Chàng trai vàng tin học quốc tế: Vào Facebook không phải để chứng tỏ bản thân

20/12/2020 08:42

Theo Nguyễn Vương Linh, kĩ sư đang làm việc tại Facebook (Mỹ) khi có đam mê và khả năng thì cần tìm môi trường để phát huy khả năng đó chứ không phải phải vào Google/Facebook/Amazon để chứng tỏ bản thân.

Linh là người giành được huy chương vàng (HCV) tại kỳ thi Olympic Tin học quốc tế (IOI) lần thứ 23 tổ chức tại Patthaya (Thái Lan) vào năm 2011. 

Đây là tấm huy chương quý giá, bởi trong suốt 7 năm trước đó, Việt Nam không có HCV trên trường quốc tế ở môn học này.

Chàng trai vàng Tin học quốc tế: Vào Facebook không phải để chứng tỏ bản thân
Nguyễn Vương Linh được khen thưởng sau khi giành HCV Olympic tin học quốc tế

Lấy bằng cử nhân và thạc sĩ MIT trong 4,5 năm

Sau khi tốt nghiệp THPT, Linh chọn học ở Trường Đại học (ĐH) Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội). Để chuẩn bị hồ sơ du học, cậu tìm hiểu trên trang web của các trường và tham khảo những anh chị đi trước. Tuy nhiên, do Tiếng Anh chưa tốt nên Linh mất hơn 1 năm để chuẩn bị hồ sơ.

Nộp hồ sơ vào nhiều trường ở Mỹ, chỉ duy nhất Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) chấp nhận Linh. Song đây cũng là một trong những ngôi trường danh giá nhất nước Mỹ và trên thế giới.

Bước chân sang Mỹ vào tháng 8.2013, chàng trai quê Thạch Thất (Hà Nội) gặp cùng lúc 2 thử thách: thử thách ở môi trường học thuật hàng đầu thế giới và thử thách nói chung khi đến Mỹ.

“MIT là trường rất mạnh về khoa học kĩ thuật, mình có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều bạn giỏi, giáo sư giỏi... Đổi lại, khối lượng công việc ở đây rất lớn và mình phải cố gắng hết sức thì mới bắt kịp được.

Còn thử thách khi đến Mỹ nói chung là vì mình vào một môi trường mới, ngoài việc học ra, mình cần trau dồi, tìm kiếm cơ hội đi thực tập, cũng là để rèn luyện kĩ năng cần thiết sau khi ra trường. Các công ty Mỹ không quá quan trọng việc mình học gì ở trường, thay vào đó những kiến thức cần thiết cho công việc thì mình sẽ học hỏi ở trong môi trường làm việc” – Linh đúc kết.

Chàng trai vàng Tin học quốc tế: Vào Facebook không phải để chứng tỏ bản thân
"... khi có đam mê và khả năng thì cần tìm một môi trường để phát huy khả năng đó chứ không phải là phải vào Google/ Facebook/ Amazon để chứng tỏ bản thân" 

Mặc dù vậy, Linh đã lấy được bằng cử nhân lẫn thạc sĩ ở MIT chỉ sau 4,5 năm - một thành tích không nhiều người có thể làm.

“Vào năm thứ tư, khi chưa xác định rõ là muốn đi làm, học thạc sĩ hay có kế hoạch khác, mình đi phỏng vấn ở một số công ty. Trong đó, có một công ty được sáng lập bởi giáo sư ở trường. Tình cờ hôm phỏng vấn, mình gặp ông ấy. Hai thầy trò đồng ý là thay vì làm 1 chương trình thực tập bình thường (3 tháng), mình sẽ làm 1 chương trình thực tập kéo dài (6 tháng), và đề tài thực tập là nền tảng để viết luận án thạc sĩ...".

Nhờ thế, Linh đã giải quyết được việc tìm đề tài, người hướng dẫn. Dự án mà Linh tham gia có tên là Cambridge Mobile Telematics với công nghệ chính là thu thập telemetry data (tương tự như hộp đen trên máy bay nhưng qua sóng điện thoại) để đánh giá xem tài xế lái xe an toàn ở mức nào...

