Nhiều sản phẩm gia công đơn giản nhưng gắn nhãn xuất xứ “made in Vietnam” khiến người tiêu dùng bị thiệt hại, trong khi cơ quan chức năng gặp khó trong quản lý do những bất cập phát sinh...
Doanh nghiệp đề nghị làm rõ hàng hóa Việt Nam hoặc sản xuất tại VN. Trong ảnh: khâu kéo sợi để sản xuất vải
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Công thương, thừa nhận như vậy tại hội thảo xin ý kiến về dự thảo thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của VN hoặc sản xuất tại VN, do Bộ Công thương tổ chức ngày 25.9.
Thế nào là hàng sản xuất tại Việt Nam?
Phát biểu tại hội thảo, một đại diện của Tập đoàn Toto Việt Nam - chuyên sản xuất sản phẩm sứ vệ sinh - cho rằng cần làm rõ hơn khái niệm về sản xuất "đơn giản" vì quy định trong dự thảo chưa rõ ràng.
"Dự thảo định nghĩa sản xuất giản đơn là "hoạt động không cần sử dụng các kỹ năng đặc biệt, máy móc, dây chuyền hoặc các thiết bị chuyên dụng", nhưng "máy móc chuyên dụng được hiểu là thế nào?", cần được làm rõ hơn" - vị này đề nghị.
Ngoài ra, vị này cũng đặt câu hỏi với những sản phẩm vừa xuất khẩu vừa tiêu thụ nội địa, theo quy định khi xin giấy chứng nhận xuất xứ với hàng hóa xuất khẩu được chứng nhận là hàng "made in Vietnam". Nếu hàng hóa đó được tiêu thụ nội địa có được dán nhãn "made in Vietnam" hay không?
Đại diện của Tập đoàn Hòa Phát lại băn khoăn về công thức tính hàm lượng giá trị đối với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy để làm cơ sở xác định là hàng VN, không biết tính giá trị thế nào. Đơn cử với hàng nội thất, điện lạnh dù mua nguyên liệu trong nước nhưng cũng "không rõ" nguồn gốc nguyên liệu đó có phải là hàng Việt Nam không và doanh nghiệp có thể dựa trên tài liệu nào để căn cứ xác định giá trị?
"Cần phải có hóa đơn giá trị gia tăng hay giấy tờ nào, bởi mua bulông, ốc vít rồi nhựa làm nguyên liệu sản xuất hàng nội thất, điện lạnh thì xác định xuất xứ rất khó" - vị này nói. Đồng thời đề nghị được cơ quan chức năng cho cấp một chứng nhận hàng Việt để tránh trường hợp bị "bắt lỗi" vì không ghi đúng xuất xứ hàng hóa.
Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại của VCCI, cũng cho rằng việc đưa ra quy định ghi nhãn, xuất xứ hàng hóa với hàng tiêu dùng nội địa là cần thiết.
Tuy nhiên, do chưa có khái niệm thế nào là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nên việc xác định thế nào là hàng hóa sản xuất tại VN cần được làm rõ hơn. Chưa kể, dự thảo thông tư này cũng có nhiều quy định trùng lắp với thông tư 05 quy định việc xác định xuất xứ với hàng xuất khẩu.
Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh giải thích các quy định trong dự thảo thông tư về ghi xuất xứ hàng hóa
Loại bỏ hàng "sơ chế" gắn mác hàng Việt
Theo ông Trần Quốc Khánh, do chưa có quy định gắn nhãn sản phẩm với hàng hóa lưu thông trong nước khiến nhiều tổ chức, cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác xuất xứ hàng hóa. Cơ quan chức năng cũng lúng túng trong quản lý.
"Có những sản phẩm chỉ trải qua công đoạn gia công đơn giản nhưng gắn nhãn xuất xứ nhãn mác ''made in Vietnam'' khiến người tiêu dùng bị thiệt và cơ quan chức năng không có cơ sở quản lý" - ông Khánh nói và cho rằng việc ban hành quy định như thế nào là hàng hóa VN và dán nhãn hàng hóa là cần thiết.
Khẳng định việc dán nhãn hàng hóa theo quy định tại dự thảo không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp, ông Khánh cho biết yêu cầu ghi nhãn được ban hành từ lâu chứ không phải yêu cầu mới.
Và sau khi thông tư này được ban hành, doanh nghiệp sẽ có cơ sở để ghi chính xác nhất về nhãn hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, tránh nguy cơ bị cáo buộc gian lận xuất xứ, giảm rủi ro kiện tụng gây mất uy tín từ người tiêu dùng, loại bỏ dần hàng nhập khẩu nhập nhèm đội lốt hàng Việt Nam.
Cũng theo ông Khánh, dù dự thảo thông tư này gần như trùng hoàn toàn với thông tư 05 của Bộ Công thương với hàng hóa xuất khẩu nhưng không thể lồng ghép, bởi hàng hóa xuất khẩu và lưu thông trong nước có khác biệt nhất định.
Trong khi đó, sản phẩm hàng hóa xuất khẩu đáp ứng yêu cầu ghi nhãn là hàng hóa VN cũng không có nghĩa đương nhiên được phép ghi là hàng "made in Vietnam" nếu hàng hóa đó được tiêu dùng nội địa.
"Với trường hợp những sản phẩm chế biến không làm thay đổi căn bản bản chất sản phẩm hàng hóa, không chứng minh được phát minh hay sáng chế cũng không đạt được yêu cầu về chứng nhận xuất xứ hàng VN. Đối với trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng được mức tỉ lệ nội địa hóa 30% thì doanh nghiệp có thể áp dụng theo nghị định 43 về ghi nhãn hàng hóa theo hiểu biết của doanh nghiệp và tự chịu trách nhiệm về việc ghi nhãn" - ông Khánh nói.
Tiếp thu một số ý kiến đóng góp, ông Khánh cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hình thức văn bản bởi có những vấn đề vượt thẩm quyền của thông tư. "Nhóm soạn thảo đã đề xuất xây dựng văn bản này dưới hình thức nghị định nhưng không được, bởi nghị định phải hướng dẫn từ luật, mà hiện nay không có luật nào quy định về hàng hóa sản xuất tại Việt Nam" - ông Khánh cho biết.
Không thể ban hành dưới hình thức thông tư? Đại diện Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế của Bộ Tư pháp cho rằng dự thảo thông tư chứa đựng những quy định về yêu cầu, tiêu chí để sản phẩm, hàng hóa được xác định là hàng hóa của Việt Nam, tức là chứa đựng những quy định về điều kiện. Và theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, văn bản này không thể ban hành dưới hình thức thông tư mà phải dưới hình thức nghị định. Chưa kể, một số nội dung trong dự thảo thông tư, theo Bộ Tư pháp, là trùng lắp và "sao chép" nhiều quy định của Nghị định 31/2018 quy định chi tiết Luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Đơn cử như việc giải thích từ ngữ với các nội dung trong dự thảo, các vấn đề liên quan đến lắp ráp giản đơn... hoặc một số thuật ngữ có cách gọi chưa thống nhất như khái niệm hàm lượng giá trị gia tăng... |
Theo Tuổi trẻ