Chị Son chăn nuôi giỏi

09/10/2012 11:46

Ngay cả trong lúc giá thịt lợn giảm mạnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như năm nay, gia đình chị vẫn có lãi.



Đó là chị Trần Thị Son ở thôn Tất Hạ, xã Cộng Lạc (Tứ Kỳ).

Đưa chúng tôi đi thăm khu chuồng nuôi lợn của gia đình, chị Son cho biết, trước đây, mỗi năm chị nuôi 2 lứa lợn thịt theo phương thức bán công nghiệp. Tuy nhiên, do đầu tư manh mún, kiến thức chăn nuôi còn hạn chế nên hiệu quả thấp. Năm 2010, vợ chồng chị mày mò sang Hưng Yên học hỏi kinh nghiệm, sau đó quyết định chuyển từ nuôi lợn thịt thông thường sang nuôi lợn nái ngoại. Gia đình đầu tư sửa sang lại chuồng trại. Ban đầu do nguồn vốn có hạn, chị chỉ mua 3 con lợn nái giống. Sau 8-9 tháng, lợn bắt đầu sinh sản. Lợn đẻ được bao nhiêu con, chị giữ lại hết, vừa gây giống, vừa nuôi để bán lợn thịt. Việc chăn nuôi diễn ra thuận lợi, năm 2011, gia đình chị thu trên 140 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 70 triệu đồng. Thấy có hiệu quả, chị tiếp tục mở rộng quy mô đàn lợn. Đến nay, gia đình chị có trên 10 ngăn chuồng nuôi 15 con lợn nái, trong đó có 10 con đang trong thời kỳ sinh sản, 5 lợn nái hậu bị và gần 200 con lợn giống. Chị Son cho biết: "Năm nay, giá thịt lợn giảm mạnh so với năm ngoái, gia đình tôi chỉ nuôi lợn thịt cầm chừng, chủ yếu gây và bán lợn nái giống. Lợn giống không mất nhiều công chăm sóc, sau khoảng 1 tháng nuôi, mỗi con bán được 1-1,2 triệu đồng. 9 tháng đầu năm nay, gia đình tôi đã thu gần 150 triệu đồng từ bán lợn giống, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ thu về khoảng 100 triệu đồng nữa. Cả năm dự kiến gia đình tôi lãi khoảng 100 triệu đồng".

Theo chị Son, những năm trước đây việc chăn nuôi của gia đình đạt hiệu quả thấp là do chưa mấy quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn và vệ sinh môi trường chăn nuôi. Từ khi chuyển sang nuôi lợn nái ngoại, chị  luôn chủ động trong khâu phòng, chống dịch bệnh. Lợn con sau khi sinh được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, đóng dấu, sưng phù đầu... Khu chuồng trại được vệ sinh hằng ngày, định kỳ rắc vôi bột và phun thuốc khử trùng để hạn chế mầm bệnh; xung quanh khu chuồng nuôi luôn bảo đảm thông thoáng. Gia đình chị cũng đầu tư xây dựng 1 hầm khí bi-ô-ga để xử lý toàn bộ phân lợn và nước thải chăn nuôi, vừa tạo nguồn khí đốt phục vụ sinh hoạt... Chị Son rất tích cực tham gia các buổi tập huấn kiến thức, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi do ngành chuyên môn và xã tổ chức. Nhờ vậy, hiện nay chị đã có thể tự tiêm phòng và thụ tinh nhân tạo cho lợn nái sinh sản.

Chị Son cho biết, trong thời gian tới gia đình sẽ đầu tư chuyển chuồng trại chăn nuôi lợn ra khu vực chuyển đổi của thôn, vừa mở rộng quy mô đàn, vừa giảm ô nhiễm môi trường trong khu vực dân cư.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chị Son chăn nuôi giỏi