Chỉ do lỗi khách quan?

18/08/2016 07:00

Đầu tháng 8 vừa qua, một bệnh nhi đã tử vong sau khi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành.



Nhiều người dân không yên tâm khi vào Bệnh viện Ða khoa huyện Kim Thành khám chữa bệnh
vì có 4 bệnh nhân tử vong trong hơn 2 năm qua

Như vậy, chỉ trong vòng hơn 2 năm đã có 4 bệnh nhân tử vong bất thường tại bệnh viện này. Các trường hợp tử vong đều được phía bệnh viện kết luận do nguyên nhân khách quan. Liệu câu trả lời này đã thực sự thỏa đáng?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, gia đình của 4 bệnh nhân tử vong bất thường tại Bệnh viện Ða khoa huyện Kim Thành đều cho rằng tinh thần làm việc thiếu trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ đã gián tiếp gây ra cái chết cho người thân của họ. Ðiển hình như trường hợp của cháu Nguyễn Minh K. (18 tháng tuổi) ở thị trấn Phú Thái (Kim Thành). Sáng 1-8-2016, cháu K. được người nhà đưa tới Bệnh viện Ða khoa huyện Kim Thành với các biểu hiện ho, sốt. Cháu K. được chẩn đoán viêm họng, viêm amidan cấp, viêm tai giữa cấp bên trái. Đây là những chứng bệnh không phức tạp. Sau khi thử kháng sinh có kết quả âm tính, lúc 11 giờ 30, cháu K. được tiêm tĩnh mạch chậm ½ lọ kháng sinh Ceftazidim 1g theo chỉ định. Khoảng 3 phút sau khi tiêm, cháu K. mẩn ngứa toàn thân, khó thở, tím tái, sùi bọt mép, mạch nhanh, nhỏ khó bắt, hôn mê. Các y, bác sĩ điều trị xác định cháu K. bị sốc phản vệ, bệnh nhân được xử trí cấp cứu, hồi sức tích cực, đặt nội khí quản, hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn. Ðến 13 giờ 30 cùng ngày, sau khi ổn định tuần hoàn, hô hấp và các chức năng sống, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng theo yêu cầu của gia đình để tiếp tục điều trị. Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng đã nhờ sự hỗ trợ của y, bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, tuy nhiên do sốc nặng, suy đa tạng không phục hồi, cháu K. đã tử vong lúc 10 giờ 15 ngày 3-8.

Bà Ðỗ Thị Xuân, người nhà của cháu K. cho rằng các y, bác sĩ đã chậm trễ khi cháu có những biểu hiện bất thường sau tiêm: “Sau khi tiêm cho cháu K., bác sĩ đi ăn cơm. 3 phút sau tiêm, thấy người cháu K. tím tái, tôi chạy vào gọi bác sĩ ở trong phòng ăn cơm. Các bác sĩ bảo cứ ra ngoài, lát ăn cơm xong thì sang. Tôi quay trở lại phòng, 5 phút sau, khi thấy cháu hôn mê bất tỉnh, tôi sang gọi các bác sĩ lần thứ 2. Lúc này, các bác sĩ mới sang cấp cứu cho cháu”.

Trước đó, ngày 29-3-2015, bệnh nhân Vũ Thị Ng. (sinh năm 1974, ở xã Phúc Thành) được đưa vào Bệnh viện Ða khoa huyện Kim Thành với các biểu hiện đau bụng, nghi đau ruột thừa. Ðến 15 giờ, chị Ng. được bác sĩ tiêm thuốc kháng sinh. Sau khi tiêm thuốc khoảng 10 phút, chị Ng. có biểu hiện khó thở, toàn thân tím tái, sùi bọt mép. Các y, bác sĩ đã cấp cứu cho chị. Sau đó, chị Ng. được chuyển lên Bệnh viện Ða khoa tỉnh để tiếp tục theo dõi, điều trị. Do nguy cơ tử vong cao, chị Ng. đã được chuyển lên Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Chị Ng. đã tử vong vào 17 giờ ngày 1-4-2015.

