Hiện nay, mỗi năm nước ta có khoảng 200 nghìn người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và 80% trong số đó đã phát hiện ra bệnh khi bệnh đã ở giai đoạn cuối.
Những bệnh nhân ung thư này đều phải chịu đựng những đau đớn nặng nề, giày vò cả về thể xác lẫn tinh thần.
Do vậy chăm sóc giảm nhẹ đau đớn cho bệnh nhân ung thư tại cộng đồng là vấn đề quan trọng được đặt ra. Việc chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư thường được thực hiện tại nhà bởi các thành viên trong gia đình với sự giúp đỡ và đào tạo bởi các điều dưỡng, nhân viên y tế cộng đồng và những người tình nguyện. Ngoài ra còn có vai trò của các phòng khám ngoại trú hoặc trạm y tế cơ sở: Kê đơn thuốc giảm đau và những thuốc cần thiết khác; thỉnh thoảng khám cho những bệnh nhân có thể đi lại được và đến được phòng khám, đào tạo và hỗ trợ tâm lý xã hội cho gia đình…
Theo Bộ Y tế, chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư và AIDS là sự kết hợp nhiều biện pháp để làm giảm sự đau khổ và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh thông qua sự phòng ngừa, phát hiện sớm, điều trị đau cùng những vấn đề tâm lý và thực thể khác. Đồng thời, cung cấp sự tư vấn và hỗ trợ tập trung vào những vấn đề xã hội và tâm linh mà bệnh nhân và gia đình đang phải gánh chịu. Đối với những người mắc những bệnh đe dọa cuộc sống, cần phải áp dụng những nguyên tắc về chăm sóc giảm nhẹ ngay từ khi chẩn đoán bệnh cho đến cuối đời và hỗ trợ người nhà sau khi người bệnh qua đời. Mục đích cuối cùng là giúp người bệnh đối phó lại sự chịu đựng đau đớn bằng cách phòng ngừa và làm giảm nó ở mọi dạng, nâng cao tối đa chất lượng cuộc sống…
Các nguyên tắc về chăm sóc giảm nhẹ:
Sau đây là một số nguyên tắc cơ bản trong việc chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư tại cộng đồng:
- Giúp cho người bệnh thoát khỏi cơn đau và các triệu chứng khó chịu khác.
- Tăng cường tuân thủ điều trị và làm giảm các tác dụng phụ của thuốc.
- Khẳng định chất lượng cuộc sống, coi cái chết là một quá trình tất yếu.
- Không cố ý thúc đẩy hoặc trì hoãn cái chết của người bệnh.
- Quan tâm và lồng ghép chăm sóc các vấn đề về tâm lý xã hội và tinh thần cho người bệnh.
- Cố gắng giúp người bệnh có một cuộc sống tích cực, độc lập một cách tối đa cho đến cuối đời, nâng cao tính tự chủ cũng như các kỹ năng và kiến thức tự chăm sóc của người bệnh và gia đình.
- Hỗ trợ giúp gia đình người bệnh giải quyết những khó khăn, kể cả khi người bệnh qua đời.
- Lấy người bệnh là trung tâm, làm việc theo nhóm chăm sóc đa thành phần, bao gồm cả người có chuyên môn và không chuyên nhằm giải quyết toàn diện các nhu cầu về thể chất, tâm lý xã hội của người bệnh và gia đình họ.
- Giúp người bệnh sớm được tiếp cận với các phương pháp điều trị đặc hiệu khác (như hoá xạ trị liệu) nhằm kéo dài cuộc sống cho người bệnh. Động viên, hỗ trợ về tinh thần cho người bệnh, giúp họ hiểu rõ hơn về các diễn biến bệnh, các biến chứng và tác dụng phụ trong quá trình điều trị.
(Theo Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh)