Tôi định trồng cây vụ đông xong sẽ tận dụng nguồn rạ trên đồng và bèo tây ở các tuyến sông lấy về đem xử lý tiếp...
Thấy tôi lau rửa vết thương trên mặt cho con, cô Tấm tỏ vẻ áy náy:
- Cháu phải nghỉ học thế này, vợ chồng em ái ngại quá.
- Thôi, dù sao chuyện cũng đã rồi mà cô...
- Thực tình em không lường trước được việc đốt rơm rạ trên đường giao thông lại nguy hiểm đến vậy. Thôi thì em mang ít quà sang nhờ hai bác chăm sóc cháu giúp vợ chồng em. Thuốc thang bồi dưỡng cho cháu thế nào, hết bao nhiêu vợ chồng em sẽ gửi, chỉ mong hai bác bớt giận rút đơn về để hai bên gia đình giải quyết nội bộ với nhau...
- Đơn từ gì đâu cô. Lúc thấy mặt mũi cháu nhem nhuốc, rồi lại cứ kêu đau rát mặt mày, xót con nên bố cháu nói thế thôi, chứ có kiện cáo gì đâu. Có điều, vợ chồng cô chú cũng phải rút kinh nghiệm, bởi vì đốt rơm rạ ngay dưới đường điện hay trên đường giao thông đều dễ gây nguy cơ cháy nổ và mất an toàn cho người đi đường. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương xử phạt nghiêm những trường hợp đốt rơm rạ trên đường giao thông từ năm ngoái rồi.
- Vâng, em cũng có nghe báo, đài tuyên truyền vậy. Nhưng rơm rạ nhiều, nhà em toàn đun nấu bằng bếp ga chứ có sử dụng được hết đâu mà không đốt đi cho sạch ạ?
- Cô không đi dự lớp tập huấn về xử lý rơm rạ dư thừa sau thu hoạch do Chi hội Phụ nữ thôn mình tổ chức à?
- Em có mấy khi tham gia sinh hoạt hội đâu...
- Chán cô thật. Mình phải tích cực tham gia thì mới tiếp cận được những chính sách của Đảng, Nhà nước chứ.
- Thế xử lý có tốn kém lắm không chị?
- Tôi thấy bà con mình chẳng mất gì, ngược lại được lợi thôi. Vì chế phẩm được cấp miễn phí rồi, vật liệu che phủ và phân NPK cũng lại được hỗ trợ. Tôi định trồng cây vụ đông xong sẽ tận dụng nguồn rạ trên đồng và bèo tây ở các tuyến sông lấy về đem xử lý tiếp. Cái này có ích cho cây trồng lắm cô ạ.
- Vâng, nghe bác nói em cũng muốn làm quá. Nhà em còn 2 sào rơm, sáng mai em qua bác hướng dẫn cách làm nhé.
HOÀNG THỊ NẾT