Sau khi ăn cơm xong, chị Hiền sang nhà chị Hạnh ngồi chơi. Thấy chị Hạnh đang ngồi xem điện thoại, chị Hiền hỏi:
- Chị đang xem gì mà chăm chú thế?
- Chị đang xem clip của một bạn về việc giả làm người quen để trêu em bé bán nước ở bờ hồ.
- À, clip đó em cũng đã xem qua và thấy nó thật thiếu nhân văn khi đem một đứa trẻ ra làm trò đùa. Khi nghe cậu Youtuber bảo bố gọi về mà không biết à và nghe bé trả lời là bố mất rồi mà em rớt nước mắt.
- Thế mà không hiểu sao những clip với chủ đề này lại trở thành trào lưu, được nhiều người đua nhau làm như vậy chứ?
- Nó cho thấy sự vô tâm, vô cảm của một bộ phận đấy em. Họ chỉ biết đạt được mục đích câu view, câu like của mình mà không cần biết những hệ lụy để lại.
- Xem những clip đấy em cũng thấy lo vì không nghĩ các bé lại dễ bị gạt như vậy. Các bé vài tuổi thì có khi còn chấp nhận được, đằng này có những cháu khoảng lớp 7, lớp 8 rồi mà khi người lạ hỏi tên tuổi bố mẹ cũng nói, đưa đồ cũng cầm. Từ đó mới thấy, các em chưa có ý thức cảnh giác, rất dễ bị các đối tượng xấu lừa gạt.
- Em còn nhớ vụ hơn 30 học sinh ở Đắk Lắk bị ngộ độc sau khi nhận và thổi bóng bay từ người lạ không? Đấy! Cũng là do các em không cảnh giác nên dễ dàng nhận đồ người khác đưa đấy.
- Em nhớ nên mới thấy lo vì nhiều cháu chưa phân biệt được đâu là người quen thật, đâu là giả, đâu là đồ an toàn nên cầm, đâu là đồ không nên.
- Chị nghĩ không chỉ thế đâu mà việc các cháu xuất hiện trên các mạng xã hội, khai thông tin, tên tuổi bố mẹ sẽ dễ khiến kẻ xấu lợi dụng để làm những việc bất lương như gọi lừa đảo phụ huynh học sinh về việc con bị cấp cứu, con nợ tiền như vừa xảy ra thời gian qua nữa đấy.
- Nghĩ đi nghĩ lại thì đúng là quá nhiều vấn đề. Thế nên cùng với việc chúng ta phải dạy dỗ con cảnh giác hơn nữa thì xã hội cũng cần tẩy chay những trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội.
HẢI ĐĂNG