Các nhà khoa học Mỹ vừa công bố kết quả nghiên cứu cho thấy những cây già và lớn sẽ hấp thu nhiều khí cácbon điôxít (CO2) hơn so với các cây non, ít tuổi.
Phát hiện này làm thay đổi quan điểm truyền thống cho rằng các cây cổ thụ lớn gần như không có hiệu quả trong việc hấp thu các khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Nhóm nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu địa chất Mỹ, do ông Nathan Stephenson đứng đầu, đã tiến hành khảo sát 403 loài cây, sử dụng dữ liệu của hơn 670.000 cá thể cây ở khắp các châu lục và phát hiện thấy chính những cây già, lớn hơn lại có tốc độ phát triển nhanh và hấp thu nhiều khí cácbon nhất.
Cây hấp thu khí CO2 từ không khí và giữ chúng dưới dạng cácbon ở trong thân cây, cành và lá, qua đó giúp làm chậm tốc độ nóng lên trên toàn cầu. Đây cũng chính là lý do khiến các cánh rừng được ví như những "bể cácbon" (carbon sink). Tuy nhiên, ảnh hưởng của những "bể cácbon" gây ra đối với vấn đề biến đổi khí hậu vẫn là một chủ đề gây nhiều tranh cãi.
Theo Stephenson, mặc dù làm rõ được rằng những cánh rừng già sẽ giữ được nhiều cácbon hơn những cánh rừng non nhưng vấn đề nằm ở chỗ rừng già lại có đủ các loại cây ở mọi kích cỡ và chưa thể xác định rõ loài cây nào phát triển nhanh hơn và hấp thụ nhiều CO2 nhất từ không khí.
Với các loài cây, thuật ngữ "lớn" và "nhỏ" chỉ mang tính tương đối, chẳng hạn một cây củ tùng không thể coi là lớn khi chưa đạt tới đường kính 300cm, trong khi ở các loài cây khác, một cây lớn chỉ có đường kính khoảng 50cm.