Trước khi tốt nghiệp, dù được giữ lại làm việc, nhưng Linh quyết định thay đổi. Linh tham dự phỏng vấn vào một số công ty như Google, Facebook... và tháng 3/2018, cậu quyết định lựa chọn Facebook là điểm đến sau khi ra trường. Tại đây, Linh làm ở mảng hạ tầng (infrastructure), cụ thể là viết phần mềm quản lí và tối ưu các trung tâm dữ liệu ở Facebook.

“Với lượng dữ liệu ở Facebook thì họ không thể sử dụng các nền tảng đám mây của các công ty khác (AWS hay Google Cloud) mà họ phải xây dựng hệ thống riêng, và họ cần kĩ sư để xây dựng hệ thống đó” - Linh cho hay.

Bài học từ những sai lầm

Từ khi 4,5 tuổi, Linh đã thích tính toán. Cậu bé có thể tự cộng trừ nhẩm, nhớ dãy số điện thoại, biển số xe trước khi biết đọc chữ. Vương Linh kể rằng may mắn lớn nhất của mình là bố mẹ rất quan tâm đến việc học tập nhưng luôn dành quyền tự quyết cho con.

Là cựu học sinh Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Linh cho hay cú sốc lớn nhất của bản thân là lần thi trượt đội tuyển toán quốc gia của trường năm lớp 11. 

Theo Linh, sai lầm mà mình đã phạm phải là chủ quan, không ôn tập cẩn thận. Dù buồn bã, thất vọng, song chính “thất bại” này đã khiến Linh quyết tâm dấn thân học tin và giành được tấm HCV quý giá.

Chàng trai vàng Tin học quốc tế: Vào Facebook không phải để chứng tỏ bản thân
Nguyễn Vương Linh (thứ 2 từ phải sang) cùng các thành viên đội tuyển IOI năm 2011

“Những sai lầm sau này dạy cho mình nhiều trải nghiệm mới, quan trọng nhất là mình học được cách giữ bản thân bình tĩnh và tỉnh táo dù khó khăn như thế nào” - Linh kể và cho hay, bản thân từng bị stress nặng trong quá trình học thạc sĩ, khi công việc bị dồn nén cùng một số chuyện cá nhân khác. 

Vì vậy, sau khi hoàn thành luận văn, Linh phải nghỉ ngơi chừng 2 tháng để suy nghĩ lại về mục tiêu và mong muốn của mình... Chàng trai trẻ khi đó đã quyết định tìm một công việc khác với những thứ từng làm, dù như vậy đồng nghĩa với việc phải học hỏi lại từ đầu.

Theo Linh, trải nghiệm ở đây là không ngần ngại thay đổi môi trường, kinh nghiệm, công việc... nếu như đó là những gì mình muốn.

“Mình không để môi trường hay công việc trói buộc giới hạn những gì mình có thể làm được... Khi môi trường hay mục tiêu thay đổi thì bản thân mình sẽ thay đổi theo, cái không đổi là quyết tâm để đạt được mục tiêu đấy” - Linh nói.

Linh cũng cho rằng, khi có đam mê và khả năng thì cần tìm một môi trường để phát huy khả năng đó chứ không phải là phải vào Google/ Facebook/ Amazon để chứng tỏ bản thân.

“Xin tạm giữ bí mật” về những dự định trong tương lai, điều mà Linh hy vọng bây giờ là có thể về Việt Nam thường xuyên hơn sau khi dịch Covid-19 được khống chế.

Nguyễn Vương Linh - sinh năm 1993, từng đoạt HCV Olympic Tin học quốc tế năm 2011; giải nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 môn tin học năm học 2010 - 2011 và giải thưởng Quả cầu vàng năm 2011 cho 10 cá nhân trẻ có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác, nghiên cứu.

Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
Chàng trai vàng tin học quốc tế: Vào Facebook không phải để chứng tỏ bản thân