Việc dùng tiền mới để lễ chùa, mừng tuổi đầu năm mới là tập tục truyền thống lâu năm của người Việt.
Người đổi tiền phải rất cảnh giác khi đổi tiền lẻ trên mạng
Do đó, vào dịp giáp Tết nhu cầu đổi tiền mới của người dân tăng rất cao. Nhưng vì các ngân hàng không đủ lượng tiền mới để đáp ứng cho nhu cầu của người dân nên nhiều người đã tìm đến các tài khoản facebook đổi tiền mới xuất hiện công khai trên mạng xã hội và chấp nhận đổi tiền với phí rất cao.
Cách đây nửa tháng, chị Đỗ Thị Thanh Hiền (khu 6, phường Tân Bình, TP Hải Dương) tìm cách đổi tiền mới. Dù chị đã đến một số ngân hàng để đổi và nhờ cả người quen đổi giúp nhưng vẫn không đủ lượng tiền như ý muốn.
Nắm bắt được tình hình này, nhiều tài khoản facebook đăng công khai thông tin đổi tiền mới. Vào các hội, nhóm trên mạng xã hội như: Dọn nhà cho đỡ chật Hải Dương, Hội các ông bố bà mẹ mua sắm thông thái Hải Dương, Hội bố mẹ và các bé Hải Dương, Tìm mua nhanh Hải Dương… không khó để bắt gặp các tài khoản cung cấp dịch vụ này với mệnh giá từ 2.000, 5.000, 10.000, 20.000, 50.000, 100.000 đồng. Các bài đăng này nhận được sự quan tâm của rất đông cộng đồng mạng. Có bài đăng, chỉ sau 8 giờ đã nhận được trên 200 lượt bình luận. Có những tài khoản ngày nào cũng đăng bài vào các hội nhóm vài lần, cập nhật cụ thể tình hình đổi tiền, mệnh giá nào còn, mệnh giá nào hết.
Liên hệ với một vài tài khoản, tôi nhận được bảng giá đổi tiền lẻ với mức phí đổi tiền mới dao động như sau: tiền 50.000 đồng phí 5-6%, tiền 20.000 đồng là 8%, 10.000 đồng là 10-11%, 5.000 và 2.000 đồng có phí 12-15%. Những tài khoản này cũng cho biết, các cọc tiền đổi sẽ liền số seri, là tiền mới và giao dịch trực tiếp.
Khi đổi tiền lẻ qua mạng, bên cạnh việc phải chịu phí đổi rất cao, người dân sử dụng dịch vụ này còn đối mặt với nguy cơ bị lừa đảo. Ngoài những tài khoản giao dịch trực tiếp, có những tài khoản giao dịch bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng, sau đó chuyển phát nhanh tiền lẻ về cho khách. Không ít trường hợp người dân chuyển khoản xong thì chủ tài khoản chặn facebook, điện thoại, ăn chặn tiền của khách. Cũng có trường hợp, tập tiền khi đổi đã bị rút bớt lõi như trường hợp của chị Nguyễn Thu Nhung ở khu 5, thị trấn Phú Thứ (Kinh Môn). Ngoài các rủi ro trên, người dân cũng có thể phải chịu cảnh mất tiền oan khi đem tiền thật đổi lấy tiền giả bởi hiện nay, tiền giả được in với công nghệ tinh vi, cao cấp, bằng mắt thường khó có thể phân biệt được.
Theo quy định của pháp luật, việc đổi tiền lẻ ăn chênh lệnh là một hoạt động bị pháp luật cấm. Người nào vi phạm có thể bị phạt từ 20-40 triệu đồng.
HOÀNG NGÂN (TP Hải Dương)