Chia sẻ khó khăn với nông dân

21/02/2021 09:49

Ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hải Dương phải thực hiện giãn cách xã hội làm cho việc lưu thông hàng hóa, nhất là nông sản gặp khó khăn. Để chia sẻ với nông dân, các cá nhân, tổ chức ở nhiều nơi trong tỉnh đã chung tay giúp đỡ.

Vợ chồng ông Trần Phú Tiền ở Thanh Miện thu hoạch ngô ủng hộ người dân ở khu phong tỏa

Chung sức

Từ ngày 19.2, Công ty TNHH Gạo và Thực phẩm sạch Cô Tấm (TP Hải Dương) đã đi mua nông sản ở các huyện Tứ Kỳ, Thanh Miện, Thanh Hà, Gia Lộc để bày bán tại các cửa hàng thực phẩm sạch của công ty, bán trực tuyến và phân phối cho các đại lý, đối tác ở TP Hà Nội. Theo anh Trần Quang Huy, Giám đốc công ty, trước cảnh bà con không bán được nông sản vì dịch bệnh, doanh nghiệp không thể làm ngơ. Vì thế công ty quyết định thu gom rau, củ quả giúp nông dân để phần nào giảm bớt thiệt hại. “Trước mắt chúng tôi sẽ mua theo giá mà người dân đề xuất, khi bán ra sẽ tùy tâm khách hàng. Nếu có chênh lệch hơn từ số tiền bán ra, chúng tôi sẽ chia đều và chuyển lại cho người dân”, anh Huy chia sẻ.

Không đành lòng khi thấy cảnh nông sản của người dân đến kỳ thu hoạch mà không có ai mua, chị Bùi Thị Anh ở phố Bạch Năng Thi (TP Hải Dương) cũng chung tay, góp sức hỗ trợ nông dân tiêu thụ. Chị liên hệ để gom trứng, su hào, cải bắp, ổi từ các huyện, thị xã lên thành phố để bán giúp người dân. Chị Anh cho biết do tình hình dịch bệnh ở TP Hải Dương đang căng thẳng nên chị sẽ không trực tiếp bán mà đặt hàng trước cửa nhà có niêm yết giá. Người nào có nhu cầu sẽ tới lấy và bỏ tiền vào hòm. Chị Anh sẽ chi trả chi phí vận chuyển, sau khi kiểm kê nếu tiền thu về nhiều hơn số tiền chị mua vào thì số dư chị sẽ ủng hộ tuyến đầu chống dịch, còn nếu thiếu thì chị sẽ tự bù. Dù mới thực hiện từ ngày 20.2 nhưng việc làm của chị nhận được sự ủng hộ của người dân thành phố, hàng về tới đâu hết đến đó.


Đoàn Thanh niên thu hoạch rau do người dân xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) ủng hộ để vận chuyển tới các khu cách ly tập trung trong tỉnh

Điểm giải cứu nông sản ở đường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) của nhóm thiện nguyện AIM cũng nhận được sự quan tâm của người dân. Trong 2 ngày 19, 20.2, nhóm đã thu gom được hơn 10 tấn rau xanh cho nông dân Tứ Kỳ. Ngày 21.2, nhóm sẽ tiếp tục xuống xã Phạm Kha (Thanh Miện) để thu hoạch rau mang lên TP Hải Dương bán. Toàn bộ số tiền bán được nhóm sẽ trực tiếp gửi lại cho bà con. Anh Nguyễn Văn Minh, Trưởng nhóm cho biết: “Vì thành phố đang siết chặt quản lý việc giãn cách xã hội nên nhóm sẽ nghiên cứu phương án tối ưu để vừa bán được nông sản cho người dân, vừa không vi phạm các quy định phòng chống dịch. Nhóm đang liên hệ các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh tham gia hỗ trợ người dân. Ngoài bán trực tiếp, nhóm cũng sẽ giúp các đơn vị vận chuyển đến các chốt liên tỉnh rồi san tải cho doanh nghiệp ngoài tỉnh để họ không phải mất thời gian làm các thủ tục lưu thông qua chốt kiểm dịch”.

Là vựa nông sản của miền Bắc nên khi dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng lớn tới việc vận chuyển đi tiêu thụ làm một lượng lớn nông sản bị ùn ứ, người dân, thương lái, doanh nghiệp thu mua thiệt hại nặng. Trước thực trạng này, nhiều cá nhân, tổ chức đã chủ động hỗ trợ tiêu thụ nông sản bằng nhiều cách. Vì thế đã làm vơi bớt phần nào thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Tri ân trở lại


Nông dân Thanh Hà chuẩn bị ổi để bán cho Công ty TNHH Gạo và Thực phẩm sạch Cô Tấm

Hơn 20 ngày kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và lan ra toàn tỉnh thì cũng là từng ấy ngày người dân như ngồi trên đống lửa vì lo đầu ra cho sản phẩm. Nông sản có đặc thù riêng là tính mùa vụ, nếu quá lứa thì coi như hỏng. Chính vì thế khi biết không thể bán hoặc bán chậm, giá thấp, nhiều hộ dân đã chủ động ủng hộ cho các khu cách ly tập trung của tỉnh để san sẻ gánh nặng cho các cấp chính quyền.

Mấy hôm nay, vợ chồng ông Trần Phú Tiền ở thị trấn Thanh Miện tất bật thu hoạch ngô để mang tới các chốt kiểm soát, khu cách ly tập trung, khu phong tỏa ủng hộ. Ông nói rằng vất vả mấy tháng mới có được ruộng ngô bắp to đều nên cũng mong bán được giá. Song do dịch bệnh người mua ít, giá lại xuống thấp, thay vì việc cố bán được đồng nào hay đồng ấy, nhà ông Tiền lại mang ủng hộ cho lực lượng làm nhiệm vụ và người dân khu phong tỏa. “Tình hình dịch bệnh là khó khăn chung nên chúng tôi cũng phải chấp nhận. Mặc dù lỗ vốn nhưng nhà tôi đã làm được việc có ý nghĩa”, ông Tiền nói.

Dù một số đơn vị đã tới xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) thu mua su hào, cải bắp cho nông dân song số lượng mua không thấm tháp gì so với thực tế. Dịch bệnh ập tới bất ngờ làm cho cả người trồng và người mua trở tay không kịp. Ruộng nào được đặt mua trước thì thương lái, doanh nghiệp lỗ vốn còn ruộng nào không có hợp đồng tiêu thụ thì nông dân thiệt hại. Theo ông Nguyễn Ngọc Khắc, đại diện HTX Dịch vụ nông nghiệp xã, người dân hy vọng nhất vào vụ rau và sau Tết thường bán được giá cao, còn năm nay thì xác định thua lỗ. Lúc đầu ai cũng tiếc và xót xa vì rau được cả năng suất, chất lượng mà không tiêu thụ được, còn giờ thì người dân cũng nguôi ngoai để tập trung cho vụ tới. Nhiều hộ đã chủ động liên hệ ủng hộ rau cho khu cách ly, khu phong tỏa để sớm giải phóng đất làm vụ xuân.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chia sẻ khó khăn với nông dân