Thời vụ gấp gáp là thách thức lớn đối với gieo cấy lúa mùa. Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người dân không lơ là, chủ quan mà phải tăng tốc.
Các địa phương đang khẩn trương làm đất để đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa
Do lúa chiêm xuân thu hoạch muộn hơn từ 10-15 ngày so với năm trước nên nông dân trong tỉnh đang chạy đua cùng thời vụ để bảo đảm tiến độ gieo cấy lúa mùa.
Nguy cơ vỡ cơ cấu giống
Từ khi gặt xong lúa chiêm xuân, bà Mạc Thị Ly ở thôn Kỳ Tây, xã Cẩm Chế (Thanh Hà) phải chạy đôn chạy đáo tìm thuê máy làm đất nhưng vẫn chưa có người nhận làm. "Lịch gieo cấy đã cận kề mà ruộng của gia đình tôi vẫn trơ gốc rạ. Vụ chiêm xuân kéo dài nên thời gian cho vụ mùa rất gấp gáp, tìm máy làm đất khó khăn. Thời điểm thu hoạch lúa xuân tập trung năm nay là giai đoạn xuống giống vụ mùa của những năm trước. Hơn nữa, gieo cấy vụ mùa không thể dàn trải như vụ chiêm xuân bởi đến thời điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8 mà lúa chưa cứng cây sẽ bị thiệt hại lớn do bão, lũ. Vì vậy, ngoài khâu làm đất phải phụ thuộc, tôi đã chủ động chuẩn bị mạ, phân bón để khi có ruộng sẽ gieo cấy ngay", bà Ly nói.
Không chỉ ảnh hưởng tới tiến độ, mùa vụ cập rập còn làm cho các địa phương bị động trong các khâu sản xuất. Theo ông Đào Văn Đoàn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ), thời vụ gấp gáp nên việc chuẩn bị về vật tư nông nghiệp thường không được chu đáo. Lúa chiêm xuân thu hoạch muộn làm cho nguồn giống chuyển vụ hạn chế. Nhằm khắc phục khó khăn, HTX đã liên kết với nhiều công ty giống, phân bón uy tín để có thể phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con bất kỳ thời điểm nào. Ngoài ra, HTX cũng chủ động bố trí lịch bơm nước, điều tiết nước hợp lý giữa từng khu đồng, không để xảy ra tình trạng ruộng chờ nước, mạ chờ ruộng. HTX phấn đấu sẽ hoàn thành gieo cấy lúa mùa trước ngày 10.7.
Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong lúa chiêm xuân. Mặc dù vậy, vẫn khó có thể đáp ứng được lịch thời vụ. Theo kế hoạch, những huyện trồng cây vụ đông sớm phải cấy xong trước ngày 20.6 nhưng nhiều nơi vẫn chưa triển khai. Thời điểm gieo mạ dược, mạ sân cho các trà lúa đã kết thúc nhưng diện tích gieo vẫn thấp. Nguy cơ không bảo đảm được khung lịch thời vụ, phá cơ cấu giống đang hiện hữu. Mặt khác, thời vụ cấp tập cũng làm biến động thị trường vật tư nông nghiệp, làm cho nhiều loại vật tư khan hiếm theo từng thời điểm, gây bất lợi cho người sản xuất.
Chạy đua với thời vụ
Do mùa vụ cập rập nên diện tích gieo mạ năm nay thấp hơn cùng kỳ năm trước
Trước những khó khăn trong sản xuất vụ mùa, huyện Cẩm Giàng đã chủ động xây dựng phương án ứng phó. Ông Vương Đức Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Huyện tích cực đôn đốc các xã, thị trấn gặt nhanh, làm đất nhanh và gieo cấy nhanh bằng cách tăng cường đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Vụ lúa chiêm xuân năm nay, hơn 90% diện tích của huyện được gặt bằng máy nên đã phần nào đẩy nhanh được thời vụ. Do đó, đến nay, huyện đã làm đất được hơn 50% diện tích, tiến độ đưa nước cũng đạt khoảng 30%. Để vụ mùa có thể về đích sớm, tạo điều kiện kéo giãn thời gian trồng cây vụ đông, huyện khuyến khích nông dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày như TBR1, Bắc thơm số 7, DQ11... và mở rộng tối đa diện tích lúa gieo thẳng.
Nhận thấy tính cấp bách của thời vụ nên ngay từ khi lúa chiêm xuân mới chắc hạt, đỏ đuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản yêu cầu các địa phương khuyến cáo nông dân thực hiện các biện pháp giúp lúa nhanh chín như tăng cường bón phân ka-li qua lá, rút kiệt nước trên bề mặt ruộng... Mặc dù vậy, đây chỉ là giải pháp tình thế, chỉ khắc phục được phần nào về mặt thời gian. Vụ mùa chậm trễ không những làm giảm năng suất lúa mà còn ảnh hưởng tới thời gian sản xuất cây vụ đông cực sớm vốn cho giá trị kinh tế cao.
Theo bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để giải bài toán mùa vụ cập rập, sở đã chỉ đạo sản xuất theo phương châm “thu hoạch lúa xuân đến đâu, triển khai sản xuất vụ mùa đến đó”. Các địa phương cần dựa vào điều kiện sản xuất của từng khu vực để lựa chọn phương thức gieo cấy phù hợp. Đối với những ruộng chân cao, chủ động về nguồn nước nên gieo vãi vì lúa sinh trưởng nhanh, sớm hơn từ 5-7 ngày so với cấy mạ dược. Những chân ruộng trũng, chỉ cấy được mạ dược, cần bố trí diện tích gieo mạ hợp lý, tránh để "ruộng chờ mạ". Đồng thời, vận động người dân không đốt rơm, rạ mà sử dụng chế phẩm phân hủy rơm, rạ nhanh nhằm tránh ngộ độc hữu cơ cho lúa mùa sau cấy.
Thời vụ gấp gáp là thách thức lớn đối với gieo cấy lúa mùa. Bên cạnh các giải pháp về cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền người dân không lơ là, chủ quan mà phải tăng tốc, dồn sức cho sản xuất để vụ mùa có thể cán đích an toàn.
NGUYỄN MƠ