Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội đồng tình với quy định cấp thị thực điện tử và giao Chính phủ quyết danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
Chiều 29.10, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Khắc phục những hạn chế trong quản lý vũ khí, vật liệu nổ
Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, đây là cơ sở pháp lý trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép và chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng.
Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt khẳng định, nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; bảo đảm tính hợp hiến và cơ bản thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát các quy định liên quan để bảo đảm tính thống nhất với Bộ luật Hình sự.
Thảo luận tại tổ, các đại biểu cho rằng, quá trình tổ chức thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã bộc lộ một số bất cập, có khoảng trống trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm kịp thời khắc phục những bất cập này.
Tán thành việc cần thiết phải sửa đổi Luật, nhưng đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) băn khoăn, trong quản lý danh mục vũ khí, vật liệu nổ có hai loại là vũ khí quân dụng và vũ khí được sản xuất trái phép. Vũ khí quân dụng có thể liệt kê được danh sách để quản lý vì đây là mặt hàng sản xuất theo đơn đặt hàng, phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh. Loại vũ khí sản xuất trái phép với mục đích xấu thì thay đổi mẫu mã, công dụng liên tục, sẽ rất khó quản lý và xử lý. Đại biểu cho rằng, bên cạnh việc quản lý vũ khí, vật liệu nổ, còn có thêm mục tiêu là phòng chống tội phạm, nếu giải quyết hài hòa được việc này sẽ rất tốt.
Tiếp tục thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam là cần thiết
Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nêu rõ, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung là cần thiết để luật hóa chính sách cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh và bảo đảm sự đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan mới được ban hành; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập, xuất cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo an ninh quốc gia.
Về cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam (khoản 10, khoản 11 Điều 1), báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cho thấy, có ý kiến còn băn khoăn về hiệu quả của việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Ý kiến khác cho rằng, các đối tượng xấu sẽ lợi dụng chủ trương này để nhập cảnh Việt Nam tiến hành các hoạt động xâm phạm, đe dọa xâm phạm an ninh quốc gia, gây mất trật tự, an toàn xã hội.
Ủy ban Quốc phòng - An ninh thấy rằng, cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là chính sách mới, thể hiện quyết tâm cải cách hành chính triệt để của Chính phủ, phù hợp chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Qua tổng kết đã khẳng định, việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế của đất nước, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao, tạo hiệu ứng tích cực vì thủ tục thông thoáng, thuận lợi, công khai, minh bạch, giúp người nước ngoài có nhiều lựa chọn khi có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam.
Cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, nhiều đại biểu cho rằng, sau hơn 2 năm tổ chức thực hiện, việc thí điểm cấp thị thực điện tử đã góp phần tiếp tục thu hút người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch. Việc tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam là cần thiết, góp phần thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế - xã hội. Theo các đại biểu, đây là một trong những bước để thu hút thêm bạn bè, du khách quốc tế đến Việt Nam, thể hiện sự nhanh gọn trong cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục và cũng bớt gánh nặng cho Lãnh sự quán, Đại sứ quán, tuy nhiên cũng cần tổng kết rút kinh nghiệm để đưa ra chính sách cụ thể.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng ủng hộ cần có thêm những quy định chặt chẽ hơn trong việc cấp thị thực, để hạn chế những hệ luỵ xảy ra như thời gian qua. Đại biểu dẫn chứng việc hàng trăm người nước ngoài đến và tổ chức hoạt động phạm pháp tại Hải Phòng trong thời gian dài nhưng địa phương này không hay biết là một trong những bất cập cần được khắc phục. "Người nước ngoài đến Việt Nam du lịch hay làm việc rất cần sự an toàn. Đó là điều chúng ta cần hướng tới để đảm bảo không ảnh hưởng đến du lịch của Việt Nam", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Ủng hộ quan điểm này, đại biểu Nguyễn Nhân Chiến (Bắc Ninh) cho rằng, việc tạo điều kiện cho người nước ngoài vào Việt Nam dưới nhiều hình thức là cần thiết trong bối cảnh đất nước đang tăng cường hội nhập. Theo đại biểu, hiện nay nhiều địa phương đang phát triển du lịch nên rất thu hút khách quốc tế. Bên cạnh việc siết chặt quản lý cũng cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp người nước ngoài có nhiều lựa chọn khi có nhu cầu nhập cảnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Việc đơn phương miễn thị thực khi người nước ngoài nhập cảnh thể hiện Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới.
Theo TTXVN