Tình trạng thừa lúa gạo thiếu TACN đã kéo dài hàng chục năm qua và ngày càng trầm trọng nhưng ngành nông nghiệp vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào để giải quyết.
Nhập khẩu TACN = xuất khẩu gạo + 1 tỉ USD
Với trại heo quy mô trên 1.000 con, ông Trần Quang Trung (Thống Nhất, Đồng Nai) mỗi ngày dùng hết 2 tấn TACN các loại, trong đó có đến 80% là từ nguyên liệu nhập khẩu. “Đậu nành và các loại axit amin phải nhập khẩu 100%, bắp và bột cá thì một nửa trong nước một nửa nhập khẩu” - ông Trung cho biết.
Cơ cấu TACN của trang trại ông Trung là điển hình cho cả ngành sản xuất TACN của VN với trên 70% nguyên liệu phải nhập khẩu, chỉ có 30% là nguồn cung từ trong nước. Dù biết rằng trong nước cũng có bắp, bột cá, cám gạo... nhưng các chủ trại chăn nuôi vẫn thích sử dụng nguyên liệu ngoại nhập vì giá cả ổn định hơn hàng trong nước.
Năm 2013, theo số liệu của Bộ NN&PTNT, nhập khẩu TACN và các loại nguyên liệu tiếp tục tăng mạnh. Chỉ riêng TACN, VN đã phải bỏ ra 3 tỉ USD để nhập khẩu, nhiều hơn 50 triệu USD so với xuất khẩu gạo của cả năm qua. Nếu tính cả lượng nhập khẩu bắp, đậu nành và lúa mì (phần dành cho chế biến TACN), VN đã chi ra trên 4 tỉ USD.
Cụ thể, ngoài TACN thành phẩm, năm 2013 VN nhập khẩu 1,39 triệu tấn đậu nành (kim ngạch 834 triệu USD), 2,26 triệu tấn bắp (690 triệu USD) và 1,71 triệu tấn lúa mì (584 triệu USD), tăng rất mạnh so với năm 2012. Cũng theo nguồn tin này, chỉ riêng trong tháng 1-2014, VN đã nhập khẩu tới 582.000 tấn bắp trị giá 150 triệu USD, tăng gấp 6 lần về lượng và 4,6 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Theo ông Phạm Đức Bình - phó chủ tịch Hiệp hội TACN VN, 100% bắp nhập về dùng cho sản xuất TACN, đậu nành hạt nhập về để ép lấy dầu, còn 80% bã dùng cho chăn nuôi. Riêng với lúa mì, khoảng 20% sản lượng lúa mì nhập khẩu phục vụ ngành chăn nuôi. “VN chỉ chủ động được nguồn cám gạo, khoai mì, còn lại phụ thuộc hết vào nhập khẩu” - ông Bình cho biết.
Thiếu chính sách
Ông Lê Bá Lịch, chủ tịch Hiệp hội TACN VN, cho hay việc phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nước ngoài là hệ quả của chính sách phát triển nông nghiệp lệch lạc kéo dài 20 năm qua. Hậu quả là gần 100% nguyên liệu thức ăn cho heo, gà phải nhập khẩu, không có đồng cỏ để nuôi bò nên VN phải nhập khẩu sữa, bò thịt từ nước ngoài.
“Ngay từ khi còn làm ở Cục Chăn nuôi, tôi đã cảnh báo nên thay đổi tư duy chỉ tập trung vào trồng lúa mà chuyển sang cả trồng nguyên liệu cho ngành chăn nuôi, bởi ngành này phát triển rất nhanh khi kinh tế đi lên” - ông Lịch cho biết.
Việc nhập khẩu đã diễn ra trong nhiều năm qua nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn không có biện pháp gì để hạn chế, dù tiềm năng sản xuất trong nước rất lớn. Theo Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), hiện cây đậu nành có khả năng cạnh tranh thấp nhất trong các loại cây trồng tại VN. Diện tích cây trồng này từ trên 300.000ha đến nay chỉ còn trên 100.000ha và đang tiếp tục giảm tại nhiều địa phương do năng suất thấp.
Theo ông Lê Bá Lịch, VN hoàn toàn có thể tăng nguồn cung bắp, đậu nành nếu như có chiến lược phát triển vùng nguyên liệu TACN trong nước. Đã có nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh chuyển đổi những diện tích lúa kém năng suất, lúa vụ ba sang trồng bắp, đậu nành để giảm áp lực tiêu thụ lúa gạo, tăng nguồn cung cho ngành sản xuất TACN.
Nhập khẩu TACN và nguyên liệu chính trong năm 2013
Khối lượng (triệu tấn) | Giá trị (triệu USD) | |
TACN và nguyên liệu | 3,078 | |
Lúa mì | 1,816 | 619 |
Bắp | 2,19 | 675 |
Ðậu nành | 1,3 | 785 |
Nên tập trung đầu tư cho cây bắp, đậu nành GS.TS Henry T. Nguyễn (giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học đậu nành quốc gia Đại học Missouri, Mỹ) cho rằng, trong một thời gian dài, VN tập trung nguồn lực vào cây lúa nên giờ đây năng suất bắp và đậu nành xuống rất thấp, khó có thể cạnh tranh được với các cây trồng khác. Nhưng đây cũng là cơ hội cho VN cải thiện tình hình này nếu như đầu tư xứng đáng cho nghiên cứu cải tạo giống các loại cây trồng kể trên. “Từ nước thiếu lương thực, VN đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhờ đầu tư vào lúa gạo. Nếu tập trung đầu tư vào cây đậu nành thì việc nâng năng suất lên gấp 2-3 lần hiện nay là điều hoàn toàn khả thi” - GS Henry T. Nguyễn cho biết. |
TRẦN MẠNH(Tuổi trẻ)