Chàng trai người Đức tìm được cha Việt nhờ Facebook

03/03/2014 18:30

Nhờ Facebook , chàng trai người Đức Michel đã có manh mối và tìm được cha người Việt sau gần 30 năm mất liên lạc.

15 năm trời, Michel tìm cha nhưng vô vọng. Sau khi thông tin được đăng tải trên Facebook hơn hai tiếng, chàng trai người Đức đã có manh mối và tìm được cha người Việt sau gần 30 năm mất liên lạc.

Năm 1980, Lê Đại Phong (quê Thanh Hóa) được cử sang Đức học nghề tại Dresden. Chỉ vài tháng làm việc trong nhà máy gặt đập liên hoàn, chàng trai người Việt yêu cô gái ở cùng cư xá tên Anke Weiland, đến từ thị trấn Anklam. Đôi trẻ đã làm lễ đính hôn trong nhà thờ.

Kết thúc khóa học, Phong được lệnh về nước làm việc. Dù biết người yêu đã mang giọt máu của mình nhưng cuối năm 1983, Phong đành rời nước Đức. Đầu năm 1984, Anke sinh con trai, lấy họ mẹ, tên là Michel Weiland.

timcha2-6702-1393812059.jpg

Bức ảnh Michel hiện nay (bên trái) và hình ảnh ông Lê Đại Phong thời trẻ (bên phải) cùng thông tin anh tìm cha được đăng tải. Ảnh: Facebook Thanh Hóa

Lớn lên, Michel bắt đầu hỏi mẹ về người cha chưa bao giờ gặp mặt và khao khát tìm ra nguồn cội của mình. Năm 1998, Michel khi ấy 14 tuổi bắt đầu công cuộc đi tìm cha qua bức ảnh ông thời trẻ. Thông tin duy nhất anh có được từ mẹ là "Bố tên Lê Đại Phong. Trước năm 1980 làm việc tại Bệnh viện chống lao Thanh Hóa. Năm 1980-1982 sang Đức học nghề tại Dresden".

Chưa từng gặp nhưng Michel vẫn vô cùng yêu quý cha, lúc nào cũng mang bên mình bức ảnh thời trai của ông Phong. Để Michel hình dung về đất nước Việt Nam, một người bạn của anh vẽ tấm bản đồ đơn sơ, chỉ có năm địa danh là Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Huế và Sài Gòn. Trong đó, Thanh Hóa quê hương của người cha được khoanh tròn.

Anh lục tìm thông tin từ những bạn bè cũ của cha mẹ nhưng không ai còn liên lạc với ông Phong. Michel từng đăng tin trên Đài truyền hình RTL của Đức nhưng không có kết quả. Mang nỗi niềm kể cho bạn bè người Việt sinh sống tại Đức, Michel được họ giúp đỡ bằng cách truyền tin cho nhau. Bà Ngọc Điệp, Việt kiều sống ở Halle, đã quyết tâm giúp chàng trai đoàn tụ với gia đình.

Cuối năm 2013, nhân chuyến công tác về Việt Nam, bà Điệp mang luôn tập tài liệu tìm cha của Michel. Bà nhớ ánh mắt đăm chiêu và câu nói chưa sõi tiếng Việt của Michel "Cô về nước tìm cha giúp cháu, để cháu được gặp cha một lần".

timcha3-1896-1393812059.jpg

Bản đồ Việt Nam mà Michel nhờ người vẽ để tìm cha. Ảnh: Lê Hoàng chụp lại

Lần theo nhiều đầu mối để tìm ông Phong nhưng cuộc tìm kiếm của bà Điệp rơi vào ngõ cụt. Cuối cùng, nữ Việt kiều nhờ con gái nuôi ở Việt Nam giúp đăng tin lên Fanpage Thanh Hóa. Hơn 2 tiếng sau, bà nhận được thông tin cho biết ông Phong đang sống ở quê nhà và được giúp liên hệ với ông.

Khi bà Điệp thông báo tin vui, Michel hỏi đi hỏi lại nhiều lần đó có đúng là cha mình không. Chàng trai người Đức bật khóc vì hạnh phúc.

Cô gái Nguyễn Thị Thiên Trang (đang học ĐH Quốc gia Hà Nội) trở thành một trong những mắt xích giúp cha con Michel đoàn tụ. Đọc tin trên Facebook, cô mang câu chuyện Michel tìm cha kể cho bác ruột là Nguyễn Thị Hằng Thu nghe, bởi bà từng làm việc tại Đức. "Bác đang ăn cơm vội vàng bỏ hết để chạy đi tìm danh bạ, dò hỏi thông tin từ bạn bè cùng sống tại Dresden trong khoảng thời gian từ năm 1980 đến 1984", Trang kể.

May thay, hàng xóm nhà Trang lại chơi rất thân với ông Phong hồi ở bên Đức. Hai người vẫn giữ liên lạc với nhau. Khi Trang đưa tấm ảnh ông Phong hồi còn trẻ, người hàng xóm nhớ ra ngay chuyện tình của người bạn và cô gái Anke.

