Chậm giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản ảnh hưởng đến công tác điều hành ngân sách và tiến độ xây dựng nhiều công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Do vướng điều chỉnh tổng mức đầu tư nên Kho bạc Nhà nước tỉnh chưa thể giải ngân nguồn vốn
trái phiếu Chính phủ gần 26,3 tỷ đồng cho dự án xây dựng Bệnh viện Nhi Hải Dương
Đến hết tháng 6, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm so với kế hoạch năm 2016 ảnh hưởng đến công tác điều hành ngân sách và tiến độ xây dựng nhiều công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Tỷ lệ thực hiện thấpĐến hết ngày 30 - 6, tỷ lệ giải ngân một số nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) thuộc ngân sách tỉnh tương đối thấp. Đối với nguồn vốn năm 2015 kéo dài thanh toán sang năm 2016, vốn XDCB tập trung mới giải ngân được 16,7% trong tổng số 61 tỷ đồng; vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu mới giải ngân được 45,7%; vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) do địa phương quản lý mới đạt 1,9%. Vốn XDCB tập trung thuộc kế hoạch năm 2016, tỷ lệ giải ngân vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, vốn chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án thuộc ngân sách huyện đạt trung bình khoảng 50%. Tỷ lệ giải ngân vốn xổ số kiến thiết mới đạt 17,4%, vốn TPCP do địa phương quản lý mới đạt khoảng 10,6% (thấp nhất trong tất cả các nguồn vốn XDCB).
Theo đánh giá của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh, tiến độ giải ngân một số nguồn vốn XDCB tập trung chậm do chủ đầu tư nhiều dự án chậm triển khai, vướng do quy định của các cơ quan nhà nước, công tác giải phóng mặt bằng không kịp thời hoặc vướng về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng chưa đúng với quy định của pháp luật. Một số dự án chậm triển khai do vướng về thủ tục, trình tự đầu tư như dự án Khoa Ung bướu - Y học hạt nhân Bệnh viên Đa khoa tỉnh (8 tỷ đồng), dự án cơ sở dữ liệu địa chính TP Hải Dương (1 tỷ 976 triệu đồng), dự án Bệnh viện Nhi Hải Dương giai đoạn 2 (20 tỷ đồng, nguồn vốn XDCB tập trung). Một số dự án đã ghi vốn nhưng vẫn chưa có dự án đầu tư được duyệt nên chưa thể giải ngân. Một số dự án thuộc nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu năm 2015 được phép kéo dài sang năm 2016 như: dự án Trại lợn đực ngoại giống cao sản quy mô 150 con (chưa có dự án được duyệt); dự án nâng cấp rừng đặc dụng, rừng phòng hộ tỉnh Hải Dương (mới xong khâu tổ chức lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư và nhà thầu đang làm thủ tục bảo lãnh tạm ứng khiến tiến độ giải ngân chậm). Dự án Xử lý hệ thống thoát nước TP Hải Dương có tổng vốn đầu tư khoảng 3,1 tỷ đồng thuộc nguồn TPCP vẫn chưa được giải ngân do chủ đầu tư chưa đến giao dịch mặc dù KBNN tỉnh đã 2 lần đôn đốc bằng văn bản. Tiến độ giải ngân dự án Hệ thống kè 2 bờ sông Sặt khu vực TP Hải Dương cũng chậm vì TP Hải Dương chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng (4 hộ dân tại khu vực Quảng trường Thống Nhất chưa chấp nhận đơn giá đền bù theo phương án đã được UBND TP Hải Dương phê duyệt). Đến nay, dự án Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành cũng chưa thể giải ngân nốt phần vốn 7 tỷ đồng do thay đổi hình thức hợp đồng từ trọn gói sang hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Hiện tại, chủ đầu tư, nhà thầu thi công và đơn vị tư vấn đang tính toán phần giá trị bổ sung trình UBND tỉnh phê duyệt dự toán gói thầu bổ sung. Nguồn vốn TPCP cũng chưa thể giải ngân khoản tiền gần 26,3 tỷ đồng cho dự án xây dựng Bệnh viện Nhi Hải Dương do vướng điều chỉnh tổng mức đầu tư...
Sớm phân bổ vốn cho các dự án đã có khối lượngTheo đánh giá của KBNN tỉnh, việc phân bổ kế hoạch vốn chậm ảnh hưởng rất lớn đến việc giải ngân các dự án đang triển khai trên địa bàn, làm cho các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án lúng túng, không biết các dự án có được bố trí vốn hay không. Các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong quá trình triển khai thi công dự án. Áp lực giải ngân tại KBNN các cấp trong những ngày cuối năm sẽ rất nặng nề.
Theo ông Vũ Đức Trọng, Giám đốc KBNN tỉnh, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB, UBND tỉnh cần quyết liệt chỉ đạo các cơ quan tham mưu phân bổ ngay cho các dự án hiện nay đã có khối lượng hoặc các dự án đã có quyết định phê duyệt quyết toán còn thiếu vốn để các chủ đầu tư có thể giải ngân ngay. Kiên quyết loại bỏ việc phân bổ vốn cho các dự án đến thời điểm phân bổ nhưng chưa có dự án được phê duyệt. Đối với nguồn vốn XDCB tập trung giao đầu năm, trước khi xây dựng dự toán ngân sách hằng năm, các cơ quan chuyên môn của địa phương đều phải căn cứ vào dự toán thu được Bộ Tài chính và HĐND giao. Trên cơ sở số thu được điều tiết và số thu tiền sử dụng đất để bố trí cho các nhiệm vụ chi, trong đó có nhiệm vụ chi đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, các dự án được bố trí từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu và vốn TPCP giao cho địa phương quản lý đều phải căn cứ vào số liệu dự toán của Thủ tướng Chính phủ giao, trên cơ sở đó trình thông qua HĐND trước khi ban hành quyết định phân bổ cho các dự án. Vì vậy, KBNN sẽ báo cáo, đề nghị Bộ Tài chính không tiếp tục áp dụng quy định việc phải thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của các địa phương theo quy định tại Thông tư số 08/2016/TT-BTC như hiện nay.
Từ năm 2016, các dự án đầu tư sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và nguồn TPCP phải chấp hành các trình tự, thủ tục giải ngân chặt chẽ theo Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng, đó là giải ngân "đối với các dự án khởi công mới thực hiện đầu tư phải có quyết định đầu tư từ thời điểm trước 31 - 10 năm trước năm kế hoạch". Mặc dù Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn thanh toán vốn đầu tư kế hoạch năm 2016 với nguyên tắc: "Chỉ được thanh toán khi có quyết định phê duyệt dự án đến hết ngày 31-3-2016", nhưng việc tuân thủ các bước theo quy định vẫn mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Vì vậy, KBNN đã kiến nghị với Bộ Tài chính cho lùi thời gian phê duyệt dự án nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong việc giải ngân vốn kế hoạch năm 2016.
VỊ THỦY