệ chắc nịch chứ không nhẽo như bọn tiểu thư trong lớp vì hằng ngày cô vẫn ra đồng phụ giúp mẹ làm ruộng, làm vườn nên việc ra trông công trình xây dựng cho bố, lại có lương nữa là một mục tiêu lý tưởng giúp Huệ vượt thoát khó khăn về mặt tinh thần và vật chất. Huệ đã nghĩ đến việc thửa một bộ cánh thật đẹp diện vào ngày cưới của ông anh con bác, mà ông anh không cưới thì cô vẫn phải thửa một bộ cánh đẹp để diện cho đỡ buồn. Dĩ nhiên, con gái mà. Nhưng, công việc đầu tiên bố giao lại là việc không ăn nhập gì với sức trẻ.
- Con đi mua hai lễ mặn để đúng bảy giờ bố làm lễ động thổ xây nhà thờ mẫu ở chùa làng Mai nhé.
- Sao cơ? Con đi sắm lễ chùa á? Lễ mặn là gì vậy bố? Con sao biết được mấy thứ của bà già này.
- Lễ mặn là xôi, rượu, thịt, hoa, cau thêm một ít muối nữa. Đất có thổ công sông có hà bá, phải xin phép thần linh mới được.
Thần linh thiêng thật, khi Huệ còn lóng ngóng với việc sắp lễ dâng lên ban, lại còn mua thiếu một cơi trầu thì ngài bỗng ban xuống từ cây cau sau chùa một chú tiểu. Chú mang cơi trầu vào cho Huệ bổ sung phần lễ còn khuyết. Chú tiểu có lẽ chừng tuổi Huệ hoặc hơn một hai tuổi thôi, mắt đen, mũi thẳng, da trắng xanh xao, chú mặc bộ quần áo nâu may kiểu bà ba, đầu cạo trọc chiếu thẳng đối tượng cần sửa sang để dạy bảo một cách nhiệt tình, chứ không nhìn vào Huệ. Mâm lễ bao công lao của Huệ bị chú bỏ ra bày lại, trông rất chuyên nghiệp, tầng tầng lớp lang, quần tụ, chứ không mỗi thứ quay một hướng như trước kia Huệ bày. Chú tiểu mang cho Huệ bình hoa để cô cắm. Vừa đổ nước vào định bẻ cành gốc đi cắm vào thì chú lại "dạy":
- Có mấy cánh hoa cúc bị sâu này, cô chủ nhặt đi để lễ dâng lên được thanh sạch.
- Dạ, thưa... thế này được chưa?
Không biết là thưa bằng gì, thưa tiểu hay thưa thầy đây nên Huệ cứ trống không.
- Đừng cắm vội, cô chủ tắm hoa đi đã!
- Tắm cho hoa?
Huệ tròn mắt như khi gặp một bài toán hóc như xương bò. Đôi mắt đen nhưng sáng của chú tiểu đáp lại cái nhìn ngạc nhiên của cô. Cô chợt thấy lúng túng khi chạm cái nhìn của chú tiểu. Như sợ bị lỗ vốn, chú tiểu cụp mắt xuống ngay. Còn Huệ lúng búng:
- Dạ, tắm hoa là... sao cơ?
- Là cô cầm cành cho hoa xuôi xuống dưới, rồi lấy gáo nước mưa xối nhẹ nước lên hoa cho hoa được tẩy mọi bụi bẩn phàm trần, rồi mới cắm vào bình, thưa cô.
Nếu gặp đứa bạn mà dạy dỗ kiểu này, Huệ đã “thanh- kiu, hiểu rồi nói mãi” nhưng với “thầy chùa” này, chẳng hiểu sao cô tự dưng ngoan lạ. Bụng bảo dạ cố tắm hoa và cắm hoa cho tử tế kẻo “thầy” lại bắt lỗi. Năm bông hoa cúc vàng đã cắm xong theo mô hình tam giác. Không thấy động tĩnh gì, Huệ định mang hoa vào thì:
- Thưa, cô...
Lại chuyện gì nữa đây, Huệ bèn “nâng cấp” đối tượng, giọng lễ phép kéo dài như khi các cụ lên kinh:
- Có điều gì xin “thầy” cứ dạy “con” ạ!
