Hình thức bán hàng của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy không mới, nhưng theo phản ánh, việc kinh doanh có dấu hiệu đánh lừa người dân.
|
Công ty Hoàng Giang Phúc IX đóng trên địa bàn thị trấn Nam Sách là chi nhánh của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy có trụ sở tại Hà Nội (ảnh trái). Đơn tố cáo của người dân gửi Công an huyện Nam Sách nhờ can thiệp để lấy lại số tiền đã mua hàng của công ty bán hàng đa cấp (ảnh phải) |
Gần đây, Công an huyện Nam Sách nhận được một số đơn tố cáo của người dân liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy có trụ sở tại Hà Nội nhưng mở chi nhánh ở thị trấn Nam Sách. Hình thức bán hàng của công ty này không mới, nhưng theo phản ánh, việc kinh doanh có dấu hiệu đánh lừa người dân.
"Tự nguyện" mắc bẫy Hầu hết người mua hàng của công ty này đều tự nguyện tham gia sau khi được nhân viên bán hàng tư vấn nhiều lần. Tuy nhiên, sau khi nhận ra những "bất thường", người tham gia lại khó "rút chân" ra khỏi mạng lưới bán hàng do bị ràng buộc về kinh tế.
Do nghe theo lời khuyên của nhân viên và Giám đốc Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, chị H.T.T. ở xã Đồng Lạc (Nam Sách) đã nhiều lần mua sản phẩm với tổng số tiền trên 300 triệu đồng. "Theo như lời giới thiệu của công ty, từ ngày 27-4-2015 đến 27-4-2018, tôi sẽ được lấy về số tiền trên 1,2 tỷ đồng. Ngày 28-5-2015, tôi đến công ty để rút lại số tiền đã mua, chấp nhận chịu phạt do phá hợp đồng trước thời hạn nhưng phía công ty lại gây khó dễ, không muốn để tôi rút lại tiền". Nghi ngờ phía công ty có dấu hiệu lừa đảo nên chị T. đã gửi đơn tố cáo đến Công an huyện Nam Sách.
Cũng như chị T., ông V. M. 80 tuổi ở xã An Châu (TP Hải Dương) cũng bị mắc bẫy bởi những lời hứa hẹn ngon ngọt của nhân viên bán hàng đa cấp thuộc công ty này. Ông M kể lại: "Trong một lần đi làm thủ tục cấp đổi chứng minh thư nhân dân vào tháng 4-2014, tôi nhận được cuộc điện thoại của một người gọi đến nói muốn gặp tôi để trao đổi công việc. Tôi hẹn hôm khác thì tối hôm đó có người đến nhà tôi tự giới thiệu là nhân viên của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy có chi nhánh ở thị trấn Nam Sách và mời tôi tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp. Họ mời chào, giới thiệu rất nhiệt tình nên tôi đã mua một mã hàng đầu tiên với giá trên 8 triệu đồng. Trưa hôm sau họ tư vấn cho tôi nên đổi mã hàng này sang lộ trình chăm sóc sức khỏe nhưng phải đóng thêm 1 triệu đồng nữa và cho biết sau khi chuyển đổi thì tôi sẽ nhận được 16 triệu đồng ở mã hàng đầu tiên".
Không chỉ dừng lại ở đó, vài hôm sau, nhân viên này lại đến tư vấn chương trình khuyến mãi đặc biệt của công ty trong tháng 4 với mong muốn ông M. sẽ mua thêm vài mã hàng nữa. Ông M. kể lại: "Họ tư vấn, nếu tôi mua thêm vài mã nữa trong tháng 4 thì chỉ hai năm nữa tôi sẽ được tiền thưởng trên 40 triệu đồng. Trong hợp đồng ký kết với công ty, tôi được quyền rút hợp đồng ở mọi thời điểm và phải thông báo trước 7 ngày nên tôi liền mua thêm một mã hàng nữa trị giá 8,7 triệu đồng". Sau khi mua xong mã hàng thứ 2, ông M. đã nhiều lần đến công ty để xin rút lại số tiền thì bị công ty gây khó khăn, thậm chí ông M. còn bị ông giám đốc trẻ đập bàn, nói những lời khiếm nhã và mời ra ngoài.
Đánh vào lòng tham Trung tá Đào Đình Đại, Trưởng Công an huyện Nam Sách cho biết: Ngay khi nhận được đơn tố cáo của người dân, Công an huyện đã tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin. Qua kiểm tra cho thấy thực chất chi nhánh của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy có trụ sở trên Hà Nội, đóng trên địa bàn thị trấn Nam Sách có tên là Hoàng Giang Phúc IX. Công ty này được các cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động theo quy định. Các mặt hàng kinh doanh như thực phẩm chức năng, đồ dùng sinh hoạt, điện máy... được giới thiệu, quảng cáo có chất lượng tốt, nhưng chất lượng thực đến đâu thì chưa biết. Hình thức kinh doanh của công ty phần lớn là mời chào để người dân tự nguyện mua hàng và có ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, phía công ty chủ yếu đánh vào tâm lý hám lợi của người dân để mời chào mua hàng. Hiện nay, Công an huyện Nam Sách vẫn đang tiếp tục điều tra, xác minh. "Nếu phát hiện ra hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân, chúng tôi sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật", trung tá Đại nhấn mạnh.
Ông Đại cho biết thêm, qua việc tìm hiểu và nghiên cứu hoạt động của các công ty bán hàng đa cấp cho thấy, một số công ty đa cấp đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật nói chung và trong ký kết các hợp đồng kinh tế nói riêng, đánh vào tâm lý hám lợi, mong muốn làm giàu nhanh của một số người dân dẫn đến lợi dụng để chiếm đoạt tài sản. Nhiều công ty bán hàng đa cấp đã sử dụng hình thức ép buộc chứ không phải tự nguyện. Khi đã tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp thì không được lấy lại tiền hoặc trả lại sản phẩm. Người dân đã mua hàng, muốn ra khỏi mạng lưới đó buộc phải chấp nhận nộp tiền phạt hoặc mất số tiền đã mua các sản phẩm ban đầu. Khi bỏ tiền ra cho các công ty bán hàng đa cấp này thì gần như người dân không thể thu hồi.
Nhiều công ty bán hàng đa cấp không quan tâm đến việc đầu tư cho sản phẩm mà chỉ tuyên truyền về việc làm giàu nhanh chóng, không mất công sức làm cho người nghe dễ vì lợi nhuận mà mờ mắt, tham gia vào mạng lưới. Đây là một trong những chiêu thức để lôi kéo mọi người vào mạng lưới của họ. Thực tế, lợi nhuận của hình thức bán hàng đa cấp không đến từ việc bán sản phẩm mà do việc lôi kéo người tham gia.
LAN NGUYỄN