Cây thị cuối cùng(*)

10/04/2011 08:03



Phạm Bá Biến là thằng cháu trai cuối cùng của dòng họ ở làng Quyền hớt hải đi xe máy từ thành phố về quê. Suốt dọc đường, trong đầu Biến nghĩ ngợi miên man về cây thị. Cây thị trồng bao giờ thì Biến không được biết, chỉ được nghe mẹ kể lại. Nhưng mẹ Biến cũng không rõ tông tích, vì khi bà về làm dâu họ nhà Phạm Bá cây thị đã có rồi. Còn bố Biến đã mất từ khi Biến còn nằm trong cái tã lót thì làm sao mà biết được. Người duy nhất nắm được gia phả của cây thị này là Phạm Bá Hợi, người em út của bố Biến. Ông ta thừa hưởng cái của hồi môn là cây thị của dòng họ này thì mỗi lần ông kể một khác. Đại để là lúc thu hoạch thị thì ông kể là ông theo ông nhị đại dòng họ Phạm Bá sang Lam Am, rồi khi về thấy ông nhỏ tặng cho quả thị. Nghĩa là cây thị này bắt đầu từ cái hạt của ông. Mỗi mùa thu hoạch thị, bà vợ ông gánh hàng chục thúng thị đi bán mãi chợ xa để khỏi phiền lụy đến những thân thích trong làng. Và mùa thu hoạch nào cũng vậy, ông chọn quả chín sớm nhất, ngắt về bày lên ban thờ cúng ông tổ dòng họ. Còn những quả rụng ông cho trẻ con mấy nhà lân cận. Những quả thu hoạch đợt cuối cùng ông mới cho con cháu trong gia tộc và nói là cây thị già nua quá nên quả nó đẹn, nhưng quý ở chỗ nó là lộc của tổ tiên, của dòng họ Phạm Bá nhà mình.

Cũng dưới gốc cây thị này ông Hợi đã kể nhiều lần về cây thị với những chủ đề khác nhau. Nào là tại sao ở cái làng này người họ Phạm rất đông nhưng chỉ họ Phạm Bá nhà ông lúc nào cũng có người làm thống lĩnh ở làng, ở xã. Rồi ông chỉ vút lên ngọn cây, khua tay theo vòng tán rộng, tóm lại bằng câu: "Vươn cao mở rộng vòm tán để khống chế". Đúng là những người nối dõi của dòng họ Phạm Bá ở cái làng này đều đã làm như thế. Nhất là thời kỳ dòng họ Phạm Bá có người làm chủ tịch xã, ông ta đã tạo lập hệ thống từ xã xuống thôn, khép kín về tổ chức. Việc quy hoạch đào tạo, việc xét duyệt cho con em trong làng đứa nào đi học nghề gì; đứa nào đi công nhân, đứa nào đi bộ đội... Lúc đó, dòng họ Phạm Bá điều chỉnh toàn bộ hoạt động của xã, từ việc khống chế cái gì, mở rộng phát triển cái gì... Tất cả mọi hoạt động của dòng họ đều lấy cây thị làm biểu tượng.

Đối với Phạm Bá Biến, từ khi lớn lên được nghe chuyện về bố mình với cây thị, thì anh trở nên căm ghét. Mặc dù câu chuyện mỗi lúc, mỗi người thêu dệt một cách khác nhau làm anh hoài nghi, không tin đó là thực nữa. Nhưng anh vẫn bị ám ảnh từ cây thị đó với dòng họ Phạm Bá, ông Hợi thì kể là: "Ngày ấy, ông nội đã đứng tuổi, muốn thử người thừa kế sau này cho cả sự nghiệp và cơ nghiệp, ông đã bắt ba thằng con trai trèo vút lên ngọn cây xem đứa nào trèo cao nhất và nhìn xa nhất". Ông nội nhà Biến đã tổ chức việc làm đó sau bữa tiệc ăn cữ Biến, do sự chứng kiến của dòng họ Phạm Bá. Đáng lẽ việc làm này phải từ con trưởng trở xuống; nhưng ông đã lần lượt từ thằng út, chính là ông Hợi bây giờ. Ông Hợi lúc đó chừng mười bốn tuổi, đã leo vút lên ngọn cây và mở tầm nhìn tới tháp chuông nhà thờ Đống, tới cây đa đồng làng Đoài... Tiếp theo là người con trai thứ hai, anh này nhát gan yếu ớt, vất vả lắm mới leo được lưng chừng cây, rồi phải tụt xuống. Đến lượt bố Biến, lúc đó vào tuổi mười chín, cơ ngơi, sự nghiệp của người ông nội đang rộng mở chờ đợi, lại có đứa con trai vừa ra đời. Mặc dù rượu đã ngà ngà nhưng bố Biến vẫn leo, leo chót vót tới ngọn cây mới nhìn thấy tháp chuông nhà thờ mờ mờ, cố leo thêm mấy cành nữa để nhìn cho rõ cột thánh giá trên đỉnh tháp chuông để báo công với cha mình. Nhưng việc đó không thành. Cây gãy. Bố Biến rơi xuống chết, để lại cây thị cụt ngọn và người vợ góa với đứa con mồ côi.

