Mì ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam là mặt hàng mới được Ủy ban Châu Âu bổ sung vào danh mục kiểm tra chất cấm. Quy định dự kiến có hiệu lực từ ngày 6.1.2022.
Ngày 15.12, Ủy ban châu Âu (EU) ra thông báo áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp đối với một số thực phẩm nhập khẩu vào khu vực. Quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 20 kể từ thời điểm công báo.
Như vậy, dự kiến từ ngày 6.1.2022, EU sẽ áp dụng tần suất kiểm tra dư lượng Ethylene Oxide (tổng cộng cả ethylene oxide và 2-chloro-ethanol, vì đều được đề cập là ethylene oxide) khoảng 20% đối với sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam.
Do mì ăn liền là sản phẩm tổng hợp, doanh nghiệp xuất khẩu cần thêm chứng thư từ Cục Thú y trong trường hợp sản phẩm có thêm trứng hoặc mỡ động vật hoặc liên hệ với Cục Bảo vệ thực vật nếu sản phẩm thuần túy từ thực vật.
Mì ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam là mặt hàng mới nhất được EU bổ sung trong danh sách kiểm tra. Động thái này được đưa ra sau khi một số quốc gia thuộc EU phát hiện hàm lượng chất Ethylene Oxide trong các lô hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Sự việc khởi nguồn từ ngày 20.8, thời điểm Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền có chứa chất Ethylene Oxide, trong đó có mì Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77 g, lô hạn sử dụng đến 24.9.2022) và miến Good vị sườn heo (loại 56 g, lô hạn sử dụng đến 10.11.2022) do Acecook Việt Nam sản xuất.
Một số mặt hàng khác như đùi ếch đông lạnh, hải sản, hải sản và nông sản xuất khẩu từ Việt Nam cũng bị các nước thành viên EU cảnh báo về dư lượng hóa chất vượt quá cho phép.
Gần đây nhất, đầu tháng 12, Cơ quan chức năng Pháp ra thông báo thu hồi sản phẩm mì tôm chua cay Hảo Hảo, hủ tiếu và phở ăn liền Ricey, mì Đệ Nhất và mì lẩu thái của Acecook Việt Nam.
Theo Zing