Theo Thông tư số 31/2014/TT-BCT của Bộ Công thương quy định chi tiết một số nội dung về an toàn điện, trước ngày 31-12-2015, người làm công việc vận hành, sửa chữa điện ở nông thôn, biên giới, hải đảo sẽ được huấn luyện và cấp thẻ an toàn điện mới thay thế thẻ đã cấp theo Quyết định số 34/2006/QĐ-BCN ngày 13-9-2006. Mọi chi phí tổ chức huấn luyện, cấp thẻ do người sử dụng lao động chi trả.
Trong đó, thời gian huấn luyện tối thiểu 24 giờ đối với người lao động mới được tuyển dụng, huấn luyện lần đầu; 8 giờ đối với huấn luyện định kỳ hằng năm và tối thiểu 12 giờ đối với người lao động chuyển đổi vị trí công việc hoặc thay đổi bậc an toàn hay có sự thay đổi thiết bị, công nghệ; khi kết quả kiểm tra của người lao động không đạt yêu cầu hoặc khi người lao động đã nghỉ làm việc từ 6 tháng trở lên.
Tùy điều kiện cụ thể, người sử dụng lao động có thể tổ chức huấn luyện riêng về an toàn điện hoặc kết hợp huấn luyện các nội dung về an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng cháy, chữa cháy hoặc huấn luyện khác theo quy định của pháp luật.
Một nội dung đáng chú ý khác là quy định về trách nhiệm nối đất, theo đó, khi xây dựng nhà ở, công trình ở nơi đã có công trình lưới điện cao áp, chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp nhà ở công trình phải tự lắp đặt hệ thống nối đất hoặc có đơn đề nghị đơn vị quản lý vận hành lưới điện cap áp lắp đặt hệ thống nối đất và phải chịu mọi chi phí. Trường hợp công trình lưới điện cao áp xây dựng sau khi đã có nhà ở, công trình, chủ đầu tư công trình lưới điện cao áp sẽ lắp đặt hệ thống nối đất và chịu mọi chi phí.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 18-11-2014.