Trong khi 4G vẫn là tương lai xa thì việc MobiFone nâng cao chất lượng dịch vụ 3G được xem là một hướng đi đúng đắn để thu hút đông đảo khách hàng.
MobiFone liên tục cải thiện mạng lưới 3G. (Nguồn: VMS)
Chất lượng 3G đang tăng?
Câu chuyện tăng giá cước 3G vừa qua đã làm dư luận sục sôi bởi chất lượng đang có chiều hướng đi xuống. Khảo sát của Nielsen và Báo Bưu điện Việt Nam công bố hồi tháng 5/2013 chỉ ra rất rõ: Chỉ số hài lòng của người dùng đối với chất lượng dịch vụ 3G trong năm qua lại giảm nhẹ, từ 71/100 điểm (năm 2011) xuống còn 64 điểm trong năm 2012, dù cho diện tích phủ sóng đã được cải thiện.
Nhưng ngay sau khi nhà mạng tăng giá 3G vào tháng 10/2013, người dùng 3G đã “có cảm giác” tốc độ của các mạng được cải thiện. Anh Lê Xuân Hùng (nhân viên văn phòng ở tòa nhà Keangnam, Hà Nội) cho biết, dấu hiệu rõ nhất của chất lượng 3G tăng chính là việc vẫn có thể dùng dịch vụ OTT để gọi điện khi đã dùng hết dung lượng ở tốc độ cao, điều này trước đó anh không thể thực hiện được.
Nhưng, công bằng, nếu nói câu chuyện tăng giá để tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng thì rõ ràng chất lượng mạng 3G không thể dễ dàng thay đổi một sớm một chiều như vậy.
Trong một lần trao đổi, đại diện một nhà mạng cho hay, trong thời gian qua (trước khi tăng 3G), các nhà mạng đã liên tục đầu tư không nhỏ vào hạ tầng để phục vụ tốt nhu cầu của người sử dụng.
Bên cạnh đó, việc tăng giá cước 3G khiến người sử dụng “dè xẻn” trong những lần truy cập (khi cần thì bật và nếu không thì tắt 3G) khiến băng thông rộng hơn dẫn tới việc truy cập có phần nhanh hơn trước.
Chỉ tính riêng MobiFone, nhà mạng này cho biết trong năm 2013 đã đầu tư một số tiền lớn để nâng mạng lưới 3G lên HSPA+ (tương đương 3,5G) có tốc độ lên tới 21,6Mbps và đầu tư số lượng lớn trạm thu phát sóng (BTS).
Đáng chú ý, năng lực trạm BTS của MobiFone được các chuyên gia đánh giá thuộc loại tốt nhất ở Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. Có tới 90% số trạm Node B của MobiFone có cấu hình tối đa (HSPA+). Qua đo kiểm ở 1.500 khu vực cho thấy, 98% khu vực có tốc độ Download trên 600Kbps; 90% khu vực có tốc độ Download trên 1Mbps; 60% khu vực có tốc độ Download hơn 2Mbps.
Những con số trên cho thấy, năng lực mạng lưới của MobiFone là đáp ứng được nhu cầu truy cập Internet Mobile tốc độ cao để lướt web, xem film trên Youtube và chia sẻ tập tin kích cỡ lớn.
3G vẫn là chủ lực
Một lãnh đạo của MobiFone cho biết, hiện nay tổng số trạm thu phát sóng của nhà mạng đạt con số hơn 34.000 trạm và con số này sẽ tiếp tục tăng khoảng 4.000 trạm vào năm 2014. Đây là một nỗ lực không nhỏ trong việc nâng cấp mạng lưới, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Trong khảo sát của Nielsen cũng cho thấy, cho dù còn phàn nàn về chất lượng, song người dùng đều thừa nhận vai trò của 3G ngày càng quan trọng hơn trong đời sống và có tới 48% người được hỏi tự tin cho rằng 3G sẽ thay thế dịch vụ truy cập Internet băng rộng ADSL.
Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 11 của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra ngày 5/12, lãnh đạo Cục Viễn thông chia sẻ có nhiều ý kiến đề nghị xem xét, điều chỉnh thời hạn triển khai mạng 4G sớm hơn dự kiến là vào năm 2015.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định việc triển khai 4G phải theo đúng lộ trình và sớm nhất là vào 2015 việc này mới được xem xét. Lý do của việc này bởi công suất mạng 3G vẫn chưa sử dụng hết và khi nhà mạng đầu tư một số tiền lớn cho hạ tầng 3G thì người dân cũng phải chi rất nhiều tiền để sắm thiết bị tương thích. Bởi thế, việc “lên 4G” sẽ gây lãng phí lớn cho cả doanh nghiệp lẫn xã hội.
Nói như vậy, trong vòng ít nhất hai năm tới, mạng 3G vẫn là chủ lực trong việc truy cập Internet trên di động mọi lúc, mọi nơi của người dân.
Bởi thế, theo lãnh đạo MobiFone, để thực sự chiếm được cảm tình của khách hàng, chiến lược của MobiFone sẽ là không ngừng nâng cao năng lực hệ thống và tung ra các dịch vụ tốt nhất trên nền 3G để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của “Thượng đế”.