Dù tuổi đời còn trẻ (SN 1983), nhưng chị Vũ Thị Hường ở thôn Vũ Xá, xã Thất Hùng (Kinh Môn) đã xây dựng được một vườn cam với nhiều giống đặc sản.
Mỗi năm mô hình trồng cây của gia đình chị Vũ Thị Hường cho lãi khoảng 800 triệu đồng
Nhiều lần thất bại
Chị Hường là người thôn Vũ Xá, sau khi xây dựng gia đình, chị chuyển về xã Bạch Đằng (cùng huyện) sinh sống. Vợ chồng chị làm nhiều nghề nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn. “Đỉnh điểm khó khăn là việc gia đình dồn hết vốn liếng, công sức vào nuôi gà thịt nhưng năm đó gà bị bệnh chết gần hết. Không chỉ mất hết vốn mà tôi còn nợ mấy chục triệu đồng tiền con giống, cám", chị Hường cho biết.
Năm 2005, giữa lúc bế tắc, không biết làm thế nào thì vợ chồng chị được bố đẻ cho 4sào ruộng. Sau nhiều ngày suy nghĩ, chị Hường thấy rằng nếu cấy lúa thì cũng chỉ đủ thóc để ăn chứ không thể làm giàu. Với lợi thế gần sông Kinh Thầy, đất đai phù sa màu mỡ nên sau một thời gian tham quan, học hỏi các mô hình cây trồng trong và ngoài huyện, chị quyết định sẽ lập vồng trồng cây. Do không có nhiều vốn nên để giảm chi phí, vợ chồng chỉ thuê máy bơm cát, còn tất cả mọi việc khác đều tự tay làm. Để thuận tiện cho công việc, vợ chồng chị dựng lều trên một góc vườn để sinh sống.
Năm đầu tiên, chị Hường trồng 50 gốc vải và 700 gốc ổi. Sau một thời gian vất vả chăm bón, cây trái cũng cho thu hoạch. Chị Hường cũng mày mò trồng ổi trái vụ để bán được giá cao hơn. Tuy nhiên, lúc này ở địa phương cũng có nhiều người trồng vải và ổi nên giá bán thấp khiến chị chán nản, phải tìm hướng đi mới.
Cây trồng cho lãi cao
Sau một thời gian tìm hiểu, chị quyết định đưa cây cam về trồng trên vùng đất bãi. 100 cây cam Đường Canh đầu tiên trong vườn nhà chị bói quả và cho thu hoạch. Mặc dù chỉ được 300 kg, nhưng với giá bán 15.000 đồng/kg, chị Hường đã thu được 4,5triệu đồng, gấp nhiều lần so với trồng vải và ổi. Thấy có thể làm giàu từ loại cây trồng này, 2vợ chồng chị quyết tâm mở rộng diện tích bằng cách gom thêm ruộng của người dân trong khu chuyển đổi. Từ 4 sào ban đầu, đến nay, vợ chồng chị đã có khu vườn rộng 1 ha.
Với mong muốn đa dạng hóa cây trồng, cung cấp cho khách hàng nhiều sản phẩm hơn nữa, chị Hường lại tìm hiểu và đưa cây cam Vinh về trồng trong vườn. Tuy nhiên, 2 loại cây trồng này thường chín rộ vào một thời điểm nên việc thu hái đôi khi vất vả mà giá bán lại không cao. Để khắc phục nhược điểm này, chị Hường tìm hiểu và đưa cây cam Vinh V2, có thời gian thu hoạch dài (từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau) về trồng tại vườn ở xã Bạch Đằng.
Gắn bó lâu năm với cây trồng, chị Hường nắm rõ như lòng bàn tay đặc điểm của từng loại cây để có biện pháp chăm sóc cho cây sai hoa, đậu quả đúng thời điểm. Trong quá trình chăm sóc, chị đều chọn các loại phân bón sinh học thân thiện với môi trường. “Chăm sóc cây cối giống như chăm sóc con mọn, phải tỉ mỉ, cẩn thận thì mới thu được kết quả cao”, chị Hường nói.
Chị còn tìm hiểu phương thức canh tác mới để nâng chất lượng sản phẩm, được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Đặc điểm để phân biệt cam trong vườn của chị Hường với cam của các vườn khác trong cùng khu chuyển đổi là vỏ mỏng, quả mọng, ăn ngọt đậm, cuối mùa không bị khô.
“Khi mới trồng, cam vườn nhà tôi cũng giống như những vườn khác. Sau khi tìm tòi, tôi đã thay đổi cách chăm sóc. Thay vì dùng phân chuồng bón trực tiếp thì tôi ủ cho hoai mục. Tôi còn mua thêm tro, lông vũ, xác đỗ tương, cá ủ lẫn với nhau thành một hỗn hợp và bón vào các gốc cây. Vì vậy, chất lượng cam mới được như hôm nay”, chị Hường chia sẻ.
Không chỉ trồng cây lấy quả, gia đình chị Hường còn dành 3sào để làm cây giống, chủ yếu là các loại cam. Mỗi năm chị cung cấp ra thị trường khoảng 4.000 cây giống. Chị thường xuyên đến các vườn cây trong và ngoài huyện để hướng dẫn, hỗ trợ người mua cây giống cách chăm bón, tỉa cành để cây đạt năng suất, chất lượng cao nhất. Anh Nguyễn Văn Sách ở xã Bạch Đằng cho biết: “Tôi đã đến vườn cam của gia đình chị Hường học hỏi và mua cây giống về trồng. Đến nay, vườn cam của tôi đã cho thu hoạch, quả cam tương đối ngon, bán được giá cao”.
Mô hình trồng cây tổng hợp mỗi năm sau khi trừ chi phí đã mang về cho gia đình chị Hường khoảng 800 triệu đồng. Với mong muốn trồng được thêm nhiều giống cây đặc sản, chị Hường đang tìm hiểu và đưa thêm cam ruột đỏ về trồng. Ngoài ra, chị sẽ thay 3 sào ổi hiện tại bằng toàn bộ vườn cam. Nhận xét về mô hình trồng cây của chị Hường, ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kinh Môn cho biết: “Đây là một mô hình nông nghiệp tiêu biểu của địa phương. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tìm các biện pháp nhân rộng mô hình này để nâng cao chất lượng các cây trồng ở địa phương”.
THANH HÀ