Một trường hợp khác, vào ngày 9-12-2014, sản phụ Nguyễn Thị Ð. (31 tuổi, ở xã Ðồng Gia, Kim Thành) đã tử vong tại Bệnh viện Ða khoa huyện Kim Thành. Anh Nguyễn Ðăng Tuấn (anh chồng chị Ð.) cho biết, khoảng 16 giờ ngày 9-12, chị  Ð. được anh đưa đến bệnh viện chờ sinh. Các kết quả siêu âm, xét nghiệm không có dấu hiệu gì bất thường. Trong phòng chờ sinh, chị Ð. được tiêm một mũi vitamin K để cầm máu và đặt đường ven truyền dịch nước muối sinh lý. Ðến khoảng 18 giờ 40, chị Ð. lên cơn co giật, được chuyển đến phòng cấp cứu thì tắt thở. Các y, bác sĩ không cứu được cháu bé.

Trước đó, vào hồi 10 giờ ngày 1-4-2014, chị Phí Thị Th. (sinh năm 1974, trú tại phường Quang Trung, TP Hải Dương) đến Bệnh viện Ða khoa huyện Kim Thành chờ sinh. Sau đó, chị Th. chuyển dạ, được các bác sĩ chẩn đoán tắc tử cung nên đã mổ cứu cháu bé. Ðến 3 giờ cùng ngày, chị Th. tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Quý Phùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Ða khoa huyện Kim Thành cho rằng cả 4 trường hợp tử vong bất thường tại bệnh viện đều do nguyên nhân khách quan. Hai sản phụ tử vong đều do tắc mạch ối, chị Ng. và cháu K. tử vong do sốc phản vệ. Tuy nhiên, phía gia đình các nạn nhân vẫn có những ý kiến về tinh thần làm việc thiếu trách nhiệm của các y, bác sĩ. Trả lời phóng viên về vấn đề này, bác sĩ Phùng cho biết: "Sở dĩ người nhà bệnh nhân phản ánh về tinh thần, thái độ làm việc của các y, bác sĩ  là do họ quá đau đớn trước nỗi đau mất người thân nên mới bức xúc như vậy" (?!). Bác sĩ Phùng cũng thừa nhận, tỷ lệ tử vong bất thường ở bệnh viện tuyến huyện trong một khoảng thời gian như vậy là cao. Sau khi xảy ra những trường hợp bệnh nhân tử vong bất thường, bệnh viện đều tiến hành họp rút kinh nghiệm. Vì kết luận do nguyên nhân khách quan nên trong 4 trường hợp trên cũng không có y, bác sĩ nào bị kỷ luật. Dù lãnh đạo bệnh viện cho rằng những phản ánh về tinh thần, thái độ làm việc thiếu trách nhiệm của y, bác sĩ là do gia đình bệnh nhân quá đau đớn nhưng thực tế vụ việc ngày 14-3 vừa qua, điều dưỡng Đồng Văn Công của Khoa Khám bệnh bệnh viện này lại nghịch điện thoại  khiến người bệnh phải chờ đợi. Phải sau khi có clip người dân ghi lại và báo chí phản ánh, Bộ Y tế có công văn chỉ đạo thì Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành mới xác minh, xử lý vụ việc.

Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành là bệnh viện tuyến huyện được đầu tư cơ sở vật chất tốt nhất trong tỉnh. Tuy nhiên, đây cũng là bệnh viện có nhiều trường hợp tử vong khiến người dân bức xúc trong thời gian gần đây. Trước tình trạng liên tiếp xảy ra tử vong, dư luận đang đặt nhiều câu hỏi về chất lượng khám chữa bệnh tại Bệnh viện Ða khoa huyện Kim Thành. Sở Y tế cần xem xét, chấn chỉnh hoạt động chuyên môn ở đây để tránh những sự cố đáng tiếc liên quan đến mạng sống con người.

HOÀNG NGÂN


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chỉ do lỗi khách quan?