Nhờ năng khiếu bẩm sinh, Chiến có thể học thuộc và hát thành thạo những làn điệu quan họ mà nhiều người lớn tuổi cũng khó làm được trong một thời gian ngắn.
Chiến thường xuyên tham gia các cuộc thi văn nghệ tại địa phương
Dù không xuất thân trong một gia đình có “gien” làm nghệ thuật nhưng với tình yêu và niềm đam mê, em Nguyễn Văn Chiến (15 tuổi) ở thôn Nguyên Khê, xã Kim Giang (Cẩm Giàng) đã sớm bén duyên với những làn điệu quan họ mượt mà, trữ tình.
Là con cả trong gia đình làm nghề nông, hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, bố mẹ em vẫn thường xuyên phải đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Gia đình Chiến không có ai làm nghệ thuật, những gì Chiến biết về hát quan họ là do quan sát, học qua băng đĩa hay các đoạn phim trên truyền hình chứ không có một sự hướng dẫn nào khác.
Cơ duyên dẫn Chiến đến với những làn điệu quan họ trữ tình đầy ngẫu nhiên. Em chia sẻ: "Lúc lên 7 tuổi, trong một lần em ngồi xem vô tuyến ở nhà, ông nội đã bật chương trình Làn điệu Việt trên kênh VTC1 lên cho em xem. Khi những giai điệu đầu tiên của bài Ngồi tựa mạn thuyền do NSND Thúy Hường trình bày được cất lên, em đã bị những ca từ đầy da diết và sâu lắng đó mê hoặc. Kể từ ngày đó, em thường xuyên ngồi nghe các bài hát quan họ và ngân nga theo".
Mỗi khi thích bài hát nào, Chiến đều lên internet để tìm tòi và học theo, từ cách luyến láy đến các động tác múa tay hay nhún chân sao cho phù hợp. Nhờ năng khiếu bẩm sinh, chẳng mất nhiều thời gian để Chiến có thể học thuộc và hát thành thạo những làn điệu quan họ mà nhiều người lớn tuổi cũng khó làm được trong một thời gian ngắn.
Năm 2015, khi Chiến đang học lớp 7 tại Trường THCS Kim Giang, em tham gia hoạt động văn nghệ tại trường. Trong lần hát hôm ấy, bài "Gọi đò" được Chiến biểu diễn đã hút hồn giáo viên và các bạn cùng trang lứa. Sau khi bài hát kết thúc, hàng loạt tiếng hò reo và những tràng pháo tay vang lên. Kể từ đó ai cũng biết đến "giọng ca vàng" của Chiến, nhiều bạn học gọi Chiến bằng cái tên rất dễ thương là "Chiến quan họ". Từ hôm hát tại trường, Chiến đã mạnh dạn đi hát ở nhiều nơi. Chiến thường xuyên tham gia các buổi biểu diễn văn nghệ tại địa phương. Và cũng tại những sân khấu không chuyên này, một năng khiếu mới của dân ca quan họ được phát hiện.
Trong cuộc thi "Giai điệu tuổi hồng" do tỉnh tổ chức vừa qua, Chiến (hàng đầu, thứ ba từ trái sang)
đã xuất sắc giành giải nhất đơn ca với bài "Gọi đò"
Để năng khiếu của Chiến có thể phát triển thành một tài năng, gia đình Chiến đã đi tìm thầy dạy hát quan họ ở các địa phương lân cận cho Chiến theo học. Nhưng tìm nhiều nơi không được, ông nội Chiến đã phải nhờ một người bạn thân bên Bắc Ninh để xin cho em sang đó theo học. Đều đặn 3 buổi/tuần, Chiến vẫn bắt xe buýt sang trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du Lịch tỉnh Bắc Ninh (TP Bắc Ninh) để theo học lớp dân ca quan họ Bắc Ninh.
Đến nay, Nguyễn Văn Chiến đã theo học hát quan họ được 2 năm. Để vừa học văn hóa tại Trường THCS Kim Giang vừa học hát quan họ tại Bắc Ninh, Chiến phải cố gắng sắp xếp thời gian thật hợp lý. Nhiều khi vừa tan học ở trường về em đã phải vội vàng ra bến xe buýt để bắt xe sang Bắc Ninh học tiếp. Tuy vừa học văn hóa vừa học thêm hát quan họ, nhưng Chiến luôn là học sinh giỏi nhiều năm liền. Ngoài ra, trong cuộc thi "Giai điệu tuổi" hồng do tỉnh tổ chức vừa qua, Chiến đã xuất sắc giành giải nhất đơn ca cũng với bài "Gọi đò".
Anh Nguyễn Văn Chiểu (45 tuổi), bố của Chiến cho biết: "Khi phát hiện ra năng khiếu của con, gia đình tôi rất vui vì cả nhà không ai theo nghệ thuật cả. Tù khi biết ước muốn của con là đi theo con đường ca hát, gia đình tôi vẫn cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để con phát triển khả năng của mình. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ cho Chiến sang Bắc Ninh để vừa theo học văn hóa vừa học hát quan họ".
ĐỖ QUYẾT