Người con trai thứ hai nhút nhát của ông không hiểu suy nghĩ thế nào, lại bỏ nhà ra Hải Phòng kiếm việc làm, rồi nghe đâu bị chết do tai nạn ô-tô hay tàu hoả gì đó. Thế là ông Hợi đương nhiên trở thành người thừa kế cơ nghiệp của dòng họ Phạm Bá với dinh cơ và cây thị cụt ngọn.
Mẹ con nhà Biến tần tảo nuôi nhau. Mẹ Biến cũng không đòi hỏi gì. Ông Hợi với lời nguyền của cha mình nên đã bằng mọi cách rồi cũng chiếm được chân phó chủ tịch xã. Những chức vị ấy là lời nguyền của dòng họ Phạm Bá nhà ông. Nhưng xấu số cho ông Hợi, đẻ đến đứa thứ ba vẫn một bề con gái. Đã có lúc ông định vun vén sự nghiệp cho thằng cháu. Nhưng nếu chỉ chiếm vị trí ở làng ở xã thì một nhẽ, nhưng lại liên can đến cả một cơ ngơi gia tài của dòng họ để lại. Đã có nhiều người khuyên ông, dìu dắt thằng Biến cho nó thành người, nhưng bà vợ và con gái ông luôn dị nghị. Đến năm vào tuổi mười tám, nhân một buổi Biến sang chơi, ông Hợi bảo: "Mẹ cháu vất vả vì bố cháu mất sớm. Bây giờ cháu đã trưởng thành. Chú đang công tác ngoài xã có điều kiện để cho cháu đi công nhân hoặc bộ đội ở đâu đó. Họ nhà ta bây giờ phát ở ngoài. Ra ngoài mới làm ăn khấm khá được(?)".

Thế rồi từ đó, Biến bỏ làng, bỏ họ ra đi.

Con gái ông Hợi lớn nhanh và phổng phao, dậy thì trước tuổi. Cô con gái đầu, ông đưa ra làm thư ký Ủy ban xã. Trong nhà, ngoài Ủy ban suốt ngày rít rít bạn trai. Thấy ông không có con trai, một số chàng trai trẻ cũng muốn làm rể để thừa kế cái cơ ngơi và cây thị của dòng họ Phạm Bá nhà ông để lại. Nhưng rồi tai họa ập đến, cô con gái đầu lòng của ông đang công tác ngoài Uỷ ban xã, tương lai rộng mở thì ễnh cái bụng ra. Mấy ông Uỷ ban xã cứ nghệt cái mặt ra nhìn nhau. Nhưng oái oăm thay trong số đông bạn trai chơi với con gái ông Hợi lại có ba anh chàng nhận đứa con trong cái bụng ấy là con mình. Giá có chửa với một người thì dễ xử, đằng này lại có chửa với cả ba thằng con trai. Ông đành đuổi con gái mình ra khỏi làng để giữ thể diện cho dòng họ Phạm Bá. Nói đuổi thôi nhưng thực tế ông đã tống tiền cho một bác sĩ để phá thai và làm hồ sơ gửi con mình đi làm công nhân một nông trường xa.

Từ đó, nhà ông Phạm Bá Hợi kín cổng cao tường đến nỗi con cóc muốn vào bắt sâu trong vườn cũng không tìm ra kẽ hở để chui vào. Cổng nhà ông Hợi ra đóng vào khóa, hai cô con gái còn lại cũng bị dị nghị. Chẳng bạn trai nào dám đến nhà, rồi hai cô gái này cũng bỏ nhà ra đi không về nữa.
Ít lâu sau, bà Hợi buồn thảm không ăn không ngủ rồi sinh bệnh, ốm chết. Ông Phạm Bá Hợi phải nghỉ công tác giữa khóa vì căn bệnh tâm thần. Ông bỏ nhà đi lang thang rồi nghe đâu đã chết ở bến xe nào đó.

