Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng nếu có cơ chế tốt, việc xây dựng 2 tuyến đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và vành đai 4 Hà Nội sẽ không tiêu tốn vốn đầu tư từ ngân sách mà có thể còn tạo thêm nguồn lực mới cho ngân sách.
Sáng 10.6, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội.
Đề xuất Thủ tướng ủy quyền cho chủ tịch tỉnh, thành phố quyết định chỉ định thầu
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng đường vành đai 3 TP.HCM sẽ tạo ra đột phá và tháo gỡ "điểm nghẽn" nhiều năm qua cho phát triển kinh tế của TP và khu vực Đông Nam Bộ.
Ông Nghĩa góp ý về nội dung của dự thảo nghị quyết liên quan cơ chế ưu đãi, trong đó quy định quá trình triển khai áp dụng chỉ định thầu với gói thầu tư vấn, di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù giải phóng mặt bằng tái định cư, cho phép Thủ tướng xem xét quyết định, chỉ định thầu.
Ông nói Thủ tướng bận nhiều việc, do đó kiến nghị điều chỉnh nội dung này, cho phép Thủ tướng ủy quyền cho chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có liên quan xem xét quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai dự án với các gói thầu đã nêu.
Đại biểu Nghĩa phân tích, khi Thủ tướng ủy quyền, về pháp lý quyền vẫn nằm trong tay Thủ tướng: "Ủy quyền cho chủ tịch UBND thì chủ tịch UBND thực hiện theo ủy quyền của Thủ tướng và thực hiện theo pháp luật về đấu thầu, thì những chốt này vẫn bảo đảm sự tuân thủ rất cao".
Ông Nghĩa cũng đề nghị điều chỉnh quy định "trong quá trình thực hiện dự án, nếu phát sinh công việc chỉ định thầu thì Chính phủ báo cáo Quốc hội" thành "nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu thì chủ tịch UBND báo cáo Thủ tướng, nếu cần thiết Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định".
"Quốc hội họp 6 tháng 1 lần, để Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sẽ nhanh chóng hơn", ông Nghĩa nói.
Đại biểu TP.HCM cũng đề xuất chỉnh lại trong dự thảo nghị quyết là Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế chỉ định thầu, đề nghị là 3 năm kể từ ngày ban hành nghị quyết.
Về giải phóng mặt bằng, để đảm bảo tiến độ, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo cơ chế đặc thù để các địa phương chủ động triển khai.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) - Ảnh: Quochoi.vn
Nếu có cơ chế tốt sẽ không tiêu tốn vốn đầu tư từ ngân sách
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) thì phản ánh "chỉ mới nghe Quốc hội thảo luận, xem xét các dự án đường vành đai thì giá đất xung quanh khu vực này đã sôi lên", cho thấy nếu có cơ chế tốt, việc xây dựng 2 tuyến đường vành đai "sẽ không tiêu tốn vốn đầu tư từ ngân sách mà có thể còn tạo thêm nguồn lực mới cho ngân sách từ khai thác nguồn lực tạo ra từ quỹ đất mới được mở đường".
Vì vậy, ông Cường đề nghị Chính phủ nghiên cứu đề xuất một cơ chế đặc thù để khai thác hiệu quả nhất tiềm năng quỹ đất hai bên đường. Cơ chế này thực hiện theo hướng quy hoạch vùng lân cận 2 bên đường thành các khu đô thị hiện đại, trung tâm thương mại, trung tâm phân phối và trung chuyển hàng hóa cùng với thiết kế hệ thống đường song hành (đường gom cao tốc, đường kết nối hệ thống giao thông khu vực).
Việc đấu thầu các dự án phát triển đô thị đi kèm với nhiệm vụ xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối được thực hiện theo cơ chế cạnh tranh của thị trường và các công cụ định giá xác định giá trị thị trường.
"Cơ chế này được áp dụng sẽ thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực vào đầu tư phát triển đồng bộ các trung tâm phát triển hiện đại. Nhà nước không phải đầu tư ngân sách xây dựng các tuyến đường song hành hay đường gom, mà còn có thêm nguồn lực đóng góp vào ngân sách", ông Cường nói thêm.
Theo Tuổi trẻ