- A di đà phật. Đừng xưng hô thế kẻo làm tôi tổn thọ. Thầy tôi đang ở trong chùa cơ. Cô rửa lại tay chân, phủi hết bụi đường vướng trên quần áo, rồi hãy dâng lễ lên tam bảo, sẽ sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm.
Huệ cười gượng.
Xong các thủ tục bắt buộc một cách tự nguyện, Huệ vào theo lễ, cô chắp tay vái theo tiếng chuông, lòng thấy nhẹ như khói sương. Tiếng mõ vừa dứt thì có tiếng mấy bác đang đào móng xây nhà mẫu kêu thất thanh:
- Có con trăn to lắm thầy ơi!
- A di đà phật!
Huệ cũng lật đật đi theo thầy và chú tiểu. Đất ở góc phía tây đã được thợ đào sâu hơn ba góc đến hàng mét. Chú trăn trắng to như bắp chân người thợ dài như cây gỗ xoan đã bị tóm gọn đang được ghì chặt bằng cán cuốc cán xẻng, cái cổ đã rớm máu bị ép xuống cây gỗ dáo. Cả công trường đang nhốn nháo bỗng im bặt khi sư thầy niệm phật. Đoạn sư thầy nói với chú tiểu như thể trấn an mọi người:
- Nam mô a di đà phật. Giấc mơ của con về ông trăn thần hiện lên bảo muốn được ra sông lớn mà con kể quả linh ứng. Nay, nhờ các thí chủ rước ông trăn ra sông Cái, để ông được về với sông rộng trời cao, mong các thí chủ đừng làm ngài đau.
Sông Cái quanh năm đầy nước, cách chùa một cánh đồng, nên mong muốn của nhà chùa được cánh thợ hoàn thành một cách chu tất. Người giữ kẻ khênh, ông trăn được thả, lặn xuống sông mất dạng, nhanh như khi ông xuất hiện. Song câu chuyện về ông trăn thì là tiêu điểm trong làng ngoài xã, và nhất là đối với cánh thợ xây, câu chuyện quanh con trăn trắng như thuốc dưỡng sức trong khi ngồi uống nước giải lao. Còn Huệ, ấn tượng với cô lại chính là chú tiểu đã có giấc mơ báo mộng đó. Cô hay liếc mắt tìm chú tiểu để khám phá con người có giác quan thứ sáu đó, cô tạm cho là vậy. Cô chăm chỉ ra trông nom công trình hơn. Thấy có con gái của ông chủ thầu ở đó dọn dẹp, cơm nước cho thợ, cánh thợ cũng tự giác làm việc. Khi thợ còn nhâm nhi câu chuyện với ấm nước vối, cô lại tranh thủ ngó nghiêng khắp vườn chùa mong nhìn thấy chú tiểu. Có lúc, cô thấy chú đang trèo lên hái lá vối, khi trồng rau sau vườn, có lúc lại thấy chú tiểu ngồi đọc sách tận trong nhà hậu phía sau, định lân la làm quen nhưng chợt nhớ lời mẹ dạy khi vào chùa, phải chào người nhà chùa là “A di đà phật”. Huệ làm theo thì “người nhà chùa” đáp lại một câu đặc biệt hơn: “Mô phật”. Nhanh như ấn nút delete cuộc hội thoại.
Một hôm, trời mưa, gian bếp dã chiến của bố bị cơn mưa rào ban đêm làm cho ướt sũng. Không thể “nổi lửa lên em” được, Huệ đành lấn sân sang gian bếp của nhà chùa. Cũng may mà hôm đó chùa không có khóa lễ gì nên có thể đun bếp mà vẫn nhắn tin với Sơn:
“Đang lam gi, đa on luyen chua?”
“Chua on.”
“Ba that la. Ba dang o dau?”
“Dang nau com o chua! Chua nay co mot chu tieu thu sinh lam!”
Thư đến lần này, có dấu hẳn hoi:
“Bà định làm Thị Màu à? Lửa gần rơm kẻo cháy đấy. Tôi đây ngời ngời như sao Hàn chẳng mết…”
“Nếu ông chịu giải phẫu làm Thị Kính thì điều đó cũng có thể…”
Đang gửi, đọc tin tít mù thì bóng chú tiểu bê nồi cơm vào bếp che một khoảng ánh sáng làm Huệ giật mình, tay cất vội chiếc di động vào túi:
- Bếp vẫn rộng “nhà chùa” cứ vào đun nấu ạ.