Phạm Bá Biến về tới làng sau hơn chục năm đi biệt tăm tích. Biến đặt chân trên nền đất của ông tổ dòng họ Phạm Bá nhà mình. Người làng bàn tán: "Chắc thằng Biến về làng nhận giỗ đầu ông chú nó". Có người lại bảo: "Chắc nghe thấy ông chú chết rồi nó mò về chia gia tài chứ gì? Họ nhà Phạm Bá ai cũng thâm thuý".

Nghe tin Biến về làng, chính quyền địa phương đến bàn giao tài sản. Biến nghĩ cả cái gia tài này bây giờ bán, đáng giá bằng công trình phụ nhà mình, chứ đáng gì mà thèm nhận. Trong khi nhắc lại tài sản, chính quyền xã có nói: "Riêng cây thị từ dạo bác Hợi còn sống đã cắt cho Uỷ ban xã một cành để lấy gỗ khắc dấu, mong anh Biến thông cảm. Tài sản dòng họ Phạm Bá nhà anh nói chung còn nguyên vẹn!".

Một ý nghĩ vụt sáng trong đầu Phạm Bá Biến, gợi lên máu làm ăn của anh: Gỗ thị khắc dấu. À, tới đây sẽ bầu cử, ở thành phố biết bao nhiêu cơ quan cần, đơn vị tách nhập, công ty, xí nghiệp đổi tên. Ôi! Gỗ thị là nguyên liệu cho cái việc làm đó. Ôi, giá mỗi con dấu thấp nhất cũng hai mươi ngàn đồng. Cả cây thị này sẽ khắc được tới triệu con dấu! Lại bán cho các nhà in, nhiều nhà in phải dùng gỗ thị để chế bản khắc. Và nguồn thu sẽ là triệu, triệu, triệu...
Phạm Bá Biến tuyên bố: "Về gia tài, tôi chỉ xin lại một cây thị! Còn lại nhà đất của dòng họ Phạm Bá mặc kệ các ông sử dụng, tôi không can thiệp. Ngay chiều nay, tôi nhờ các ông thuê cho vài người chặt cây thị. Tôi sẽ thuê xe tải chở về thành phố!".
Cây thị cuối cùng của dòng họ Phạm Bá được hạ xuống và cắt ra từng đoạn xếp đặt cẩn thận trên chiếc xe tải.

Buổi chiều ấy, người làng nhìn thấy Phạm Bá Biến cùng xe máy đi trước, sau là chiếc xe tải chở toàn bộ thân, cành cây thị ra khỏi làng.
Người làng Quyền nhìn theo:
- Thế là hết cái dòng họ Phạm Bá, hết đời này đời khác lộng quyền xưng danh là bố thiên hạ.
Còn trong tâm trạng Phạm Bá Biến nghĩ gì thì không rõ, người ta chỉ thấy trên gương mặt có những nét còn giống ông nội.

Biến theo xe chở cây thị về nhà, thanh toán tiền công chở cho lái xe xong, thì anh đã lao ngay xe đi tới những chỗ chuyên khắc dấu, rồi lại đến các nhà in. Khi đến anh đều gặp người ta đang thanh lý số vật liệu gỗ thị, thực mực còn lại cho nhân viên về làm củi vì trong phương tiện in ấn ngày nay người ta đã dùng dấu đồng, in ốp-sét cả, chả còn đâu in ti-pô mà dùng gỗ thị, gỗ thực mực làm bản khắc nữa.

Biến nhanh ý, cho xe chở về khu tập thể, chiếm lĩnh thị trường. Chả là khu tập thể đang dùng bếp than tổ ong, thiếu củi nhóm bếp. Biến thuê người cắt ra từng khúc ngắn gạ bán cho từng hộ tập thể.

Mấy ngày sau, cả khu tập thể dùng củi nhà Biến nhóm bếp, khói um cả khu phố, công an tưởng cháy nhà, hú còi đưa xe đến cứu. Biến hoảng quá, chui vào trong nhà tắm. Tin ấy đồn thổi về tới làng quê. Mấy người nói với nhau: Chưa biết rằng cái dòng họ Phạm Bá sau cái họa này còn gây họa gì cho thiên hạ nữa đây…

Truyện ngắn của NGUYỄN THANH CẢI
--------
(*) Truyện rút trong tập Nơi đất trời  gặp nhau Nhà Xuất bản Thanh Niên tái bản tháng 1-2011.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cây thị cuối cùng(*)