Chăn nuôi đe dọa môi trường nông thôn

07/06/2017 06:13

Chất thải không được xử lý triệt để khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều làng quê ở mức báo động, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và sinh hoạt của người dân.



Chất thải trong chăn nuôi ngày càng đe dọa môi trường khu vực nông thôn


Chăn nuôi tự phát với quy mô ngày càng lớn, trong khi chất thải không được xử lý triệt để khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều làng quê hiện nay đang ở mức báo động, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và sinh hoạt của người dân.

Hơn 10 năm nay, các hộ dân ở xóm 4, thôn Thanh Liên, xã Cộng Hòa (Kim Thành) luôn phải sống trong bầu không khí ngột ngạt do chăn nuôi lợn trong khu dân cư. Ba hộ nuôi lợn đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân nơi đây. Chất thải chăn nuôi được ủ để sử dụng cho sản xuất nông nghiệp, trong khi nước thải chưa qua xử lý xả trực tiếp ra hệ thống thoát nước chung của xóm. Những ngày nắng nóng, chất thải phân hủy nhanh, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Các rãnh thoát nước ứ đọng, đen kịt, là nơi trú ngụ của ruồi, nhặng. Còn ngày mưa, nước thải chảy ra đường, chất thải nổi lềnh phềnh. Để khắc phục, các hộ phải đóng góp kinh phí khơi thông cống rãnh. Một số nhà sát vách chuồng trại phải xây tường cao, bịt kín để hạn chế mùi khó chịu nhưng vẫn không tránh được mùi. Thực trạng này tồn tại dai dẳng, gây bức xúc trong nhân dân, dẫn tới mâu thuẫn nội bộ, chia rẽ đoàn kết giữa các hộ trong xóm.

Nhà bà Ngô Thị Lý ở thôn Vạn Tuế, xã Tân Việt (Thanh Hà) nằm cách chuồng trại nuôi lợn của gia đình anh Bùi Văn Nam chưa đầy 100 m. Bà cho biết: “Mỗi khi có gió bấc, tôi phải đóng kín cửa vì khó thở. Nước thải sau khi vệ sinh chuồng được  xả thẳng vào mương tưới tiêu, dễ phát sinh bệnh truyền nhiễm nên ai cũng lo lắng, nhất là những gia đình có người già và trẻ nhỏ". Sau nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương, anh Nam cũng xây hầm biogas. Tuy nhiên, do lượng chất thải hằng ngày vượt quá dung tích hầm nên hiệu quả không cao.

Không chỉ đầu độc sức khỏe người dân, chất thải chăn nuôi còn gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo ông Trần Duy Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, chất thải chăn nuôi là một trong những nguyên nhân khiến  nước tưới trong hệ thống kênh mương không bảo đảm tiêu chuẩn. Kết quả quan trắc môi trường nước tại một số tuyến kênh chính những năm gần đây cho thấy hầu hết các thông số kỹ thuật để đánh giá mức độ an toàn, chất lượng nguồn nước đều không đạt quy chuẩn cho phép. Việc tiếp nhận nước thải liên tục trong khi dòng chảy lưu thông chậm khiến chất thải tích tụ, nguồn nước mặt của các tuyến kênh không được thau rửa thường xuyên nên ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn phát triển nhanh chóng. Chăn nuôi trong thôn xóm, khu dân cư có xu hướng giảm nhưng quy mô lại được mở rộng. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 530 trang trại chăn nuôi, trong đó có 374 trang trại chăn nuôi lợn. Có hơn 5.000 gia trại lợn có quy mô từ 30-50 con, chiếm gần 30% tổng số đàn lợn. Ô nhiễm môi trường chủ yếu phát sinh ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đa số hộ nuôi đều ít quan tâm xây dựng công trình bảo vệ môi trường, vẫn giữ thói quen sản xuất cũ, tạo ra sức ép lớn với môi trường nông thôn. Hệ sinh thái tự nhiên đang dần bị hủy hoại. Trước thực trạng này, sở đã xây dựng đề án phát triển khu chăn nuôi tập trung, di chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư. Tuy nhiên kết quả thực hiện không mấy khả quan.

Chăn nuôi làm ảnh hưởng đến môi trường đang là thách thức chung và ngày càng cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc thực sự của chính quyền các cấp. Trong thời gian tới, các cấp, các ngành liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi. Khuyến khích áp dụng các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm môi trường và sử dụng công nghệ sạch trong chăn nuôi phải được coi là giải pháp lâu dài, bền vững để hướng tới một ngành chăn nuôi "xanh", bảo đảm hiệu quả kinh tế và sức khỏe của người dân.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chăn nuôi đe dọa môi trường nông thôn