Chí Linh phát triển vùng nếp cái hoa vàng An Lạc và Văn An

16/12/2020 06:53

Với chất lượng gạo thơm ngon, đặc sản nếp cái hoa vàng của An Lạc và Văn An (Chí Linh) đang được xây dựng thương hiệu và mở rộng diện tích sản xuất.


Vùng chuyên canh nếp cái hoa vàng tập trung của khu dân cư Bờ Đa, phường An Lạc 

Truyền thống lâu đời

Phường An Lạc hiện có hơn 100 ha canh tác nếp cái hoa vàng ở nhiều xứ đồng như Bờ Mo, Ao Cá, Cầu Huyện, Đồng Quýt, Đồng Nội, Cổ Rồng... của 2 khu dân cư (KDC) Bờ Đa và Đại. Diện tích này đều bám quanh các núi đồi thuộc vùng di tích đền Cao, nơi thờ 5 vị tướng họ Vương đã có công lao lớn giúp vua Lê Đại Hành đánh đuổi giặc Tống xâm lược năm 981. Tương truyền, thuở đó gạo nếp cái hoa vàng An Lạc được dùng làm quân lương với món bánh dày nổi tiếng.

Lễ hội đền Cao được tổ chức từ ngày 22 - 24 tháng giêng hằng năm. "Trong dịp lễ hội luôn có Hội thi giã bánh dày, nguyên liệu chính là gạo nếp cái hoa vàng An Lạc, với mục đích lưu giữ truyền thống xưa", ông Mạc Văn Thảo ở KDC Bờ Đa cho biết. Chính nhờ chất lượng nguyên liệu riêng có mà bánh dày An Lạc đã nhiều lần đoạt giải nhất tại các hội thi giã bánh tại Đền Hùng. 

Tương truyền vùng nếp cái hoa vàng thuộc phường Văn An xuất hiện sau, có thể từ khi "vạn thế sư biểu" Chu Văn An rời kinh thành về dạy học (khoảng thế kỷ 14). Hàng trăm năm qua, các xứ đồng Cống Đá, Vành Lược (KDC Kiệt Đoài), Cây Găng, Mả Dĩ, Mả Tre (KDC Kiệt Thượng) luôn duy trì vài chục ha gieo cấy giống lúa này. Từ khoảng năm 2010 đến nay, diện tích nếp cái hoa vàng của Văn An liên tục mở rộng sang cả các KDC Trại Sen, Kiệt Đặc, Kiệt Đông... "Vụ mùa vừa qua, phường có 203 ha nếp cái hoa vàng, dự kiến năm 2021 có thể đạt 250 ha", ông Đỗ Đức Phu, Chủ tịch UBND phường Văn An khẳng định.

Cả 2 phường Văn An và An Lạc đã có nhiều cánh đồng rộng 40-60 ha chuyên canh nếp cái hoa vàng. Một số hộ đã đầu tư lớn, mở rộng diện tích từ 5-7 ha, thực hiện cơ giới hóa các khâu làm đất, thủy lợi, cấy lúa và thu hoạch. Điển hình ở phường Văn An có gia đình các ông Ngô Quang Đáo (KDC Trại Thượng), Trần Văn Khá (KDC Kiệt Thượng), Nguyễn Văn Thảo (KDC Kiệt Đoài). Ở phường An Lạc có gia đình các ông Ninh Văn Thắng (KDC Đại), Dương Văn Thêu (KDC Bờ Đa)...    


Nông dân tự chọn và để giống lúa nếp cái hoa vàng cho vụ sau

Hướng phát triển bền vững

Vụ mùa vừa qua, ông Nguyễn Văn Kiện (KDC Kiệt Đoài) cấy 2,5 ha lúa nếp cái hoa vàng, thu 12 tấn thóc. Do nếp cái hoa vàng Văn An chưa có thương hiệu nên toàn bộ thóc thu hoạch được ông đều phải bán ngay cho người làm hàng xáo, giá thấp hơn giá chợ. Ông mong TP Chí Linh hỗ trợ để nếp cái hoa vàng đạt và duy trì sản phẩm OCOP, nhất là hỗ trợ nông dân sản xuất sạch, đạt chuẩn VietGAP... Theo ông Kiện, nếp cái hoa vàng là giống lúa chỉ hợp với ruộng chân vàn và vàn trũng. Dù sản xuất hiện đại nhưng để gạo giữ được chất lượng vẫn phải duy trì truyền thống làm thủ công một số khâu như tự chọn từng bông để giữ giống tốt, gieo mạ dược và nhổ mạ bằng tay, phơi khô thóc bằng nắng nhẹ... "Chúng tôi mong muốn được quan tâm nhiều hơn để phát triển vùng chuyên canh, nâng cao chất lượng sản phẩm", ông Kiện nói.

Ngày 10.12, gạo nếp cái hoa vàng Chí Linh với 2 vùng sản xuất thuộc hai phường An Lạc và Văn An đã được kiểm tra, đánh giá chất lượng. Hội đồng đánh giá của TP Chí Linh cùng đơn vị tư vấn của tỉnh thống nhất chấm 73 điểm (thang điểm 100) cho nếp cái hoa vàng An Lạc và 71 điểm cho nếp cái hoa vàng Văn An. Cả 2 sản phẩm này đều đang được đề nghị công nhận đạt sản phẩm OCOP tỉnh Hải Dương năm 2020.

UBND 2 phường An Lạc và Văn An đã khuyến khích người dân quy vùng sản xuất tập trung, chú trọng sản xuất sạch để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Cả 2 vùng đều được TP Chí Linh hỗ trợ quảng bá hình ảnh, nhãn mác, bao bì, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm. 

Tại phường An Lạc, Chi hội Nông dân KDC Bờ Đa đã phối hợp với doanh nghiệp cung ứng phân bón trả chậm cho hội viên, đồng thời cùng HTX Dịch vụ nông nghiệp chuyển giao kỹ thuật thâm canh lúa nếp cái hoa vàng, góp phần tạo vùng chuyên canh tập trung. Ngày 29.11, chi hội đã ra mắt tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ nếp cái hoa vàng với 45 thành viên, mục tiêu sẽ tạo thuận lợi cho cả sản xuất và bán sản phẩm. 

Xây dựng thương hiệu, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP là yếu tố cơ bản để nâng cao giá trị của sản phẩm, khẳng định vị thế trên thị trường. "Thành phố sẽ duy trì hỗ trợ để các chủ thể an tâm sản xuất, tin tưởng và tâm huyết xây dựng sản phẩm OCOP", ông Nguyễn Văn Huỳnh, Phó Chủ tịch UBND TP Chí Linh khẳng định.

THÀNH LONG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chí Linh phát triển vùng nếp cái hoa vàng An Lạc và Văn An