Chàng trai sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp

21/05/2019 10:53

Nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, anh Nguyễn Văn Tình (sinh năm 1989) ở thôn Kỳ Côi, xã Tam Kỳ (Kim Thành) đã gặt hái thành công trong sản xuất nông nghiệp.

Anh Tình hiện sở hữu diện tích nhà màng lớn nhất huyện Kim Thành

Muốn thay đổi

Khi mới trưởng thành, anh Tình theo nghề lái xe. Trong thời gian rong ruổi trên những cung đường khắp các tỉnh phía Bắc, anh thấy được nhiều đổi mới trong sản xuất nông nghiệp của từng vùng. Nhìn lại quê mình, nơi có đất tốt, người dân có kinh nghiệm, song hiệu quả sản xuất không được như mong đợi, anh Tình không khỏi chạnh lòng. 

Sau hơn 1 năm tìm tòi học hỏi, nghiên cứu nhiều mô hình nông nghiệp hiện đại tại các tỉnh phía Bắc... cuối năm 2016, anh Tình bỏ nghề lái xe, đầu tư 600 triệu đồng để làm 1.000 m2 nhà màng. Sau khi tìm hiểu, anh chọn trồng dưa lưới Nhật Bản. Vì cây trồng mới, điều kiện sản xuất mới nên thời gian đầu anh Tình vẫn phải loay hoay để thực hiện quy trình chăm sóc. Nhưng chỉ sau 2 tháng, anh đã bắt nhịp được với phương thức sản xuất mới và áp dụng thành thạo các kỹ thuật tiến bộ. Nhận thấy mô hình nông nghiệp này có nhiều triển vọng nên chưa đầy nửa năm, anh đã mở rộng quy mô nhà màng lên 3.000 m2. "Khi mới làm, ai cũng cho rằng tôi liều lĩnh, khó có thể thành công, nhưng với tôi sự mạo hiểm này đã trong tầm kiểm soát. Tôi đã tính toán, lường trước những rủi ro sẽ gặp phải để tìm biện pháp khắc phục. Và kết quả hiện tại đã chứng minh lựa chọn của tôi là đúng đắn", anh Tình phấn khởi nói.

Thường thời kỳ đầu, nhất là trong nông nghiệp, nhiều hộ sẽ chấp nhận thua lỗ để tạo nền tảng về sau, nhưng mô hình của anh Tình mới thực hiện được hơn 2 năm, tương ứng với 10 vụ sản xuất mà chưa lần nào thất bại. Trừ mọi chi phí, mỗi năm anh Tình thu lãi 360 triệu đồng.

Tạo hình cho dưa

Mặc dù công sức bỏ ra đã thu được thành quả xứng đáng song anh vẫn không ngừng tìm tòi, sáng tạo để sản xuất không đi vào lối mòn và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Đầu năm 2018, khi việc sản xuất và tiêu thụ dưa lưới đã ổn định, anh Tình bắt đầu tìm hiểu về tạo hình trái cây. Do không có điều kiện trực tiếp học hỏi kinh nghiệm tại các nhà vườn phía Nam, anh phải thu thập kiến thức trên sách báo và các trang mạng để tìm ra kỹ thuật tạo hình phù hợp nhất. Sau 6 tháng dày công tìm tòi, tháng 9.2018, anh Tình tiến hành ép quả theo khuôn thỏi vàng và khắc nổi chữ tài, lộc. Vì làm lần đầu nên trong 400 gốc dưa vàng, anh chỉ thu được 100 quả dưa hình thỏi vàng hoàn thiện nhưng giá bán lại cao gấp từ 4-6 lần so với dưa không tạo hình. "Tôi sẽ nghiêm túc nghiên cứu để nâng cao tỷ lệ thành công trong tạo hình dưa. Đây sẽ là một trong những giải pháp giúp gia tăng giá trị sản xuất mà tôi hướng tới", anh Tình khẳng định.

Tuy mới triển khai nhưng mô hình sản xuất trong nhà màng của anh Tình đã trở thành mô hình kiểu mẫu để các hộ trong và ngoài tỉnh tới học hỏi. Làm chủ kỹ thuật sản xuất, chủ động về thị trường tiêu thụ nên thời gian tới, anh Tình có kế hoạch liên kết để xây dựng thêm 10.000 m2 nhà màng tại xã Kim Xuyên. Ngoài trồng dưa lưới, dưa vàng tạo hình, anh sẽ trồng thử nghiệm các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao như măng tây, dâu tây...

Trong 4 nông dân được UBND tỉnh tặng bằng khen có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thì anh Tình là người trẻ nhất, bản lĩnh nhất. 

NGUYỄN MƠ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chàng trai sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp