Bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao hơn một số cây trồng khác, cây thanh long ruột đỏ được kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân nơi đây...
Ông Hoàng Ngọc Khanh, thôn Thanh Mai chăm sóc từng hốc thanh long
Chúng tôi về xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) vào một ngày đầu năm mới. Trong bạt ngàn màu xanh của vải và cây rừng, những hom thanh long ruột đỏ đang leo cao trên những cột bê-tông ở trong vườn của 20 hộ dân trong xã là nét mới ở nơi đây.
Gia đình anh Nguyễn Văn Xuyên ở thôn Hố Giải, bắt đầu trồng thanh long ruột đỏ từ cuối năm 2010 trên 6 sào vườn đồi, 200 gốc, mỗi gốc trồng 4 mầm và dựng cột bê-tông để cho cây leo. Sau đó, anh tiếp tục trồng thêm 3 sào nữa, đến nay có 9 sào thanh long với trên 300 hốc. Mới hơn 1 năm, thanh long đã phát triển tốt, phủ gần kín các cột bê-tông. Tuy mới đầu vụ nhưng anh đã thu được 18 triệu đồng từ bán quả thanh long và 20 triệu đồng từ bán cây giống. Anh Xuyên cho biết: Từ năm sau, năng suất, sản lượng còn cao hơn gấp 3 - 4 lần so với bây giờ. Và anh sẽ tiếp tục trồng thêm 100 hom thanh long nữa.
Gia đình ông Hoàng Ngọc Khanh, thôn Thanh Mai là một trong những hộ trồng thử nghiệm loại cây này. Vườn cây thanh long của gia đình ông đang phát triển khá tốt. Ông Khanh cho biết: “Khi thực hiện đề án, tôi nhận trồng hơn 1 sào, với diện tích 400 m2. Tôi phải trăn trở nhiều ngày mới quyết định chặt hết vườn vải, đầu tư đổ cột bê-tông và mua cây giống về trồng”. Ông Khanh cho biết thêm: Trồng thanh long không vất vả, không tốn nhiều công sức mà giá trị kinh tế cao. Tuy ông mới trồng được hơn 1 năm, nhiều cây đã ra quả. Năm nay sẽ có sản lượng cao hơn.
Anh Nguyễn Văn Chúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoàng Hoa Thám cho biết: Khi đề tài “Sản xuất thử giống thanh long ruột đỏ tại tỉnh Hải Dương” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) triển khai và thực hiện thí điểm ở xã, nhiều người dân không khỏi hoài nghi về sự phù hợp với đất đai, khí hậu của cây trồng. Với sự hỗ trợ kinh phí từ đề án, 16 hộ dân trong xã đã nhận trồng thanh long ruột đỏ, trên diện tích 10 nghìn m2. Hơn 1 năm nay, cây thanh long đã phát triển tốt và có thêm 4 hộ trồng với tổng diện tích 1,5 ha. Thời gian tới sẽ mở rộng thêm 1 ha nữa.
Gần đây, một số hộ dân ở phường Văn An đã năng động chuyển đổi, phá bỏ những loại cây giá trị kinh tế không cao để đưa vào trồng cây thanh long ruột đỏ. Ông Trần Văn Đường, khu dân cư Trại Sen và ông Trần Hò ở khu dân cư Tường là những người quyết tâm tìm cây trồng mới và rủ nhau phá vải thiều để trồng thanh long ruột đỏ. Qua in-tơ-nét, hai ông đã lên tận huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) tìm hiểu thực tế và mua cây giống. Đầu năm 2010, ông Đường đổ 200 cột bê-tông để trồng loại cây này cả trong vườn và ngoài ruộng. Đến nay, toàn bộ 6 sào vườn và ruộng ông trồng 300 hốc. Hiện nay, cây phát triển khá tốt. Vừa rồi, tuy thanh long mới bói quả nhưng với giá 30 - 40 nghìn đồng/kg ông cũng thu được hơn 10 triệu đồng và bán cành giâm giống được gần 7 triệu đồng. Ông Trần Hò cũng trồng khoảng 8 sào với 450 hốc thanh long ruột đỏ. Vụ đầu tiên thu được 23 triệu đồng từ quả và hơn 20 triệu đồng từ cây giống. Ông Hò cho biết: “Mức thu nhập này đã cao hơn rất nhiều so với trồng vải và các loại cây khác. Những năm tiếp theo, vườn nhà tôi có thể cho thu từ 60 - 100 triệu đồng”.
Theo ông Trần Xuân Lựu, Chủ tịch Hội Nông dân của phường Văn An, thời gian tới hội sẽ khuyến khích cán bộ, hội viên trong phường phát triển loại cây trồng này, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Hiện nay, ngoài một số hộ dân ở xã Hoàng Hoa Thám và phường Văn An, trên địa bàn thị xã Chí Linh còn một số địa phương khác người dân cũng bắt đầu trồng thanh long ruột đỏ.
VIỆT CƯỜNG