Việc gà Trung Quốc xâm nhập vào thị trường tỉnh ta đã làm giá các loại thực phẩm giảm mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của người nông dân.
Cán bộ thú y TP Hải Dương kiểm tra chất lượng gà thịt tại
Nhà hàng 123, đường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương)
Trong vai người đi chợ, chúng tôi đến khu bán gia cầm, thủy cầm sống ở chợ Hải Tân (TP Hải Dương). Một phần gia cầm, thủy cầm được nhốt trong lồng, một phần được bày bán ngay trên nền chợ. Tôi hỏi mua gà Trung Quốc, chị bán hàng tên Hằng đon đả: “Em mua để làm gì, muốn bao nhiêu chị cũng có”. Khi hỏi về nguồn gốc của số gà đang bày bán ở chợ Hải Tân, chị Hằng khẳng định chắc chắn, đây là gà có nguồn gốc từ Trung Quốc, do các chủ buôn chuyển về xã Tân Hương (Ninh Giang), sau đó lại có người lấy về phân phối cho các chị bán. Trung bình mỗi ngày chị lấy từ 150 - 200 con gà. Ngoài việc bán tại chợ Hải Tân, chị Hằng còn giao cho các nhà hàng, quán phở. Nếu mua với số lượng lớn, chỉ cần đặt hàng trước 2-3 ngày. Chị Hằng còn hướng dẫn chúng tôi cách phân biệt gà Trung Quốc và các loại gà khác. Gà Trung Quốc là gà sinh sản đã bị thải loại, khi vận chuyển về Việt Nam thường nhốt trong các lồng với số lượng lớn nên chúng mổ nhau, lông xác xơ, khi thả ra chậm chạp. Về hình dáng, gà Trung Quốc mỏ ngắn, da dày, nhăn nheo. Về màu sắc, chủ yếu có màu nâu pha thêm màu trắng bạc… Chị Hằng còn tiết lộ thêm, nhiều nhà hàng, quán ăn sử dụng gà Trung Quốc, do giá thành chỉ khoảng 55 nghìn đồng/kg gà sống.
Rời chợ Hải Tân, chúng tôi đến chợ cóc ở khu 11 phường Tân Bình. Do vừa nắm bắt được kinh nghiệm chị Hằng hướng dẫn nên chúng tôi phân biệt ngay được gà Trung Quốc và gà ta. Tôi chỉ vào lồng gà lông xác xơ, một số con đã bị yếu, chị bán hàng trả lời ngay: “Em lấy những con khỏe mạnh đây này, những con yếu để chị mang về làm thịt”. Khi tôi hỏi, tại sao chị không bán gà ta, hay gà công nghiệp... thì chị cho biết: Gà Trung Quốc có giá rẻ (mua vào chỉ khoảng 30-35 nghìn đồng/kg- PV). Thỉnh thoảng chị mới đi bán dạo ở phố, chợ cóc, còn phần lớn làm sẵn bán ở khu vực có công nhân ở.
Theo ông Phạm Thế Thoại, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, thời gian qua, trên thị trường tỉnh ta đã xuất hiện gà không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, có phải gà Trung Quốc hay không chỉ có người buôn bán gà mới biết được. Theo quy định, toàn bộ gia súc, gia cầm không chứng minh được nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch đều phải bị tiêu hủy. Hiện nay, việc kiểm soát gà nhập lậu rất khó khăn. Bởi hầu hết các loại gà này đều được đưa vào nhà hàng hoặc quán ăn, người bán thường xuyên di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Gà Trung Quốc chủ yếu nuôi lấy trứng nên chất lượng không thể bằng gà hướng thịt. Thêm vào đó, người nuôi sử dụng nhiều thuốc kích thích cho gà đẻ trứng nhiều và thời gian sinh sản dài nên khi đưa ra thị trường, lượng hóa chất vẫn còn, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Khi gà được làm thịt rất khó phân biệt thịt gà Trung Quốc và gà ta. Tuy nhiên, thịt gà Trung Quốc khi luộc lên có màu trắng bệch, thịt chắc, ăn rất giòn, ngửi kỹ có mùi tanh.
Việc gà Trung Quốc xâm nhập vào thị trường tỉnh ta đã làm giá các loại thực phẩm giảm mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của người nông dân. Theo một số người nuôi gà thả đồi ở Chí Linh, hiện nay, gà bán tại trang trại cũng chỉ từ 50-60 nghìn đồng/kg. Gà ta có trọng lượng khoảng 1,5-1,7 kg/con bán tại chợ Thanh Bình (TP Hải Dương) có giá 100 nghìn đồng/kg, giảm so với trước... Trước thực trạng trên, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra thị trường, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vận chuyển, buôn bán và tiêu thụ gà nhập lậu. Người tiêu dùng nên cẩn trọng, tránh mua phải thịt gà nhập lậu kém chất lượng và dễ ảnh hưởng đến sức khỏe.
THANH HÀ