Tháng 5, thiên nhiên muôn sắc hoa rực rỡ. Nhưng có một loài hoa hương thơm thật tinh khiết mọc lên từ các ao làng quê Việt, vừa thắm sắc hoa, vừa thoảng hương thơm ngát, đó là hoa sen. Làn hương thật quyến rũ như chắt lọc mọi hương quê, mạch nguồn của đất đai hồn dân tộc: Hoa sen được xem như là quốc hoa. Và làng quê mang tên Kim Liên (sen vàng) có ao sen thơm ngát đầu làng đã trở thành “quê chung”: “Bỗng nghe tiếng nói trăm miền/ Khi con bước đến làng Sen, làng Chùa/ Bước chân bè bạn năm châu/ Đến gần nhau, xích gần nhau lối này” (Xuân Hoài). Nơi này cách đây 125 năm đã sinh ra một con người vĩ đại: Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu mà chúng ta quen gọi bằng cái tên trìu mến: Bác Hồ! Và trên cánh bay của hãng hàng không Việt Nam có búp hoa sen biểu tượng quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam đến với bạn bè năm châu.
Làng Sen cũng như bao làng quê khác rợp bóng tre xanh mát. Vườn nhà Bác cũng như bao vườn quê khác: có hàng cau cao vút, có bờ rào hoa râm bụt... Ngôi nhà nơi sinh ra Bác cũng như bao ngôi nhà dân Việt khác, cũng lợp mái tranh, cũng 5 gian kèo gỗ, cũng tấm liếp đan bằng tre che nắng trước sân. Trong các hiện vật đơn sơ, giản dị trong nhà Bác, ấn tượng nhất với tôi là cánh võng đay đung đưa theo nhịp gió đồng còn hơi ấm của Người từ tuổi ấu thơ. Từ cánh võng này, Bác Hồ đã được mẹ ru những làn điệu dân ca, những câu Kiều, Chinh phụ ngâm... da diết ân tình như một mạch nguồn văn hóa đầu tiên thấm vào Người, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước. Từ cánh võng làng Sen, Bác đã vào học ở Huế, trên dải đất miền Trung nơi eo khuất của đất nước cũng mang hình cánh võng. Huế với những thành nội, đại nội cũng tỏa ngát những ao sen thanh tịnh. Và khi Người xuống con tàu ở bến Nhà Rồng để ra đi tìm đường cứu nước thì con tàu cũng như cánh võng trùng khơi vượt qua muôn trùng bão gió: “Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi/ Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác/ Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất/ Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre”. Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết những câu thơ thật xúc động đúng tâm trạng của Người. Có lẽ trong những năm tháng hoạt động cách mạng, hình ảnh làng Sen vẫn luôn hiện lên trong tâm trí của Người...
Sinh thời Bác Hồ là người rất yêu thiên nhiên. Ở chiến khu Việt Bắc, Bác chọn làm nhà sàn bên suối. Dòng suối như thức dậy trong lòng Người bao kỷ niệm để có lúc thảnh thơi Người ngồi câu cá như ngày xưa từng đi câu cá với bạn bè ở ao sen đầu làng. Và “Bàn ghế chông chênh dịch sử Đảng/ Cuộc đời cách mạng thật là sang”. Tạm biệt thủ đô kháng chiến gió ngàn khi trở về Thủ đô Hà Nội, Bác vẫn ở một ngôi nhà sàn nhỏ lộng gió nhìn ra “ao cá Bác Hồ” với rất nhiều cây bụt mọc ven hồ, với đường xoài tỏa nắng đung đưa như một cánh võng chao những lúc Người đi dạo...
Khi trở về thăm quê, vẫn áo ka ki, đôi dép lốp cao su giản dị, Người tìm đi theo lối ngõ quen, ra cái giếng Cốc năm nào trong vườn nhà. Làng Sen đón Người như đón một người con thân thiết lâu ngày xa quê mà vẫn nhớ như in những người bạn cũ. Và tôi cứ hình dung trong trí tưởng tượng của mình hình bóng Người ngả lưng trên cánh võng đay một chút thảnh thơi trong làn gió đồng quê ngát hương sen, hương lúa. Tháp Mười xứ sở của bạt ngàn cánh đồng sen là nơi yên nghỉ của thân sinh Người: Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Chợt ngân lên trong tôi câu thơ da diết của nhà thơ Bảo Định Giang: “Tháp Mười đẹp nhất hoa sen / Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.
Tản văn của NGUYỄN NGỌC