Chạm đích nông thôn mới

24/10/2020 15:10

Đầu nhiệm kỳ không ai nghĩ Hải Dương có thể xây dựng nông thôn mới nhanh đến vậy. Đâu là nguyên nhân để tỉnh Đông tạo bước đột phá lớn để nông thôn thay đổi cả diện mạo và chất lượng sống?

Bứt phá mạnh mẽ

Đến năm 2015, Hải Dương mới đạt bình quân 14,2 tiêu chí trong tổng số 19 tiêu chí/xã và 46 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Do kết quả còn khiêm tốn nên Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015-2020 chỉ đặt mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 60% số xã đạt chuẩn NTM, không có mục tiêu cụ thể về NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. 

Mặc dù không được đánh giá cao, thậm chí thuộc tốp cuối trong cuộc đua về đích NTM giữa các xã của huyện Thanh Hà, song xã Thanh Sơn đã bứt tốc ở giai đoạn nước rút để sớm đạt mục tiêu. Đến nay, đây lại là địa phương duy nhất của huyện xây dựng NTM nâng cao. Với hướng đi phù hợp, xã tăng cường tuyên truyền, vận động để nhân dân tin tưởng vào mục đích, ý nghĩa thiết thực của phong trào. Ông Đoàn Đình Goòng, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết: "Xuất phát điểm thấp với 5 tiêu chí song quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã giúp xã về đích NTM trước thời hạn 1 năm. Đây chính là kết quả của việc xây dựng NTM từ lòng dân. Cũng từ sự đồng thuận cao của người dân, năm 2020, địa phương mạnh dạn đăng ký xây dựng NTM nâng cao".         

Với quyết tâm tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, năm 2019, huyện Thanh Miện đặt mục tiêu cán đích NTM. Nhiệm vụ tưởng chừng nặng nề, khó khăn này lại được Thanh Miện từng bước tháo gỡ từ cấp xã tới cấp huyện. Dù là huyện nghèo nhưng Thanh Miện đã nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí NTM từ dễ đến khó và được công nhận huyện NTM sớm hơn 1 năm so với kế hoạch ban đầu. Theo ông Nhữ Văn Cúc, Chủ tịch UBND huyện, mục đích của phong trào xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân nên khi người dân thấy được lợi ích mà NTM mang lại thì việc thực hiện sẽ dễ dàng hơn.

5 năm qua, toàn tỉnh đã huy động hơn 25.100 tỷ đồng để xây dựng NTM. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 8.200 tỷ đồng, vốn tín dụng hơn 14.000 tỷ đồng, vốn lồng ghép 1.200 tỷ đồng, còn lại do nhân dân đóng góp và doanh nghiệp đầu tư.

Với định hướng đúng đắn và nỗ lực của các cấp cùng nhân dân, Hải Dương đã đạt được thành tích nổi bật trong xây dựng NTM. Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn bộ 178 xã trong tỉnh sẽ đạt chuẩn NTM, các đơn vị cấp huyện về đích NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Toàn tỉnh sẽ có 20 xã NTM nâng cao và từ 2-3 xã NTM kiểu mẫu. Với kết quả này, tỉnh đã hoàn thành sớm 1 năm so với chỉ tiêu Trung ương giao là đến năm 2020 có 80% số xã đạt chuẩn NTM, ít nhất 1 đơn vị cấp huyện đạt NTM và vượt xa chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.

Người dân hưởng lợi

Phong trào xây dựng NTM đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn trong tỉnh. Người dân vừa là lực lượng nòng cốt thực hiện, vừa là chủ thể thụ hưởng thành quả NTM mang lại. Cơ sở hạ tầng khang trang, đồng bộ đã tạo đà thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, đời sống ngày càng cải thiện.

Trong giai đoạn 2015-2020, phong trào NTM đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ. Toàn tỉnh đã nhựa hóa, bê tông hóa gần 1.500 km đường giao thông nông thôn, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, thúc đẩy giao thương, phát triển sản xuất. Môi trường nông thôn từng bước được cải thiện. Toàn tỉnh có 835 bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh, gần 3.000 bể chứa thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật và 15.000 hầm biogas với công suất xử lý hơn 255 tấn chất thải/ngày đêm.

Đồng ruộng được quy hoạch bài bản với hơn 54.000 ha được dồn điền, đổi thửa và cải tạo, chỉnh trang hệ thống thủy lợi. Toàn tỉnh đã xây dựng được gần 500 vùng sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô 30 ha/vùng trở lên. Chú trọng sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao giá trị ngành nông nghiệp. Năm 2020, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản đạt 164 triệu đồng, tăng 31 triệu đồng so với năm 2015.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trong tỉnh đạt 4,39 triệu đồng/tháng, tăng 1,4 triệu đồng so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 1,17%/năm. Dự kiến đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 1,36%, hộ cận nghèo còn 2,36%. Đời sống vật chất được nâng lên đã tạo ra những chuyển biến rõ nét trong đời sống tinh thần của người dân. Hải Dương có 659 trường học đạt chuẩn quốc gia, 100% số đơn vị cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, y tế dự phòng được chú trọng; ngăn chặn và xử lý kịp thời các dịch bệnh nguy hiểm phát sinh. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,5%. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng lan tỏa. Kết quả này đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của địa phương.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Văn Quân, kết quả phong trào xây dựng NTM nhiệm kỳ 2015-2020 là cơ sở để tỉnh đặt mục tiêu xây dựng NTM cao hơn và bền vững hơn trong thời gian tới.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chạm đích nông thôn mới