2-6863-1393812059.jpg

Mỗi ngày, ông Lê Đại Phong đều mang ảnh Michel lúc 8 tháng tuổi ra ngắm nghía và đếm từng ngày được gặp lại con. Ảnh: Lê Hoàng

Xác nhận thông tin gần như trùng khớp 100%, Trang lại băn khoăn liệu ông Phong có muốn nhận lại người con thất lạc của mình hay không. Sau khi được bạn cho xem ảnh Michel, ông Lê Đại Phong sững sờ đến bật khóc.

Ở tuổi 53, ông Phong bảo niềm vui tìm được con đến bất ngờ tựa như mơ, ông đã có cái Tết vui nhất trong hơn 30 năm qua. Người thân, bạn bè kéo đến ngôi nhà nhỏ ở phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa, chia vui khi biết tin ông tìm thấy con. "Nhiều năm qua, gia đình tôi luôn trăn trở một nỗi niềm bằng mọi giá phải tìm được đứa con ngoại quốc. Nhưng vì nhiều lý do, tâm nguyện ấy chưa thể thực hiện", ông tâm sự.

Hồi tưởng quá khứ hơn 30 năm trước, ông Phong kể: "Ngày từ biệt, chúng tôi đứng ở sân bay, bịn rịn chẳng muốn đi và hẹn nhau ngày gặp lại". Thời gian đầu, hai người thường thư từ cho nhau. Nhưng rồi khoảng cách xa xôi khiến mối liên lạc ngắt quãng. Về nước lập nghiệp, kinh tế khó khăn khiến ông Phong không thực hiện được lời hứa sum họp với người yêu. Thời gian sau, ông lập gia đình với một phụ nữ cùng quê, có với nhau ba cô con gái.

Năm 1984, Anke gửi cho ông bức thư cuối cùng có kèm hình một bé trai. Phía sau tấm ảnh có lời đề tựa ngắn ngủi bằng tiếng Đức: "Phong thân yêu. Đây là con trai của anh lúc nó 8 tháng tuổi". Bà Anke biết người yêu đã lập gia đình ở Việt Nam nên chúc ông hạnh phúc và thông báo sẽ lấy chồng bên Hungary. Từ đó, hai người đứt hẳn liên lạc.

Bức hình Michel được người cha thân sinh của ông Phong cất cẩn thận. Những ngày cuối đời, ông cụ đưa cho vợ ông Phong với lời dặn dò: "Sau này có điều kiện, phải tìm bằng được đứa cháu nội đang thất lạc phương xa". Lời trăn trối của người cha quá cố khiến ông Phong và vợ luôn day dứt.

Ở nước Đức xa xôi, Michel không hề biết người cha cũng đang âm thầm tìm kiếm mình. Không có điều kiện sang Đức tìm con, ông Phong nhờ con gái đăng tin trên phương tiện truyền thông và các diễn đàn nhưng vẫn bặt tin. Cuối năm 2013, ông Phong được người bạn báo có thông tin Michel đang tìm ông trên Facebook.

timcha1-4423-1393812060.jpg

Bà Ngọc Điệp trao cho Michel Weiland món quà là những chiếc dreamcatcher của các em gái gửi từ Việt Nam sang. Ảnh: NVCC

Ngay chiều hôm đó, nhờ bà Ngọc Điệp kết nối liên lạc, ông được nói chuyện với Michel. Hai cha con tâm sự rất lâu bằng tiếng Đức. Cuộc trò chuyện xúc động rưng rưng và cả hai đều không muốn cúp máy. Kết thúc cuộc trò chuyện ông bật khóc: "Cha nhớ con lắm, con trai của cha ạ".

Michel hẹn ngày 17-4 sẽ sang Việt Nam hội ngộ với người cha sau hơn 30 năm xa cách. Anh đang học thêm tiếng Việt để dễ dàng giao tiếp với người thân. Ông Phong dự định sẽ đưa con đi thăm họ hàng, sau đó cả gia đình sẽ đi nghỉ ở Hạ Long. Ba con gái của ông đều giỏi ngoại ngữ nên thường xuyên nhắn tin, gọi điện cho anh trai Michel.

Từ khi biết chồng tìm được con riêng, bà Nguyễn Thị Xuân như trút được gánh nặng trong lòng: "Tôi biết rõ quá khứ của chồng nhưng chấp nhận kết hôn. Chúng tôi đến với nhau cũng vì tình yêu nên có thể gạt bỏ tất cả". Bà kể, ngày nào cũng thắp hương cầu nguyện hương hồn ông nội linh thiêng phù hộ cho chồng tìm được con. Giờ ngày đó đã đến, tâm nguyện của ông cụ cũng như cả gia đình đã thành hiện thực. Ngày Michel sang Việt Nam, bà sẽ ra sân bay đón và đưa cậu về quê nhà.

HOÀNG PHƯƠNG - LÊ HOÀNG  (VnE)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chàng trai người Đức tìm được cha Việt nhờ Facebook