20 năm về làm dâu, chị đã quen với nếp nhà chồng, mỗi năm có hai lần tổ chức gói bánh chưng là Tết Nguyên đán và Giỗ Tổ mùng 10.3 âm lịch.
Đầu tháng 3 âm lịch, trong khi chị sửa soạn bình hoa loa kèn trắng để thắp hương mùng 1, mẹ chồng chị tỉ tê khẽ nhắc: “Con đã tìm chỗ mua lá dong gói bánh chưa?”. 20 năm về làm dâu, chị đã quen với nếp nhà chồng, mỗi năm có hai lần tổ chức gói bánh chưng là Tết Nguyên đán và Giỗ Tổ mùng 10.3 âm lịch. Mẹ chồng chị, người phụ nữ cả đời làm nông tuy rời xa đồng ruộng đã lâu nhưng vẫn nôn nao nhớ hương vị những bữa cúng cơm mới vào dịp Giỗ Tổ. Nhiều nhà theo truyền thống vẫn thường gói bánh chưng vào Tết và rằm tháng giêng. Nhiều nhà từ lâu không còn tự gói bánh nhưng riêng gia đình chị vẫn giữ nếp gói bánh chưng vào dịp Giỗ Tổ. Vì thế, không đợi mẹ chồng phải nhắc, trên đường đi làm về, chị đã ghé hàng bánh chưng quen dặn để phần cho ít lá dong, lạt cùng những nguyên liệu cần thiết khác để tới ngày chị chỉ việc mang về tự gói ở nhà. Ngắm những chiếc bánh chưng vuông vắn, chuẩn bị xếp vào nồi để luộc ở hàng bánh chưng “gia truyền ba đời”, chị không khỏi nghĩ lan man về chiếc bánh kỳ lạ tới diệu kỳ này.
Những năm gần đây, đời sống mỗi ngày một đủ đầy, sung túc hơn, nhắc tới bánh chưng nhiều chị em “sợ hãi” vì nghĩ tới cảnh phải nỗ lực giảm cân sau khi tiêu thụ món ăn giàu năng lượng. Bánh chưng không chỉ vẫn xuất hiện trong mâm cơm cúng mà cả các mâm cỗ dịp đám cưới, liên hoan, tiệc tùng như một phần thân quen không thể thiếu. Mỗi dịp Giỗ Tổ, hội thi gói bánh chưng, giã bánh dày vẫn rộn ràng, náo nức. Có thể số lượng người biết gói bánh chưng không còn đông đảo như xưa nhưng những người chuyên làm việc này lại có nhiều sáng tạo để những chiếc bánh ngày một phong phú, đặc sắc hơn. Bên cạnh bánh chưng, bánh dày truyền thống, nhiều người còn làm bánh ngũ sắc bắt mắt bằng cách nhuộm gạo bằng những nguyên liệu tự nhiên. Người ăn thì nghĩ ra nhiều cách chế biến bánh chưng phù hợp với thời hiện đại như nấu chè, rán bằng nồi chiên không dầu, làm pizza bánh chưng…
Những lần nhà gói bánh chưng, vợ chồng chị vẫn hướng dẫn con gái lớn cách làm nhưng cô bé chẳng mấy quan tâm. Thế mà dịp Tết vừa rồi, sau hơn một năm du học, con gái háo hức khoe được tham gia cùng các bạn gói bánh chưng ở đất nước xa xôi. “Con gói đẹp nhất trong cả hội. Chắc nhờ xem bố mẹ gói nhiều”- cô bé cầm chiếc bánh “chiến lợi phẩm” khoe cả nhà trong cuộc gọi lúc giao thừa. Sắp tới ngày Giỗ Tổ, con gái chị lại nhắn hỏi mẹ “năm nay nhà mình có gói bánh chưng không?”. Thấy bánh chưng như thấy quê hương, thấy cội nguồn có lẽ là điều đã ngấm vào con gái chị sau 18 năm được hưởng những cái Tết, những ngày Giỗ Tổ ấm áp trong gia đình. Câu chuyện sự tích bánh chưng, bánh dày về chàng Lang Liêu chăm làm, hiếu thảo hẳn vẫn còn nguyên trong tâm trí cô bé. Những mảnh ghép truyền thống dù nhỏ ấy nhưng cũng đã dần xây dựng, định hình tình yêu, nỗi nhớ quê nhà của những người trẻ tuổi như con gái chị và bạn bè của nó. Đó là sợi dây nối chúng với quê hương, với những phong tục truyền thống tốt đẹp để dù có đi bất cứ nơi đâu, chúng vẫn là người Việt từ trong tâm thức.
Đã sang năm thứ hai vì dịch Covid-19 mà Giỗ Tổ Hùng Vương chỉ tổ chức phần lễ, không có phần hội tưng bừng, nhộn nhịp. Song tấm lòng thành kính vẫn có những cách riêng để hướng về nguồn cội. Gia đình chị vẫn đặt lên bàn thờ những chiếc bánh chưng xanh đậm đà hương vị truyền thống. Chiếc bánh kỳ diệu ấy đã gắn bó với quãng đời làm dâu của chị, từ một cô gái chưa từng gói bánh thành người phụ nữ đảm đang “có thể mở hàng bánh chưng” như chồng chị vẫn đùa. Chiếc bánh ấy cũng có những thăng trầm theo sự phát triển của đời sống người dân nhưng nó sẽ vẫn mãi là một ghép nối truyền thống không thể nào thiếu được để nhớ tới cội nguồn dân tộc.
SONG KHUÊ