Chăn nuôi gia cầm an toàn theo quy trình VIETGAHP đang mở ra hướngđi mới cho ngành chăn nuôi, cần được nhân rộng ra các vùng nông thôn nhằm góp phần tích cực thực hiện chủ trương chuyển đổicơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Trang trại chăn nuôi tập trung theo quy trình chăn nuôi gia cầm an toàn tại Việt Nam (VIETGAHP) của anh Nguyễn Xuân Đại ở thôn Trại Mai, xã Tân Trường (Cẩm Giàng) rộng gần 2 ha, với 15 nghìn con gà. Anh Đại cho biết, để chăn nuôi gà tập trung theo quy trình VIETGAHP phải thực hiện 12 bước như lựa chọn địa điểm, thiết kế, xây dựng chuồng trại, khu chăn nuôi; quản lý con giống, nguyên liệu thức ăn, nước uống và nước vệ sinh; quản lý dịch bệnh; bảo quản thuốc thú y; bảo quản chất thải và bảo vệ môi trường; kiểm soát côn trùng, loại gặm nhấm và động vật khác; quản lý nhân sự cũng như ghi chép hồ sơ truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm...
Theo kỹ sư Nguyễn Văn Thăng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng, để chăn nuôi gà tập trung theo quy trình VIETGAHP có hiệu quả, huyện đã chọn các hộ có đủ tiêu chuẩn về chuồng trại, vệ sinh môi trường, có kinh nghiệm chăn nuôi gia cầm, tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi và có đủ tiềm lực về kinh tế để thực hiện đúng quy trình. Các hộ chăn nuôi theo quy trình VIETGAHP được hỗ trợ 50% tiền mua giống; hỗ trợ một phần thức ăn, thuốc thú y và một số vật tư quan trọng khác. Việc lựa chọn giống rất quan trọng, huyện đã phối hợp với Công ty CP Việt Nam cung cấp giống gà CP 707, với Công ty Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cung cấp giống gà ROSS 308 cho các hộ chăn nuôi. Đây là các giống gà cho năng suất và chất lượng thịt, trứng cao, thời gian nuôi ngắn, tăng trọng nhanh, tiêu tốn ít thức ăn, kháng bệnh tốt, có khả năng thích nghi cao với điều kiện môi trường. Đến nay, trên địa bàn huyện Cẩm Giàng có 10 hộ chăn nuôi hai giống gà CP707 và ROSS 308, đều thực hiện theo quy trình VIETGAHP. Thực hiện quy trình này, người chăn nuôi phải bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật như mật độ gà nuôi nhốt trong chuồng trại phải được áp dụng kỹ thuật kiểu chuồng kín (chuồng lạnh) có hệ thống quạt thông gió và điều kiện nhiệt độ, nhằm thông thoáng tự nhiên và vệ sinh, an toàn dịch bệnh. Tiến hành xử lý chuồng trại trước khi đưa giống vào nuôi từ 15 đến 20 ngày và khử trùng tiêu độc bằng thuốc sát trùng Foocmol 2%, Virkon... nền, tường, trần, xung quanh chuồng trại, các dụng cụ chăn nuôi như máng ăn, máng uống, phương tiện vận chuyển, phát quang cây cối xung quanh chuồng trại. Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc con giống, có giấy kiểm dịch động vật, tiêm phòng vắc-xin để bảo đảm con giống đưa vào sản xuất khỏe mạnh và đạt chất lượng cao. Theo dõi, phát hiện kịp thời những tác động của môi trường và tình hình dịch bệnh để khống chế và xử lý kịp thời khi có dịch bệnh. Chủ động ứng dụng công nghệ EM, hầm bi-ô-ga để gia cầm chóng lớn, giảm tỷ lệ chết và bảo vệ môi trường. Các hộ đã chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào xây dựng chuồng trại đúng quy cách, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ và đúng lịch, xây dựng và duy trì bảo đảm an toàn sinh học... qua đó, đã giảm được giá thành, tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Chăn nuôi gia cầm an toàn theo quy trình VIETGAHP đang mở ra một hướng đi mới cho ngành chăn nuôi, cần được nhân rộng ra các vùng nông thôn trong tỉnh. Qua đó, góp phần tích cực thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống nông dân, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn.
PHẠM NINH HẢI
(Sở Khoa học và Công nghệ)