Chú tiểu có vẻ không hài lòng khi nhìn thấy rơm, củi lôi thôi trong bếp, bèn quay ra:
- Cô chủ cứ nấu đi, tôi còn đi hái rau.
Cái lưng gầy gầy của chú cúi lom khom ngoài vườn hái rau làm cho Huệ mấy lần nhìn trộm. Lòng thấy tội nghiệp: Huệ đọc sách thấy nhiều trẻ em mồ côi hay vào chùa xin nương nhờ cửa phật, bé thì làm sãi, làm tiểu, lớn lên theo đường đi tu làm sư làm thầy. Chắc chú tiểu đây cũng thế, người cứ dài như dải khoai nước sau mưa rào, từ ngón tay cũng búp măng hơn cả tay con gái. Chợt chú tiểu loạng choạng, tay chống vào thành tường rồi quỳ sụp chân xuống, một tay chú ôm lấy mũi, mặt ngửa lên hứng trời. Huệ vội chạy ra. Chú tiểu bị chảy máu cam, máu đã loang ra đầy tay đầy mặt. Huệ rút vội cái khăn tay trong túi định lau nhưng nhìn khăn bám đầy bụi vì lúc trước cô dùng nó bịt mặt khi đứng nhận xi măng nên bụi bẩn nhiều, chẳng dám lau cho chú tiểu. Cô bèn bỏ nón, cởi chiếc khăn tay mà cô đã tự tay thêu hình hoa phượng, đang dùng bịt mặt, mang ra lau dòng máu đang chảy trên mũi chú tiểu. Chú tiểu mất máu mà má đỏ ửng lên khi lần thứ hai đụng mắt với mắt Huệ. Chú vội giật lấy chiếc khăn trên tay Huệ, tự lau:
- Không sao, cô cứ kệ tôi, cô lấy hộ tôi ít lá chuối lùn, lá nõn để tôi cầm máu.
Huệ bối rối chạy tới bụi chuối, rứt lá nõn. Một nhoáng cô đã nhai nhuyễn như xay nắm nõn chuối trong miệng mình, nó nhặng nhặng đắng, rồi cô viên thành hai viên nhỏ như đầu thuốc lá rịt vào mũi cho chú tiểu. Việc này diễn ra chỉ trong vài phút nên chẳng có ai biết. Duy có một việc xảy ra còn nhanh hơn việc đó, ai cũng biết: Huệ chạy ra vườn rau khi chưa kịp dập lửa nên lửa cứ liếm ra ngoài, liếm mãi ra ngoài, tới chỗ rơm củi cô làm vương vãi lung tung. Đến khi chú tiểu vừa cầm được máu nhờ nắm nõn chuối mới nhìn vào thì lửa đang tấn công thùng rơm to nơi góc bếp, cháy đùng đùng.
Thợ xây trong nháy mắt biến thành thợ chữa cháy. Lửa chớm liếm lên xà kèo. Nên khi cánh thợ dập tắt được đám cháy, trên xà kèo còn để lại mấy vệt khói thâm đen.
Cánh thợ dò hỏi:
- Ai làm cháy bếp đấy? Sao lại cháy bếp?
- Nguyên là do tôi bất cẩn, nhưng đều đã qua rồi, xin cảm ơn mọi người đã giúp đỡ.
Chú tiểu nói dồn dập, lại còn chắp tay vái một cái trước mặt mọi người như thể tạ ơn. Huệ cúi xuống im lặng. Chẳng lẽ lại bảo do tôi nữa đấy, thì mọi người sẽ nghĩ sao?
Huệ bắc ghế lau đi lau lại cho hết những vết thâm đen trên xà kèo, trên tường vì trong lòng rất sợ sư thầy về quở trách, lại còn lo lắng nước tràn đầy sàn bếp chú tiểu không có nơi nấu cơm.
