Trên đất nước thân yêu này, làng nào mà chẳng có những cây cau?
Những cây cau dáng thanh cao đứng thẳng trước nhà đưa cái nõn lên trời như đưa ngọn bút viết vào mây báo hiệu sự yên bình nơi thôn dã. Xung quanh ngọn bút ấy là những tàu cau xòe ra bốn phía. Những tàu cau như những cái lược lớn chải vào nắng gió bốn phương. Gắn liền với tàu cau là những chiếc mo cau xanh đậm ôm lấy thân cau. Những chiếc mo cau nho nhỏ kia sẽ ngày càng phình to, lớn dần. Nó đang thai nghén những mùa cau làm môi người đỏ thắm.
Mùa xuân là mùa cây cau sinh nở. Những chiếc mo cau cứ lớn dần, rồi đến một ngày nào đó, cả tàu cau cứ rã dần ra khỏi thân cau. Một cơn gió khẽ khàng lay động, tàu cau âm thầm rơi xuống đất để lộ ra trên thân cau chiếc bẹ bèn. Chiếc bẹ bèn như hình một con trai lớn (con trai dưới nước). Chiếc bẹ bèn màu xanh non cứ lớn dần. Rồi đến một ngày nắng vàng rực rỡ, chiếc bẹ bèn bung nở một buồng hoa. Hoa cau nhỏ hơn hoa dừa, màu trăng trắng nhưng hương thơm thì ngạt ngào khó quên. Thế rồi buồng cau đậu quả. Những "quả cau nho nhỏ, cái vỏ vân vân" ấy cứ lớn dần...
Mỗi một năm, cây cau có thể đến bốn, năm lần sinh nở. Mỗi lần cau nở một buồng. Mỗi buồng tương ứng với một đốt trên thân cau. Mỗi kỳ sinh nở cách nhau vài chục ngày đến một tháng. Buồng cau đầu chỉ độ dăm, sáu chục quả, nhưng buồng sau có tới vài ba trăm quả.
Trầu cau là "đầu câu chuyện" của đời người. Ngay từ ngày xưa, người con trai và người con gái muốn lấy được nhau, người con trai phải về thưa với mẹ cha đem trầu cau đến nhà gái "dạm ngõ". Trong lễ ăn hỏi, lễ cưới, thiếu gì thì thiếu, nhưng nhất thiết không được thiếu trầu cau. Trầu cau trước là để cúng gia tiên, sau là để ông bà, cha mẹ, cô dì, chú bác, họ hàng hai nhà "ăn miếng trầu cay, nói câu chuyện tâm tình, mừng cho đôi trẻ".
Kỳ diệu thay, lá trầu xanh, miếng cau vàng, miếng vôi bạc trắng quyện vào nhau lại tạo nên cái nồng say làm thắm đỏ môi người, làm cho gái trai quấn quýt mặn nồng đến răng long, đầu bạc?
Lại nói về những chiếc mo cau. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chở che cho buồng cau nở, chiếc mo cau và tàu cau âm thầm rơi xuống đất. Bà ta, mẹ ta nhặt lên cắt lấy phần mo cau đem gối đầu giường. Mo cau trước tiên là để làm quạt. Cái quạt mo đã nghìn đời làm bạn với người làng quê. Những trưa hè nóng nực, những đêm hè oi nồng, cái quạt mo trong tay bà, tay mẹ cứ cần mẫn xua đi tiếng vo ve của muỗi, xua đi cái nóng cho cháu con được tròn giấc ngủ. Kỳ lạ thật, có cái gì trong cái quạt mo nhỏ nhắn mà phú ông gạ đổi "ba bò, chín trâu", gạ đổi "một bè gỗ lim"... kia chứ? Hẳn là trong cái quạt mo có cái gì lạ lắm...
Chiếc mo cau còn được bà ta, mẹ ta dùng để nắm cơm. Ngày xưa những ông phó mộc, phó nề, phó cối, phó may, những bác canh điền ở nhà quê ngày ba tháng tám nông nhàn đi làm mướn, làm thuê từ sớm tinh mơ ngày lên đường đã được các bà vợ nắm cho những nắm cơm vừa dẻo, vừa nhuyễn. Các bà không quên bỏ vào nắm cơm ấy dúm muối vừng thơm ngậy gói cẩn thận bằng mấy lần lá chuối khô.
Thời kỳ đấu tranh thống nhất, ngày các cán bộ miền Nam lên đường tập kết ra Bắc, các bà má miền Nam đã nắm những nắm cơm dẻo thơm được xay giã, thổi nấu từ lúa gạo được cấy trên mảnh đất Thành Đồng - rồi gói vào trong những chiếc mo cau. "Mo cơm nếp, trái dừa" trao cho các anh, các bà má miền Nam trao cả niềm tin son sắt vào ngày thống nhất.
Còn chiếc tàu cau, bà ta, mẹ ta dùng để buộc vào thân cây cau theo chiều chúc cuống xuống trỏ vào chiếc chum sành dưới gốc cây cau. Mỗi lần mưa, những tàu cau trên ngọn cây cau lại xòe ra như những bàn tay người hứng lấy giọt nước trong lành. Nước mưa hứng từ ngọn cau qua buồng hoa cau thơm ngát - là một thứ nước trong lành quý báu trời cho. Dùng nước mưa ấy nấu cơm, nấu nước, pha trà, gội đầu thì con người sẽ khỏe mạnh, sống lâu, khoan khoái vô cùng!
Những cây cau dáng thanh cao đứng thẳng mọc khắp từ đồng bằng, miền biển đến miền sơn cước trên khắp đất nước thân yêu trong nắng lửa, gió Lào, trong mưa trút, bão giông ngàn đời vẫn hiên ngang đứng thẳng không bao giờ bị gục ngã. Những thân cau cao gầy ấy cứ cần mẫn đêm ngày xòe những bàn tay lên trời hứng mưa, hứng nắng, tỏa bộ rễ chắc bền bám chặt lấy đất dâng cho đời nồng thắm những mùa duyên...
Tản văn của PHẠM MINH GIANG