Chăm lo tài sản xã hội: Bài 1: Tiếp sức người lao động

01/05/2022 05:43

Xác định rõ vai trò quan trọng của lực lượng lao động trong phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, tỉnh Hải Dương đã thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống của công nhân, người lao động.


Nhiều lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 đã được Bảo hiểm Xã hội tỉnh hướng dẫn hoàn thiện thủ tục để sớm nhận được tiền hỗ trợ

Chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã thể hiện tinh thần nhân văn “không để ai bị bỏ lại phía sau” của Đảng và Nhà nước ta. Nhờ có những chính sách hỗ trợ mà NLĐ đã vơi bớt khó khăn vì dịch bệnh, yên tâm lao động, sản xuất.

Kịp thời

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hải Dương ví những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, nhất là Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 như chiếc “phao cứu sinh” đối với NLĐ và người sử dụng lao động. Theo bà Hương, đã là “phao cứu sinh” thì phải được thực hiện nhanh chóng, kịp thời. Là một trong những địa phương có số người được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 nhiều của tỉnh, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm nên đã yêu cầu cán bộ, nhân viên tập trung triển khai nhanh các thủ tục. “Thủ tục nhiều, cán bộ lại ít. Nhưng để tiền hỗ trợ sớm đến tay NLĐ, chúng tôi làm việc cả ngày nghỉ. Chúng tôi nghĩ chừng nào tiền hỗ trợ chưa đến tay NLĐ thì chưa thể hoàn thành nhiệm vụ”, bà Hương chia sẻ.

Để hỗ trợ người dân, nhất là NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kịp thời, đúng đối tượng, không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, UBND tỉnh đã sớm ban hành hàng loạt các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, thống kê và xác định các đối tượng hỗ trợ, tránh trùng lặp. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có vai trò chủ trì thực hiện các chương trình hỗ trợ cũng đã sớm tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai nhanh các gói hỗ trợ...

Nghị quyết 68 gồm 12 chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì phần lớn hướng về NLĐ. Sau gần 1năm triển khai, đến nay tỉnh đã cơ bản chi trả xong tiền hỗ trợ cho NLĐ. Toàn tỉnh đã có gần 400.000 người gặp khó khăn do dịch Covid-19 được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 150 tỷ đồng. Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP về hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, toàn tỉnh đã có hơn 300.000 người được nhận tiền từ quỹ này với mức hỗ trợ từ 1,8-3,3 triệu đồng/người. Ngoài ra, còn có hơn 5.800 đơn vị được giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0% với tổng số tiền hơn 102 tỷ đồng. Đến nay, việc chi trả hỗ trợ theo các nghị quyết trên cơ bản đúng đối tượng.

Theo ông Bùi Thanh Tùng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, không chỉ các Nghị quyết 68 và 116, gần đây Nhà nước còn ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cho NLĐ. Đầu tháng 4 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ và sắp tới là tăng lương tối thiểu vùng. Đây cũng là những chính sách cần thiết giúp NLĐ vượt qua khó khăn do dịch bệnh, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với NLĐ, coi họ là động lực để nền kinh tế phát triển trong thời gian tới.

Người lao động phấn khởi

Chỉ sau hơn 1 tuần thực hiện các thủ tục để hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, anh Nguyễn Văn Ngọc ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương) làm nghề xe ôm đã nhận được tiền. Anh Ngọc chia sẻ: "Vợ tôi là công nhân thời vụ, bữa làm, bữa nghỉ do dịch Covid-19 nên lương tháng chẳng được bao nhiêu. Bản thân tôi có khi cả tháng không kiếm được đồng nào vì dịch bệnh người dân ít thuê xe ôm đi lại. Số tiền hỗ trợ tuy chưa nhiều nhưng đó là sự quan tâm, động viên, chia sẻ kịp thời của Nhà nước đối với NLĐ khó khăn".

Chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (Nghị quyết 116) cũng đã giúp nhiều NLĐ, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ông Phan Nhật Minh, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh cho biết nhiều NLĐ bị mất việc làm do doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã nhận được tiền hỗ trợ kịp thời từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Quy trình làm thủ tục để nhận tiền hỗ trợ dễ dàng, nhanh gọn qua điện thoại nên NLĐ không gặp nhiều khó khăn. Nhờ số tiền hỗ trợ này đã hạn chế được phần nào tư tưởng rút bảo hiểm xã hội một lần của NLĐ.

"Một miếng khi đói bằng một gói khi no", những chính sách hỗ trợ kịp thời trên giúp nhiều NLĐ gặp khó khăn vượt qua đại dịch, góp phần sớm phục hồi nền kinh tế đất nước, tiếp tục nâng cao niềm tin trong nhân dân.

Theo tổng hợp của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hơn 2 năm qua, đã có khoảng 70 chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp của các bộ, ngành và Chính phủ được triển khai thực hiện. Trong đó đáng chú ý có 3 gói hỗ trợ an sinh lớn theo Nghị quyết 42 của Chính phủ với tổng kinh phí khoảng 62.000 tỷ đồng; gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 với tổng số tiền 26.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ theo Nghị quyết 116 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với kinh phí 38.000 tỷ đồng. Các chính sách được triển khai trong một thời gian ngắn, thủ tục hỗ trợ nhanh gọn để kịp thời đáp ứng các yêu cầu cấp bách của người lao động.

HẢI MINH

------------
Bài 2: Khi doanh nghiệp là nhà

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chăm lo tài sản xã hội: Bài 1: Tiếp sức người lao động