Đêm hôm đó, như mấy đêm đầu tiên biết tin trượt vỏ chuối đại học, Huệ lại trằn trọc khó ngủ. Hình ảnh chú tiểu gầy gầy như dải khoai bị thầy phạt đứng ở góc nhà như học trò bị cô giáo phạt đứng góc lớp ám ảnh Huệ tận vào trong giấc mơ. Huệ mơ thấy chú tiểu khóc, rồi bỗng nhiên chú vào buồng lấy tay nải khoác lên vai mà bỏ đi. Huệ giật mình tỉnh giấc, thở nặng nề, chẳng lẽ chú tiểu bị sư thầy trách phạt nặng đến thế sao?
Sáng hôm sau, lấy lý do nhận hàng cho bố, không cả kịp ăn cơm sáng, cô đến chùa thật sớm, ngó vào nhìn, thì vẫn thấy chú tiểu đang thong thả quét lá, cô mới an tâm, quay ra công trường.
Sơn lại nhắn tin giục: “Người ta ngược xuôi đi ôn rồi, bà không cày cuốc dần đi còn dùng dằng đến bao giờ?”
Bao giờ có nghĩa là thời gian. Biết rằng thời gian là không chờ đợi, cuối cùng thì cô quyết định xuống thành phố ở trọ để có thời gian nhiều hơn nung nóng đầu óc mình trong các lò luyện thi. Đầu óc cô tăng nhiệt từng ngày bởi khối lượng bài vở. Vậy mà cũng có lúc, Huệ giật mình nhận thấy hình như trong đầu mình lảng vảng có hình ảnh chú tiểu chùa Mai. Có lúc thoảng như cơn gió, cũng có lúc lại bùng lên như ngọn lửa đang bén đống rơm trong gian bếp nhà chùa ngày nào. Bạn bè vẫn gọi những rung động đầu đời là “cảm nắng” nhưng cảm nắng thì dễ qua còn Huệ bị cảm lửa nên lâu tắt. Kiểu cảm này có cả đại đội cứu hỏa tinh nhuệ cũng khó mà dập được. Chỉ có thể quên khi vùi đầu vào bài vở. Huệ đã mang theo hình ảnh chùa Mai vào giấc mơ chập chờn của mình: mái chùa rêu phong, cong cong đầu rồng hướng lên phía đằng tây nơi mặt trời đỏ ối, cái cánh cửa sổ nơi gian cuối nhà chùa mở rộng và trên bàn có một người dáng thư sinh đang khom khom cúi xuống đọc sách. Giật mình tỉnh giấc, Huệ tự cấu vào mặt mình, nhủ thầm: “Tệ quá là mình. Chắc người ngồi đọc sách đó không phải là “nhà chùa” ấy chứ? Mà mình là đồ củ chuối, làm sao có giác quan thứ sáu như người “nhà chùa" đã mơ hôm đào móng chứ? Thế mà cứ mơ mãi vậy?”
Kỳ thi đến, rồi đi, Huệ gầy đi trông thấy.
Di động sáng lên, nhạc tinh tinh báo có thư đến, của Sơn. Có dấu hẳn hoi, những khi quan trọng cậu ta thường thế:
“Tôi vừa xem điểm cho rồi, Huệ được 25 điểm, đỗ cao”.
“Chuẩn không đấy?”
“Chuẩn không cần chỉnh! Chuẩn bị tinh thần vào cuộc chiến mới đi là vừa!!!”
Ba dấu chấm than như một lời nhắc nhở hơn là chia vui. Dù cuộc chiến mới có rải đầy hoa hồng hay bão lốc thì bây giờ cứ vui lên đã. Tận hưởng niềm vui một mình thấy sung sướng đầy lên tận cổ, nghẹn ẳng. Hết đứng lại ngồi, hết ngồi lại đứng. Và cả đo giường nữa. Huệ dang rộng hai tay hai chân, và nhắm mắt lại, tưởng như mình đang bay trên mặt biển. Đang bay lên phía mặt trời mọc để đón ánh bình minh.
Đến tối, cả nhà đông đủ, mãi Huệ mới nói được rõ ràng niềm vui đó cho cả nhà hay. Thằng em nhảy tót lên ghế hoan hô. Bố thì mãn nguyện cười nói oang oang, mẹ thì vuốt ve mái tóc cô con gái như Huệ còn bé bỏng lắm. Huệ được nhân gấp bội niềm vui đến nỗi phải cố cười thật to để chặn những giọt nước mắt định rơi xuống. Điệu cười nghuệch ngoạc như một nét vẽ nhỡ tay trên bức chân dung, song đôi mắt cô thì lấp lánh như sao đêm.
- Mai ta sắm lễ, cả nhà vào chùa Mai lễ phật, cầu may cho con Huệ lên đường bình an, cũng là tạ trời đất đã độ cho công trình xây nhà Mẫu thuận chèo mát mái, mẹ nó ạ.
Buổi sáng hôm sau, trời dịu mát, nhẹ như lòng người. Huệ diện cái áo màu hồng, theo bố mẹ đi lễ. Trông Huệ ngan ngát con gái. Chùa làng Mai hôm nay khánh thành, mở hội lớn. Mọi người đi lễ, xem hội rất đông. Huệ cùng mẹ chuẩn bị hoa lễ. Thấy mẹ định cắm hoa, Huệ vội bảo:
- Để con cắm cho, trước khi cắm phải tắm hoa đã!
Nhìn Huệ khéo léo dội những gáo nước mưa tắm cho hoa thành thạo như một người năng lên chùa, mẹ cô phải thốt lên:
- Ai dạy mà con biết việc này vậy? Con gái mẹ hiểu đạo hơn cả mẹ rồi đấy!
Huệ tủm tỉm cười, không trả lời mẹ. Lễ xong, đợi mẹ hóa vàng, cô quanh quẩn đi ra vườn sau chùa ngó nghiêng. Gian bếp là nơi các cụ bà đang ngồi nấu bánh đúc. Gian buồng nhỏ cuối dãy nhà chùa cửa sổ vẫn mở nhưng không thấy có ai ngồi đọc sách. Huệ lại đi ra vườn trước, vườn sau cũng không thấy. Trên cây cau, buồng cau vẫn sai lúc lỉu.
Gặp sư thầy, Huệ mạnh dạn:
- A di đà phật! Bạch thầy! Chú tiểu ở chùa nhà hôm nay đâu mà con không trông thấy ạ?
- Mô phật, thưa, cô muốn hỏi chú tiểu nào?
- Năm ngoái, chùa Mai có chú tiểu ở chùa, người cao cao gầy gầy đó thầy. Chú tiểu mơ thấy ông trăn dưới chân móng nhà mẫu đó thầy?
Sư thầy “à” lên một tiếng, rồi người chậm rãi:
- A di đà phật. Các thí chủ lên chùa hay gọi chú ấy là tiểu nhưng sự thực cậu ấy không phải là chú tiểu đâu. Cậu ấy tên Duy. Bố mẹ Duy gửi về chùa theo nguyện vọng của cậu ấy. Duy mắc trọng bệnh, không thể chữa được. Tóc đã rụng hết. Cậu ấy thích ở chùa, một mực muốn đến chùa Mai tĩnh dưỡng, chữa bệnh bằng thuốc nam chứ không chịu nằm viện. Ở đây mấy tháng Duy thấy người khỏe nhiều nên hai tháng trước, cậu xin phép nhà chùa đi lên chùa An Phúc, vì chùa An Phúc có mở lớp học cho trò nghèo. Trên đó còn hẻo lánh lắm, học trò nghèo lại ít chữ. Cậu Duy muốn đến đó dành thời gian còn lại để dạy chữ cho các em bé nghèo. A di đà phật.
Huệ chợt hiểu vì sao cậu ấy lại bị chảy máu cam trưa hôm đó. Và nhớ đến cái đầu như bị cạo trọc, nhớ ra khuôn mặt xanh xao bỗng ửng hồng khi cô cầm khăn tay lau dòng máu trên má cho Duy.
- Cô là...
- Dạ thưa, con là Huệ.
- A di đà phật. Là cô Huệ. Cậu Duy bảo có ít sách vở gửi tặng cô, cậu ấy vốn là sinh viên.
Lối đi nhỏ, giữa hai cột gỗ lim. Huệ bước thật nhẹ, như thể sợ một tiếng động mạnh cũng có thể làm tan bầu không khí tĩnh tại này. Huệ mở gói giấy báo cũ ra. Bên trên những cuốn sách khoa học tự nhiên cao cấp đã cũ được xếp gọn gàng chính là chiếc khăn tay thêu bông hoa phượng. Màu hoa vẫn đỏ rực rỡ.
NGUYỄN THU HẰNG